Công cụ cũ - giấc mơ mới níu chân nông nghiệp tuần hoàn

Trong bối cảnh biến đổi khí hậu, tài nguyên suy giảm và sức ép phát triển xanh, nông nghiệp tuần hoàn nổi lên như một lựa chọn bắt buộc, song sự chậm trễ trong đổi mới công nghệ và quản lý đang tạo ra những rào cản vô hình.

Chiều 16/7, Diễn đàn Nông nghiệp 2025: Thúc đẩy kinh tế tuần hoàn trong nông nghiệp đã được tổ chức.

Sản xuất khép kín, tận dụng tài nguyên, giảm phát thải

Phát biểu tại sự kiện, ông Hoàng Quang Phòng - Phó Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) nhấn mạnh vai trò tất yếu của mô hình kinh tế tuần hoàn trong nông nghiệp hiện đại.

Theo ông, đây không chỉ là yêu cầu bắt buộc trong bối cảnh biến đổi khí hậu và suy giảm tài nguyên, mà còn là động lực tiến tới nền nông nghiệp xanh, chi phí thấp, gia tăng chuỗi giá trị, thay đổi thói quen canh tác lạc hậu.

Ông Hoàng Quang Phòng - Phó Chủ tịch VCCI.

Ông Hoàng Quang Phòng - Phó Chủ tịch VCCI.

Nền nông nghiệp tuần hoàn mang trong mình triết lý tối ưu hóa tài nguyên, giảm thiểu lãng phí và bảo vệ hệ sinh thái. Tư duy này được ngành nông nghiệp hiện nay triển khai mạnh mẽ, chuyển đổi từ tư duy sản xuất sang tư duy kinh tế, từ kinh tế tuyến tính sang kinh tế tuần hoàn, với mục tiêu nông nghiệp xanh, môi trường xanh trong nền kinh tế xanh.

Tuy nhiên, hành trình chuyển đổi này không dễ dàng. Ông Phòng thẳng thắn nhìn nhận: "Việc tiếp cận đất đai và tín dụng của doanh nghiệp, hợp tác xã còn nhiều rào cản, thủ tục phức tạp, tín dụng theo chuỗi chưa phổ biến và thiếu gắn kết với bảo hiểm nông nghiệp".

Bên cạnh đó, mô hình sản xuất nhỏ lẻ, niềm tin của người tiêu dùng đối với nông sản hữu cơ hay khả năng tiếp cận công nghệ của nông dân vẫn là những điểm nghẽn lớn.

Để tháo gỡ, ông đề xuất cần khung pháp lý rõ ràng hơn, các cơ chế hỗ trợ doanh nghiệp và nông dân thuận lợi trong tiếp cận đất đai và vốn, đồng thời thúc đẩy mô hình cho vay thế chấp bằng hợp đồng liên kết sản xuất giữa ngân hàng, doanh nghiệp, hợp tác xã.

"Nhà nước cần có cơ chế chính sách ưu đãi cao hơn những chính sách hiện nay để thu hút doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp tuần hoàn", ông Phòng nói và cho rằng, hơn cả chính sách, điều cốt lõi là xây dựng được chuỗi liên kết bền vững, gắn bó giữa doanh nghiệp và nông dân.

Tại diễn đàn, ông Lê Đức Thịnh - Cục trưởng Cục Kinh tế hợp tác và Phát triển nông thôn (Bộ Nông nghiệp và Môi trường) nhận định, Việt Nam vốn có nền tảng mạnh với nhiều mô hình sản xuất nông nghiệp tuần hoàn truyền thống như vườn ao chuồng, vườn ao rừng, các mô hình trong Chương trình OCOP hay hệ thống hợp tác xã trên cả nước.

Ông Lê Đức Thịnh - Cục trưởng Cục Kinh tế hợp tác và Phát triển nông thôn.

Ông Lê Đức Thịnh - Cục trưởng Cục Kinh tế hợp tác và Phát triển nông thôn.

Ông Thịnh cho biết, kinh tế tuần hoàn trong nông nghiệp là mô hình tổ chức sản xuất khép kín, tận dụng tối đa tài nguyên, giảm phát thải và tổn thất, đồng thời gia tăng giá trị từ phụ phẩm, chất thải và năng lượng tái tạo trong toàn bộ chuỗi giá trị nông sản.

"Kinh tế tuần hoàn trong nông nghiệp là tổ chức sản xuất khép kín, tận dụng tối đa tài nguyên, giảm phát thải và gia tăng giá trị từ phụ phẩm, chất thải và năng lượng tái tạo", ông Thịnh nhấn mạnh.

Dù vậy, quá trình chuyển đổi còn nhiều thách thức. Tỉ lệ tái chế, tái sử dụng phụ phẩm mới đạt dưới 35% và chủ yếu thực hiện ở quy mô nhỏ lẻ, phân tán. Cả hệ sinh thái hỗ trợ còn thiếu hụt, từ tiêu chuẩn quốc gia, hệ thống nhãn mác, đến dữ liệu phụ phẩm và nền tảng số dành cho doanh nghiệp. Chính sách tín dụng xanh, bảo hiểm rủi ro, cũng như cơ chế khuyến khích đầu tư công nghệ xử lý phụ phẩm vẫn chưa đầy đủ.

