Công cuộc xóa nhà tạm, nhà dột nát: Nhiều địa phương 'về đích' sớm

Giấc mơ 'an cư' của hàng nghìn người nghèo đã được hiện thực hóa khi nhiều tỉnh, thành phố đã đã 'về đích,' hoàn thành mục tiêu xóa nhà tạm, nhà dột nát trước thời gian đề ra.

Xóa nhà tạm, nhà dột nát. (Nguồn: Vietnam+)

Xóa nhà tạm, nhà dột nát. (Nguồn: Vietnam+)

Thực hiện chủ trương của Đảng, Nhà nước, chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, công cuộc xóa nhà tạm, nhà dột nát với tinh thần “chỉ bàn làm, không bàn lùi,” đã được các bộ, ngành liên quan và các địa phương trên cả nước triển khai “thần tốc” để cơ bản hoàn thành mục tiêu xóa nhà tạm, nhà dột nát trên phạm vi cả nước trước ngày 31/10/2025.

Sau một thời gian triển khai, đến nay, giấc mơ “an cư” của hàng nghìn người nghèo đã được hiện thực hóa khi nhiều tỉnh, thành phố đã huy động nhiều nguồn lực để hỗ trợ xây mới, sửa chữa nhà ở cho các hộ nghèo, hộ có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn, hộ người có công với cách mạng và thân nhân liệt sĩ. Nhiều địa phương đã “về đích,” hoàn thành trước thời hạn đề ra.

“Thần tốc” xóa nhà tạm, nhà dột nát

Theo Bộ trưởng Bộ Dân tộc và Tôn giáo Đào Ngọc Dung, trong suốt chặng đường 80 năm độc lập, Việt Nam đã đạt được những thành tựu vô cùng to lớn, nhất là trong lĩnh vực giảm nghèo.

Đến nay, theo chuẩn nghèo đa chiều giai đoạn 2021 - 2025, tỷ lệ hộ nghèo cả nước chỉ còn khoảng 1,93%; tỷ lệ hộ nghèo ở đồng bào dân tộc thiểu số chỉ còn hơn 10%. Thế nhưng, không thể nói thoát nghèo khi không có nhà ở, bởi có an cư mới lạc nghiệp, có chỗ ở mới yên ấm, phát triển kinh tế, hạnh phúc.

“Vì vậy, hồi tháng 4/2024, lúc đang là Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, tôi đã đề xuất và báo cáo đồng chí Tổng Bí thư, sau đó Tổng Bí thư và Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã yêu cầu Chương trình phải rút ngắn thời gian triển khai để ai cũng có nhà ở,” ông Dung chia sẻ.

Với tinh thần “không để ai bị bỏ lại phía sau,” Chương trình xóa nhà tạm, nhà dột nát trên phạm vi cả nước đã chính thức được Chính phủ và Đoàn Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam phát động tối 5/10/2024, tại Thủ đô Hà Nội, với chủ đề “Mái ấm cho đồng bào tôi.”

Chương trình trên đặt mục tiêu đến ngày 31/3/2025 sẽ hỗ trợ xóa 236.351 nhà tạm, nhà dột nát trên phạm vi cả nước.

Để quá trình triển khai thuận lợi hơn, thực hiện ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, ngày 15/4/2025, Bộ Nông nghiệp và Môi trường cũng đã ban hành Công văn số 1066/BNNMT-QLĐĐ về việc hướng dẫn các địa phương bố trí đất xây dựng nhà ở đối với hộ có khó khăn về đất ở. Đây được xem là “công cụ soi chiếu” các quy định theo hướng tinh gọn hơn, dễ hiểu hơn, để giúp các địa phương “tự tin” hỗ trợ đất ở, cấp sổ đỏ cho các hộ thuộc đối tượng thụ hưởng, đẩy nhanh tiến độ thực hiện hỗ trợ xóa nhà tạm, nhà dột nát.

Bằng sự quyết liệt trong chỉ đạo và “thần tốc” trong thực hiện, thể hiện trách nhiệm từ trái tim của cả hệ thống chính trị và cộng đồng xã hội, chỉ trong một thời gian ngắn, hàng trăm nghìn ngôi nhà đã được khởi công, bàn giao.

Theo Bộ Dân tộc và Tôn giáo, tính đến ngày 18/4/2025, cả nước đã hỗ trợ xóa nhà tạm, nhà dột nát được 201.651 căn, trong đó khánh thành 105.968 căn và khởi công mới 95.683 căn. Như vậy, số nhà tạm, nhà dột nát của hộ nghèo, hộ cận nghèo còn lại cần xóa thuộc chương trình phát động là 34.700 căn.

Nhiều địa phương “về đích” sớm

Điều đáng mừng là liên tiếp những ngày cuối tháng Tư, đầu tháng Năm vừa qua, nhiều địa phương đã công bố hoàn thành kế hoạch hỗ trợ nhà ở cho hộ nghèo, hộ cận nghèo trong Chương trình xóa nhà tạm, nhà dột nát.

Đơn cử như tại khu vực Nam Bộ, ngày 28/4, Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh Trà Vinh Lê Văn Hẳn cho biết Ban Chỉ đạo Chương trình xóa nhà tạm, nhà dột nát của tỉnh đã tổ chức lễ công bố hoàn thành kế hoạch hỗ trợ nhà ở cho hộ nghèo, hộ cận nghèo trong Chương trình xóa nhà tạm, nhà dột nát trên địa bàn tỉnh.

