Công đoàn hiến kế phát triển Đảng trong công nhân

Việc tạo nguồn cho công tác phát triển Đảng là nhiệm vụ của cả hệ thống chính trị, từ Trung ương đến địa phương, trong đó có vai trò, trách nhiệm của tổ chức công đoàn. Đặc biệt là phát triển đảng viên trong lực lượng công nhân, người lao động trực tiếp sản xuất, kinh doanh.

Đây là nguồn bổ sung, tăng cường sức mạnh và bảo đảm tính kế thừa, phát triển Đảng; góp phần củng cố khối liên minh giai cấp, tăng cường bản chất giai cấp công nhân, nâng cao năng lực lãnh đạo, năng lực cầm quyền và sức chiến đấu của Đảng.

Những nội dung này đã được các đại biểu chia sẻ, thảo luận tại Diễn đàn “Phấn đấu để xứng đáng là đảng viên Đảng Cộng sản Việt Nam” do Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam tổ chức sáng 16/02.

Phát biểu khai mạc Diễn đàn, đồng chí Nguyễn Đình Khang - Ủy viên BCH Trung ương Đảng, Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam cho biết, trên cơ sở các chủ trương, nghị quyết của Đảng, những năm qua các cấp công đoàn đã triển khai nhiều giải pháp phát triển đảng trong công nhân, người lao động tại các đơn vị, doanh nghiệp.

Điển hình là: Đẩy mạnh công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức cho các cấp ủy, cán bộ, đảng viên, công nhân về vị trí, vai trò, tầm quan trọng, ý nghĩa và lợi ích của việc phát triển đảng trong doanh nghiệp; Tập trung củng cố, kiện toàn, nâng cao chất lượng hoạt động tổ chức đảng; đổi mới và nâng cao chất lượng sinh hoạt đảng theo hướng thiết thực, phù hợp với điều kiện thực tế của từng đơn vị, từng doanh nghiệp; Nâng cao nhận thức của chủ doanh nghiệp về mục đích, ý nghĩa của việc thành lập tổ chức đảng trong doanh nghiệp; khẳng định việc thành lập tổ chức đảng trong doanh nghiệp là để đồng hành cùng doanh nghiệp vận động công nhân thi đua lao động sản xuất, chấp hành kỷ luật lao động, gương mẫu trong thực hiện nhiệm vụ, quy chế, quy định của doanh nghiệp; Làm tốt công tác phát hiện, bồi dưỡng tạo nguồn phát triển đảng viên; Phát huy vai trò của tổ chức công đoàn trong công tác phát triển đảng và tiếp tục giáo dục, rèn luyện đảng viên trong môi trường của tổ chức công đoàn.

Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam Nguyễn Đình Khang trao tặng Huy hiệu Bác Hồ cho công nhân lao động tiêu biểu là Đảng viên Đảng Cộng sản Việt Nam. Ảnh: Hải Nguyễn

Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam Nguyễn Đình Khang trao tặng Huy hiệu Bác Hồ cho công nhân lao động tiêu biểu là Đảng viên Đảng Cộng sản Việt Nam. Ảnh: Hải Nguyễn

Dưới sự lãnh đạo, chỉ đạo của các cấp ủy đảng, tổ chức công đoàn đã khẳng định được vai trò là cầu nối giữa công nhân với Đảng, thông qua việc giới thiệu những công nhân ưu tú có đủ phẩm chất, năng lực và lý tưởng cách mạng để Đảng xem xét kết nạp. Đồng thời, công đoàn chú trọng rèn luyện công nhân về đạo đức, ý thức kỷ luật lao động, tinh thần đoàn kết và trách nhiệm xã hội, từ đó hình thành những phẩm chất cần thiết để trở thành đảng viên gương mẫu. Cùng với sự đồng hành, giúp đỡ của tổ chức công đoàn, đa số đảng viên công nhân đã không ngừng nỗ lực, luôn luôn phát huy tinh thần phấn đấu để xứng đáng là đảng viên Đảng Cộng sản Việt Nam.

Nhiệm kỳ 2018-2023, các cấp công đoàn giới thiệu được 700.185 đoàn viên ưu tú cho Đảng xem xét bồi dưỡng, kết nạp (tăng 1,8 lần so với nhiệm kỳ trước). Trong đó, số đoàn viên ưu tú được kết nạp vào Đảng Cộng sản Việt Nam của nhiệm kỳ là 399.676 đồng chí (tăng 1,4 lần so với nhiệm kỳ trước). Tỷ lệ đoàn viên ưu tú ngoài khu vực nhà nước chiếm hơn 11%, có khoảng gần 10% đoàn viên ưu tú là công nhân lao động. Tính riêng năm 2024, đã có 80.327 đoàn viên công đoàn ưu tú được kết nạp vào hàng ngũ của Đảng trong 158.813 người do các cấp công đoàn giới thiệu.