Ông Thịnh cho rằng: "Các doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp tuần hoàn chịu rủi ro rất cao, nhất là về thị trường. Do đó cần có nhãn mác riêng để tạo cơ sở cho người tiêu dùng phân biệt được các sản phẩm có đóng góp bảo vệ tài nguyên môi trường. Việc này không chỉ góp phần nâng cao giá trị nông sản mà còn tạo động lực rõ ràng cho doanh nghiệp, hợp tác xã tham gia sâu vào chuỗi tuần hoàn".

Về định hướng, Cục trưởng Cục Kinh tế hợp tác và Phát triển nông thôn cho biết đến năm 2030, mục tiêu là nâng tỉ lệ tái chế, tái sử dụng phụ phẩm nông nghiệp lên trên 70%, tập trung vào các lĩnh vực có lợi thế như lúa gạo, cà phê, chăn nuôi.

Đồng thời cần phát triển mô hình nông nghiệp đa giá trị tích hợp, từ trồng trọt, chăn nuôi, thủy sản, chế biến đến du lịch sinh thái và năng lượng tái tạo, dựa trên nền tảng công nghệ sinh học, xử lý phụ phẩm, chuyển đổi số và phát triển chuỗi giá trị khép kín.

"Kinh tế tuần hoàn không chỉ là phương thức sản xuất mà còn là cách để Việt Nam hòa nhập với xu thế tăng trưởng xanh toàn cầu, nâng cao năng lực cạnh tranh và bảo vệ tương lai bền vững cho nông nghiệp", ông Thịnh nhấn mạnh.

Để thúc đẩy mô hình này, ông đề xuất sớm ban hành Chiến lược quốc gia về nông nghiệp tuần hoàn, đồng thời xây dựng hệ sinh thái đổi mới sáng tạo, đầu tư xanh và thị trường nông sản tuần hoàn từ sản xuất đến tiêu thụ. Đây sẽ là bước đi căn bản đưa nông nghiệp Việt Nam tiến gần hơn tới mục tiêu Net-zero và phát triển bền vững.

Nông dân là mắt xích quyết định của nông nghiệp tuần hoàn

Theo ông Hà Văn Thắng - Chủ tịch Hội đồng doanh nghiệp nông nghiệp Việt Nam, để nông nghiệp tuần hoàn thực sự lan tỏa và tạo thành làn sóng, cần nhìn nhận người nông dân là trung tâm của mọi hành động.

"Hành động của người dân làm nông nghiệp trực tiếp sẽ là quyết định quan trọng của mọi nền công nghiệp tuần hoàn, xanh, bền vững ở nước ta", ông nhấn mạnh.

Ông Hà Văn Thắng - Chủ tịch Hội đồng doanh nghiệp nông nghiệp Việt Nam.

Ông Hà Văn Thắng - Chủ tịch Hội đồng doanh nghiệp nông nghiệp Việt Nam.

Tuy nhiên, dù nông nghiệp tuần hoàn được đánh giá là hướng đi tất yếu của nền nông nghiệp hiện đại và bền vững, nhưng việc triển khai mô hình này vẫn đang vấp phải hàng loạt rào cản, cả về chính sách, nguồn lực lẫn nhận thức xã hội.

"Mặc dù tiềm năng lớn, kinh tế tuần hoàn trong nông nghiệp vẫn thiếu một hệ thống chính sách riêng để khuyến khích và hỗ trợ doanh nghiệp, nông dân mạnh dạn chuyển đổi", ông Thắng nói và chỉ rõ, hiện nay, việc tiếp cận vốn và công nghệ tái chế, xử lý chất thải vẫn là thách thức lớn, nhất là với các doanh nghiệp nhỏ và vừa.

Cùng với đó, tình trạng sản xuất manh mún, thiếu liên kết vùng và chuỗi giá trị khiến các doanh nghiệp khó xây dựng mô hình sản xuất khép kín hiệu quả...

Chúng ta đang sử dụng những công cụ quản lý cũ để mong điều hành các mô hình, giải pháp mới.

Ông Hà Văn Thắng - Chủ tịch Hội đồng Doanh nghiệp Nông nghiệp Việt Nam

Ngoài ra, ông Thắng cho rằng sự chậm trễ trong đổi mới công nghệ và quản lý đang tạo ra những rào cản vô hình cho đổi mới sáng tạo.

"Chúng ta đang sử dụng những công cụ quản lý cũ để mong điều hành các mô hình, giải pháp mới. Chính điều này làm cho các sáng kiến, đặc biệt là trong lĩnh vực xử lý phụ phẩm, tái chế nông nghiệp, chưa thể phát triển như kỳ vọng", ông thẳng thắn nhận định.

Trước thực tế đó, ông Thắng đề xuất 6 nhóm giải pháp chính sách nhằm thúc đẩy nông nghiệp tuần hoàn: hỗ trợ tín dụng xanh và tài chính ưu đãi; miễn giảm thuế và ưu tiên cấp đất; đầu tư hạ tầng tại vùng sản xuất tập trung; hoàn thiện khung pháp lý và tiêu chuẩn quốc gia; tăng cường đào tạo, truyền thông và kết nối thị trường; cuối cùng là xây dựng tiêu chí, quy trình sản xuất tuần hoàn dễ hiểu, dễ áp dụng và dễ đánh giá hiệu quả.

Phương Anh - Quỳnh Chi

Nguồn Người Đưa Tin: https://nguoiduatin.vn/cong-cu-cu-giac-mo-moi-niu-chan-nong-nghiep-tuan-hoan-204250716160317476.htm
Zalo