Cộng đồng bền vững, thích ứng thiên tai

Đó là chủ đề của Tuần lễ Quốc gia Phòng, chống thiên tai (PCTT) năm 2025. Tuần lễ quốc gia PCTT diễn ra từ ngày 15 - 22/5 hằng năm nhằm nâng cao nhận thức, trách nhiệm của cấp ủy, chính quyền các cấp và các tầng lớp nhân dân trong công tác PCTT, góp phần xây dựng xã hội an toàn hơn trước thiên tai, vì sự phát triển bền vững của đất nước.

Chủ động phòng ngừa

Do tác động của biến đổi khí hậu, thiên tai ngày càng cực đoan, khó lường đã gây ra những hậu quả nặng nề về người và tài sản; ảnh hưởng nghiêm trọng đến môi trường, cơ sở hạ tầng và an ninh lương thực. Trong khi đó, cơ sở hạ tầng PCTT chưa đáp ứng, nhất là tình trạng sạt lở bờ sông, bờ biển, cũng như nứt núi, sạt lở đất diễn biến phức tạp. Bên cạnh đó, nhận thức và kỹ năng phòng ngừa, ứng phó thiên tai của một bộ phận người dân còn hạn chế, nhất là khi xuất hiện các loại hình thiên tai có cường độ lớn, không thường xuyên xảy ra. Từ kinh nghiệm thực tế những năm qua, Ban Chỉ huy Phòng, chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn (PCTT&TKCN) tỉnh đã xây dựng, thực hiện có hiệu quả các nhiệm vụ, giải pháp, góp phần phòng tránh và giảm thiểu rủi ro thiên tai, đặc biệt là không để xảy ra thiệt hại về người.

Lực lượng Ban Chỉ huy Phòng, chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn phường Phổ Minh (TX.Đức Phổ) tổ chức sơ tán, di dời người dân vùng ngập lụt ở tổ dân phố 1 trong đợt mưa lớn vào cuối tháng 11/2024.

Lực lượng Ban Chỉ huy Phòng, chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn phường Phổ Minh (TX.Đức Phổ) tổ chức sơ tán, di dời người dân vùng ngập lụt ở tổ dân phố 1 trong đợt mưa lớn vào cuối tháng 11/2024.

Giám đốc Sở Nông nghiệp và Môi trường (NN&MT) Hồ Trọng Phương, Phó Trưởng ban Chỉ huy PCTT&TKCN tỉnh cho biết, tỉnh kiện toàn bộ máy, tổ chức quản lý nhà nước về PCTT và tìm kiếm cứu nạn; đẩy mạnh tuyên truyền, ứng dụng công nghệ trong công tác phòng ngừa, ứng phó, khắc phục hậu quả thiên tai; đầu tư cơ sở hạ tầng, trang thiết bị phục vụ PCTT; tăng cường quản lý quy hoạch ngành, bảo đảm an toàn hệ thống đê điều, hồ, đập; rà soát, điều chỉnh, bổ sung, ban hành mới cơ chế, chính sách liên quan đến công tác PCTT&TKCN... Đến nay, toàn tỉnh đã lắp đặt, quản lý, vận hành 79 trạm đo mưa tự động, 11 trạm đo mực nước tự động, 4 trạm cảnh báo ngập lụt tại các ngầm tràn và 2 trạm cảnh báo ngập sâu. Thành lập 173 đội xung kích PCTT tại 173 xã, phường, thị trấn của 12 huyện, thị xã, thành phố với gần 10 nghìn thành viên.

Người dân thôn Nguyên, xã Trà Hiệp (Trà Bồng) theo dõi thông tin, diễn biến bão số 6 tại điểm sơ tán tập trung Trường Tiểu học thôn Nguyên vào đêm 26/10/2024.

Người dân thôn Nguyên, xã Trà Hiệp (Trà Bồng) theo dõi thông tin, diễn biến bão số 6 tại điểm sơ tán tập trung Trường Tiểu học thôn Nguyên vào đêm 26/10/2024.

“Phương châm “4 tại chỗ” được quán triệt, thực hiện đầy đủ đến các cấp, ngành, nhất là cấp cơ sở. Trong đó, chỉ huy thống nhất theo nguyên tắc chỉ có một người chỉ huy trên một địa bàn; lực lượng nòng cốt là các đội xung kích PCTT và các lực lượng vũ trang các cấp; vật tư, phương tiện sẵn sàng huy động khi cần; hậu cần đảm bảo không để người dân bị đói, rét khi có mưa, bão xảy ra”, ông Phương cho biết.

Cộng đồng thích ứng

Thực hiện Luật Phòng, chống thiên tai, Sở NN&MT đã phối hợp với các đơn vị liên quan tham mưu UBND tỉnh ban hành Kế hoạch PCTT giai đoạn 2021 - 2025 với các giải pháp nâng cao năng lực cơ sở hạ tầng và xây dựng cộng đồng, xã hội an toàn trước thiên tai. Văn phòng Thường trực Ban Chỉ huy PCTT&TKCN tỉnh phối hợp với các cơ quan, đơn vị, địa phương đẩy mạnh tuyên truyền, nâng cao nhận thức và kỹ năng ứng phó của các cấp chính quyền, người dân, cộng đồng về PCTT.