Những con số này ghi nhận sự nỗ lực, phấn đấu không mệt mỏi của một bộ phận đoàn viên công đoàn và sự vào cuộc tích cực, trách nhiệm của công đoàn các cấp. Tuy nhiên, thẳng thắn nhìn nhận, kết quả phát triển đảng trong công nhân chưa tương xứng với phạm vi, quy mô, số lượng công nhân lao động.

Không ít quần chúng ưu tú là công nhân, lao động tại các doanh nghiệp có ý nguyện được đứng trong hàng ngũ của Đảng. Nhưng có một số trở ngại, khó khăn làm cho nguyện vọng này chưa trở thành hiện thực. Bên cạnh đó, một bộ phận đảng viên công nhân chưa liên tục, bền bỉ phấn đấu, chưa phát huy được vai trò đảng viên tại doanh nghiệp.

Theo đồng chí Nguyễn Đình Khang, diễn đàn là dịp để các đảng viên công nhân giao lưu, chia sẻ kinh nghiệm về quá trình phấn đấu, tu dưỡng, rèn luyện trở thành đảng viên và nỗ lực, phấn đấu để trở thành đảng viên công nhân tiêu biểu. Chương trình cũng tạo cơ hội để các đại biểu giới thiệu mô hình hay, chia sẻ kinh nghiệm tốt; làm rõ các khó khăn, bất cập và đề xuất các giải pháp khắc phục, góp phần nâng cao hiệu quả công tác phát triển đảng viên trong công nhân và nâng cao chất lượng đảng viên, đáp ứng yêu cầu của tình hình mới.

Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam đề nghị các đại biểu tập trung thảo luận vào các nội dung sau:

Thứ nhất, chia sẻ, trao đổi, thảo luận về việc không ngừng phấn đấu, rèn luyện, tu dưỡng về chính trị tư tưởng, đạo đức, lối sống, chuyên môn nghiệp vụ, gương mẫu đi đầu, tham gia xây dựng Đảng và tổ chức công đoàn… để trở thành đảng viên và phấn đấu giữ vững danh hiệu đảng viên.

Thứ hai, đánh giá, trao đổi về điều kiện, môi trường sinh hoạt đảng tại doanh nghiệp và vai trò của tổ chức đảng trong doanh nghiệp.

Thứ ba, vai trò và trách nhiệm của cấp ủy đảng, công đoàn, người sử dụng lao động trong tuyên truyền, vận động, giáo dục công nhân phấn đấu trở thành đảng viên Đảng Cộng sản Việt Nam và giữ vững danh hiệu đảng viên tiêu biểu.

Phó Chủ tịch Thường trực Tổng LĐLĐVN Thái Thu Xương trao tặng Huy hiệu Bác Hồ cho công nhân lao động tiêu biểu là Đảng viên Đảng Cộng sản Việt Nam. Ảnh: Hải Nguyễn

Phó Chủ tịch Thường trực Tổng LĐLĐVN Thái Thu Xương trao tặng Huy hiệu Bác Hồ cho công nhân lao động tiêu biểu là Đảng viên Đảng Cộng sản Việt Nam. Ảnh: Hải Nguyễn

Trình bày tham luận mức độ quan tâm và nguyện vọng phấn đấu trở thành đảng viên Đảng Cộng sản Việt Nam của công nhân lao động, bà Phạm Thị Thanh Tâm - Chủ tịch Công đoàn Dệt May Việt Nam cho biết, qua theo dõi, nắm bắt và báo cáo của các cấp Công đoàn, hiện nay, người lao động dệt may có quan tâm đến các hoạt động của Đảng, sự ảnh hưởng, tác động của Đảng đối với mọi mặt của đời sống xã hội.

Trong đó, một bộ phận người lao động quan tâm đến việc gia nhập Đảng; tuy nhiên, số này chủ yếu là công nhân lao động được giao quản lý các ca tổ sản xuất, còn lại phần lớn công nhân trực tiếp sản xuất có mức độ quan tâm chưa lớn và nguyện vọng phấn đấu chưa thực sự mạnh mẽ để trở thành đảng viên Đảng Cộng sản Việt Nam.

Bà Thanh Tâm khẳng định, qua tổng hợp 5 năm trở lại đây, kết quả phát triển Đảng trong công nhân của dệt may còn khiêm tốn. Dù các cấp ủy Đảng và Công đoàn đã có nhiều cố gắng, song từ 2020-2024 toàn hệ thống kết nạp được 1.416 đảng viên nhưng chỉ có 610 công nhân trực tiếp sản xuất, chiếm tỉ lệ gần 44%, chưa tương thích với tỉ lệ công nhân trực tiếp sản xuất.