 Mục tiêu xóa nhà tạm, nhà dột nát trước ngày 31/10/2025 hoàn toàn khả thi. (Ảnh: TTXVN)

Mục tiêu xóa nhà tạm, nhà dột nát trước ngày 31/10/2025 hoàn toàn khả thi. (Ảnh: TTXVN)

Số liệu thống kê cho thấy thời gian qua, tỉnh Trà Vinh đã huy động nhiều nguồn lực để hỗ trợ xây mới, sửa chữa nhà cho trên 6.100 hộ nghèo, cận nghèo, hộ mới thoát nghèo và hộ khó khăn có nhà ở chưa đạt chuẩn “3 cứng” với kinh phí hơn 492 tỷ đồng. Nhờ đó, đến cuối năm 2024, tỷ lệ hộ nghèo toàn tỉnh giảm còn 0,87%. Tính đến nay, Trà Vinh cơ bản giải quyết xong vấn đề nhà ở cho hộ khó khăn.

Từ đầu năm 2025, tiếp tục triển khai thực hiện Chương trình xóa nhà tạm, nhà dột nát trên phạm vi cả nước do Thủ tướng Chính phủ phát động, Tỉnh ủy, Ủy ban Nhân dân tỉnh Trà Vinh đã chỉ đạo quyết liệt công tác xóa nhà tạm, nhà dột nát trên địa bàn tỉnh. Qua đó, có 2.921 hộ được hỗ trợ, với tổng kinh phí trên 140 tỷ đồng…

Tại Vĩnh Long, theo Ban Chỉ đạo xóa nhà tạm, nhà dột nát của tỉnh, tổng nhu cầu hỗ trợ nhà ở đối với hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ thuộc chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc, người có công với cách mạng và thân nhân liệt sĩ trên địa bàn tỉnh là 1.329 căn, trong đó xây dựng mới 492 căn và sửa chữa 837 căn. Kết quả thực hiện, đến nay tỉnh Vĩnh Long đã hoàn thành 100%.

Cũng trong tháng Tư vừa qua, Ban Chỉ đạo xóa nhà tạm, nhà dột nát tỉnh Khánh Hòa đã tổ chức Lễ tổng kết Chương trình xóa nhà tạm, nhà dột nát trên địa bàn tỉnh. Theo đó, toàn tỉnh có 1.326 hộ đủ điều kiện hỗ trợ xây dựng, sửa chữa nhà, trong đó xây mới 462 nhà, sửa chữa 864 nhà. Đến thời điểm này, tỉnh đã hoàn thành toàn diện xóa nhà tạm, nhà dột nát (sớm hơn thời hạn Chính phủ giao khoảng 6 tháng).

Tại Thành phố Hồ Chí Minh, địa phương này cũng đã xây mới, sửa chữa 330 căn nhà cho các hộ nghèo, cận nghèo với tổng kinh phí hơn 23,5 tỷ đồng, qua đó hoàn thành chương trình xóa nhà tạm, nhà dột nát trên toàn địa bàn với kết quả đạt 100% chỉ tiêu đề ra, trước thời hạn 30/4/2025.

Tỉnh Bình Phước cũng đã công bố hoàn thành kế hoạch hỗ trợ nhà ở trong Chương trình xóa nhà tạm, nhà dột nát cho người khó khăn trên địa bàn tỉnh. Cụ thể, chương trình đã hoàn thành xây dựng và sửa chữa 765/765 căn nhà, sớm hơn 6 tháng so với quy định của Thủ tướng Chính phủ và sớm hơn 2 tháng so với kế hoạch của tỉnh.

Chia sẻ về kết quả trên, Bí thư Tỉnh ủy Bình Phước Tôn Ngọc Hạnh cho rằng phong trào năm 2025 đã hoàn thành, nhưng với phương châm “không để ai bị bỏ lại phía sau,” Bình Phước xác định đây không chỉ là một phong trào thi đua mang tính thời điểm, mà là một quá trình bền bỉ để đảm bảo “mọi người dân có nơi ở ổn định, an toàn, là nền tảng cho an cư lạc nghiệp, góp phần giảm nghèo bền vững và phát triển kinh tế - xã hội.”

Theo Bí thư Tỉnh ủy Bình Phước Tôn Ngọc Hạnh, thành công của chương trình đến từ sự phối hợp hiệu quả, tinh thần đồng lòng, trách nhiệm và tình nghĩa giữa chính quyền và Nhân dân. Những căn nhà không chỉ là nơi ở mới mà còn là khởi đầu cho một tương lai tươi sáng hơn đối với các hộ dân.

Nhiều địa phương khác trên cả nước (như tỉnh Bình Định, Hưng Yên,...) cũng đang dần "về đích" khi đặt mục tiêu xóa nhà ở tạm, dột nát cho hộ nghèo, hộ khó khăn, người có công với cách mạng trường ngày 31/5/2025.

Từ thực tế triển khai tại các địa phương hiện nay, đặc biệt là với quyết tâm cao nhất của cả hệ thống chính trị, trách nhiệm từ trái tim cùng với sự chung tay của toàn xã hội, nhiều ý kiến lạc quan tin rằng mục tiêu xóa nhà tạm, nhà dột nát trước ngày 31/10/2025 là hoàn toàn khả thi./.

(Vietnam+)

Nguồn VietnamPlus: https://www.vietnamplus.vn/cong-cuoc-xoa-nha-tam-nha-dot-nat-nhieu-dia-phuong-ve-dich-som-post1037109.vnp
Zalo