Mưa lớn vào cuối tháng 11/2024 gây hư hỏng nghiêm trọng tuyến kè và đường trên kè sông Trà Câu, phường Phổ Minh.

Mưa lớn vào cuối tháng 11/2024 gây hư hỏng nghiêm trọng tuyến kè và đường trên kè sông Trà Câu, phường Phổ Minh.

Chi cục trưởng Chi cục Thủy lợi tỉnh Võ Đoàn, Chánh Văn phòng Thường trực Ban Chỉ huy PCTT&TKCN tỉnh cho biết, nhằm nâng cao kiến thức, năng lực, kỹ năng PCTT cho cộng đồng, doanh nghiệp, năm 2024, Văn phòng Thường trực Ban Chỉ huy PCTT&TKCN tỉnh phối hợp Ban Quản lý KKT Dung Quất và các KCN tỉnh tổ chức tập huấn, phổ biến quy định pháp luật về PCTT cho cán bộ của 200 doanh nghiệp. Tổ chức 10 lớp tập huấn nâng cao năng lực tham mưu PCTT, cũng như hướng dẫn nhập liệu, sử dụng Hệ thống cơ sở dữ liệu PCTT tỉnh cho 400 cán bộ làm công tác PCTT các cấp, thành viên đội xung kích cấp xã...

Bên cạnh đó, tỉnh cũng đã xây dựng hoàn thiện và đưa vào sử dụng Hệ thống cơ sở dữ liệu PCTT tỉnh tại website https://csdlpctt.quangngai.gov.vn/. Phó Chủ tịch UBND huyện Bình Sơn Ung Đình Hiền cho biết, nhờ các ứng dụng của Hệ thống cơ sở dữ liệu PCTT, Ban Chỉ huy PCTT&TKCN cơ sở thuận lợi hơn trong việc xây dựng phương án, kịch bản ứng phó thiên tai hằng năm cũng như công tác tổng hợp, báo cáo nhanh tình hình thiệt hại. Ngoài ra, hệ thống cũng cung cấp đầy đủ các thông tin qua bản đồ ngập lụt trên các sông lớn; các trạm đo mưa, trạm đo mực nước tự động trên địa bàn tỉnh hay tình hình ngập lụt tại các ngầm, tràn, vùng ngập sâu, điểm sạt lở đất... Qua đó giúp các cấp chính quyền và người dân chủ động theo dõi, ứng phó, góp phần giảm tổn thất thấp nhất về người, tài sản của nhà nước và nhân dân.

Năm 2024, có 14 cơn bão và áp thấp nhiệt đới xảy ra trên Biển Đông, trong đó có 3 cơn bão và 4 đợt mưa lũ ảnh hưởng đến tỉnh. Mưa bão làm 47 nhà và 3 trường học bị hư hỏng; gần 1.500ha lúa, 90ha hoa màu bị hư hỏng và hàng chục héc ta đất sản xuất bị sa bồi thủy phá; 35 công trình thủy lợi, gần 7.000m kênh mương, hàng chục tuyến giao thông tỉnh và 18 tuyến đường giao thông huyện, xã bị sạt lở, hư hỏng. Ngoài ra, mưa lũ làm gia tăng mức độ sạt lở núi, bờ sông, bờ biển, ảnh hưởng đến an toàn các khu dân cư và công trình cơ sở hạ tầng trong khu vực.

Theo Văn phòng Thường trực Ban Chỉ huy PCTT&TKCN tỉnh, nâng cao nhận thức, trách nhiệm của cộng đồng là giải pháp quan trọng nhằm giảm rủi ro và tổn thất do thiên tai gây ra theo hướng hiệu quả, bền vững. Do đó, tỉnh giao các sở, ngành, địa phương tiếp tục thực hiện tốt phương châm “3 sẵn sàng” (chủ động phòng tránh, đối phó kịp thời, khắc phục khẩn trương và có hiệu quả), “4 tại chỗ” và “5 không” (không để dân đuối nước, dân bị đói, dân bị khát, dân bị thương vong do điện giật và dân bị dịch bệnh).

Ông Hồ Trọng Phương cho biết, Sở NN&MT tiếp tục triển khai thực hiện Đề án nâng cao nhận thức của cộng đồng và quản lý rủi ro thiên tai dựa vào cộng đồng. Trọng tâm là thường xuyên xây dựng và tổ chức diễn tập, tập huấn, đào tạo, nâng cao nhận thức, hướng dẫn nhân dân kỹ năng ứng phó các tình huống thiên tai phù hợp với điều kiện, đặc thù. Bên cạnh đó, Sở tham mưu tỉnh đầu tư hiện đại hóa, tự động hóa hệ thống quan trắc cũng như cơ sở hạ tầng, trang thiết bị phương tiện để nâng cao chất lượng dự báo, cảnh báo thiên tai và năng lực, hiệu quả hoạt động cho lực lượng PCTT&TKCN trên địa bàn tỉnh.

Bài, ảnh: MỸ HOA

Nguồn Quảng Ngãi: https://baoquangngai.vn/cong-dong-ben-vung-thich-ung-thien-tai-52706.htm
Zalo