Về giải pháp phát triển Đảng viên tại doanh nghiệp, bà Thanh Tâm cho rằng:

Thứ nhất cần tăng cường công tác tuyên truyền, giáo dục chính trị, tư tưởng.

Trong đó, đưa các chương trình tuyên truyền về Đảng, về vai trò của Đảng trong xây dựng, bảo vệ và phát triển đất nước, trong các vấn đề liên quan đến quyền và lợi ích hợp pháp chính đáng của người lao động vào các buổi sinh hoạt Đảng, Công đoàn, ca tổ sản xuất, chương trình truyền thanh Công đoàn đến từng phân xưởng.

Các lớp bồi dưỡng lý luận chính trị cho công nhân cần được tổ chức một cách hợp lý và dễ tiếp cận, giúp họ nắm vững kiến thức về Đảng và tầm quan trọng của việc gia nhập Đảng trong việc phát triển sự nghiệp cá nhân và ngành nghề.

Thứ hai, cần cải thiện điều kiện làm việc và đời sống công nhân: Các cấp ủy Đảng cần có nhiều hơn nữa các chủ trương, đường lối, tạo cơ chế, chính sách tác động mạnh mẽ, trực tiếp đến việc làm, đời sống của người lao động, đặc biệt là các vấn đề liên quan đến an cư, an sinh, nâng cao chất lượng cuộc sống của người lao động như điều kiện làm việc, tiền lương, thu nhập, bảo hiểm, nhà ở, trường học, khám chữa bệnh, nơi sinh hoạt văn hóa, nơi luyện tập thể thao... Những vấn đề thiết thực, sát sườn này, sẽ giúp tạo niềm tin và sự quan tâm của công nhân lao động đối với Đảng.

Thứ ba, cần tạo điều kiện cho công nhân lao động tham gia phong trào, hoạt động của Đảng, đoàn thể. Trong đó, các tổ chức Đảng tại doanh nghiệp cần tăng cường chỉ đạo, phối hợp với chuyên môn và các đoàn thể tổ chức các phong trào, hoạt động mang tính tập hợp và dẫn dắt, đoàn kết quần chúng; thông qua đó tạo điều kiện cho công nhân biết, công nhân bàn, công nhân tham gia, công nhân thụ hưởng.

Với các chương trình, sự kiện lớn, Đảng nên mời thêm các đại biểu là công nhân lao động tham gia để chứng kiến, nắm bắt thông tin, tiếp thu quan điểm, chủ trương, qua đó nâng cao nhận thức, gia tăng sự gắn kết, khơi gợi nguyện vọng gia nhập Đảng.

Quan tâm tạo điều kiện về thời gian, chế độ đãi ngộ phù hợp cho người lao động tham gia các lớp nâng cao nhận thức về Đảng, trình độ kỹ năng nghề nghiệp. Nếu doanh nghiệp có đông người lao động tham gia, tham mưu với Đảng ủy cấp trên mở lớp tại doanh nghiệp cho thuận tiện.

Thứ tư, cần xây dựng mối liên hệ chặt chẽ giữa Đảng, Công đoàn và công nhân. Các cấp ủy Đảng cần chủ động tổ chức các buổi làm việc với Công đoàn, các hoạt động tiếp xúc, đối thoại, gặp gỡ, thăm hỏi, tôn vinh người lao động.

Thứ năm, cần đổi mới sinh hoạt Đảng; cải tiến quy trình, thủ tục phát triển, quản lý Đảng viên. Nên cho phép linh hoạt trong tổ chức sinh hoạt chi bộ, cung cấp, trao đổi thông tin bằng những hình thức, phương pháp, thời gian phù hợp với đặc thù của các tổ chức đảng trực tiếp sản xuất, làm việc theo dây chuyền.

Ứng dụng mạnh công nghệ trong kê khai và thẩm định hồ sơ, lý lịch phát triển Đảng, quản lý đảng viên, giảm thiểu những thủ tục hành chính không thật cần thiết.

Trình bày tham luận, Chủ tịch Liên đoàn Lao động tỉnh Bắc Giang Nguyễn Văn Cảnh cho biết:

Hiện nay, tỉnh Bắc Giang đã thành lập 11 khu công nghiệp với diện tích 2.720 ha và 55 cụm công nghiệp với diện tích 2.327 ha, với trên 4.200 doanh nghiệp đang hoạt động và hơn 305.000 công nhân lao động.

Cùng với việc thực hiện chức năng trung tâm là đại diện, chăm lo, bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của đoàn viên, người lao động, các cấp công đoàn tỉnh Bắc Giang đã luôn chú trọng công tác tham gia xây dựng Đảng, trong đó có nhiệm vụ rất quan trọng là phát triển đảng trong công nhân lao động.

Ông Nguyễn Văn Cảnh - Chủ tịch LĐLĐ tỉnh Bắc Giang phát biểu tại diễn đàn. Ảnh: Hải Nguyễn

Ông Nguyễn Văn Cảnh - Chủ tịch LĐLĐ tỉnh Bắc Giang phát biểu tại diễn đàn. Ảnh: Hải Nguyễn

Để tiếp tục đẩy mạnh công tác phát triển đảng viên trong công nhân lao động, ông Nguyễn Văn Cảnh đề xuất một số giải pháp chủ yếu:

Một là: tăng cường tuyên truyền, giáo dục, nâng cao giác ngộ giai cấp, nâng cao nhận thức về đường lối, chủ trương của Đảng, pháp luật của Nhà nước; từng bước hình thành và củng cố lập trường tư tưởng, đạo đức, lối sống trong đội ngũ công nhân lao động. Trong đó: Xác định những nội dung cốt lõi, cần tập trung tuyên truyền, giáo dục. Đa dạng hóa hình thức, phương pháp tuyên truyền, giáo dục, nhất là thông qua các trang mạng xã hội.

Hai là: Đẩy mạnh các phong trào thi đua lao động, sản xuất với những nội dung cụ thể, thiết thực, tạo điều kiện để đoàn viên, công nhân lao động phấn đấu rèn luyện, phát huy năng lực, sở trường công tác... nhằm phát hiện những nhân tố điển hình tiên tiến, tiêu biểu để giới thiệu cho Đảng xem xét, bồi dưỡng, kết nạp.

Ba là: Kiến nghị với cấp ủy tiếp tục tổ chức các lớp bồi dưỡng nhận thức về Đảng cho đội ngũ công nhân lao động ưu tú, nhất là đội ngũ cán bộ công đoàn chủ chốt trong các doanh nghiệp. Tiếp tục đổi mới quy trình, thủ tục nhằm rút ngắn thời gian, lựa chọn địa điểm bồi dưỡng nhận thức về Đảng cho phù hợp với công nhân lao động.

Bốn là: Kiến nghị với cấp ủy tập trung thành lập và nâng cao chất lượng tổ chức đảng trong các doanh nghiệp; đổi mới quy trình sinh hoạt đảng cho phù hợp với hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp, nhất là sinh hoạt đảng ở những chi bộ ghép, chi bộ có nhiều đảng viên ở nhiều doanh nghiệp khác nhau trong các khu, cụm công nghiệp. Coi trọng phân công công việc hợp lý cho đảng viên trong doanh nghiệp. Từng đảng viên tích cực, tự giác, nêu cao tinh thần trách nhiệm trong thực hiện công việc được chi ủy phân công; cấp ủy tạo thuận lợi cho đảng viên thực hiện tốt công việc được giao và tăng cường kiểm tra, giám sát đảng viên.

Các đại biểu tham dự Diễn đàn. Ảnh: Hải Nguyễn

Các đại biểu tham dự Diễn đàn. Ảnh: Hải Nguyễn

Năm là: Tăng cường sự lãnh đạo của cấp ủy, sự phối hợp giữa công đoàn với các tổ chức chính trị - xã hội, công nhân với chủ doanh nghiệp để xây dựng quy chế phối hợp giữa tổ chức đảng, tổ chức công đoàn và chủ doanh nghiệp; tăng cường đối thoại giữa đại diện tổ chức công đoàn, công nhân... với chủ doanh nghiệp tại nơi làm việc; trong đó, tập trung giải quyết các vấn đề bức xúc mà người lao động quan tâm.

Thông qua hoạt động đối thoại, đảng viên có điều kiện chia sẻ tình hình hoạt động của doanh nghiệp; lắng nghe tâm tư, nguyện vọng của đoàn viên, người lao động, để giảm tranh chấp lao động tập thể, đình công. Đây chính là điều kiện để các bên thực hiện nhiệm vụ của mình; trên cơ sở đó, xây dựng mối quan hệ phối hợp, hợp tác với ban lãnh đạo doanh nghiệp vì sự phát triển bền vững của doanh nghiệp và lợi ích của người lao động.

Tại Diễn đàn, các đại biểu là đại diện công đoàn cơ sở, đoàn viên ưu tú cũng đã chia sẻ về cách làm, giải pháp để phát triển đảng viên trong công đoàn viên; đồng thời chia sẻ giải pháp để nâng cao hiệu quả hoạt động của tổ chức Đảng trong doanh nghiệp, tạo niềm tin trong công nhân về Đảng để tiếp tục phấn đấu thực hiện tốt nhiệm vụ được giao, xứng đáng với sự tin tưởng của Đảng./.

HỒNG LỘC

Nguồn Kiểm Toán: http://baokiemtoan.vn/cong-doan-hien-ke-phat-trien-dang-trong-cong-nhan-38210.html
Zalo