Hà Nội xây dựng lộ trình cấm xe máy, ô tô sử dụng xăng dầu
Nhằm hiện thực hóa mục tiêu phát triển đô thị xanh, văn minh và thân thiện với môi trường, Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo Hà Nội triển khai các giải pháp cụ thể để đến ngày 1/7/2026, không còn mô tô, xe máy sử dụng nhiên liệu hóa thạch lưu thông trong khu vực vành đai 1. Xa hơn, từ ngày 1/1/2028, chính sách sẽ mở rộng, không chỉ cấm mô tô, xe máy chạy xăng dầu mà cả ô tô cá nhân sử dụng nhiên liệu hóa thạch cũng sẽ bị hạn chế hoạt động trong khu vực vành đai 1 và vành đai 2.

Hà Nội lên lộ trình cấm xe máy, ô tô sử dụng xăng dầu.
Nhiều người dân cho rằng, đây là bước đi đúng đắn để đưa Thủ đô Hà Nội trở thành một thành phố hiện đại, sạch – đẹp, văn minh hơn. "Tôi ủng hộ chủ trương này, vì nó giúp cải thiện môi trường sống, đặc biệt là ở khu vực nội đô đông dân cư," bạn Đức Anh (Tỉnh Ninh Bình) chia sẻ.
Tuy nhiên, bên cạnh sự đồng tình, vẫn còn không ít băn khoăn từ phía người dân – đặc biệt là những người lao động trực tiếp gắn bó với phương tiện sử dụng nhiên liệu hóa thạch.
"Tôi đã lái taxi được 14 năm, nhưng khi nghe thông tin này, thật sự lo lắng. Để chuyển sang xe điện không hề đơn giản với những người thu nhập trung bình như chúng tôi”, anh Nguyễn Đức Mạnh (Tỉnh Thanh Hóa) cho biết.
Ở góc độ chuyên môn, các chuyên gia giao thông đánh giá, đây là một chính sách cần thiết và phù hợp với xu hướng toàn cầu, nhất là trong bối cảnh ô nhiễm không khí tại các đô thị lớn ngày càng gia tăng. Đồng thời, các cơ quan cần phải nghiên cứu để đặt đủ trạm sạc cho người dân.
TS. Khương Kim Tạo - nguyên Phó chánh văn phòng Ủy ban An toàn Giao thông Quốc gia chia sẻ: “Các bộ, ngành phải xem khi chúng ta chuyển đổi các phương tiện chạy bằng nhiên liệu hóa thạch thành các xe chạy bằng điện thì liên quan đến ngành Điện có thể cung cấp được đủ điện hay không, từ các thiết bị truyền tải đến trạm sạc… Đồng thời, khâu quản lý chất lượng về các phương tiện chạy bằng điện được sản xuất trong nước cũng như nhập khẩu là một khâu quan trọng để đảm bảo an toàn khi sử dụng đối với loại phương tiện này”.
Có thể nói, việc hạn chế phương tiện sử dụng xăng dầu tại Hà Nội là xu thế tất yếu trong lộ trình xây dựng đô thị hiện đại, bền vững. Tuy nhiên, để chính sách này thực sự phát huy hiệu quả, điều quan trọng nhất vẫn là sự chuẩn bị kỹ lưỡng từ hạ tầng cho đến cơ chế hỗ trợ, cùng sự đồng lòng của người dân – yếu tố then chốt để đưa quyết sách đi vào cuộc sống. Khi đó, không chỉ Hà Nội, mà cả nước sẽ tiến gần hơn tới mục tiêu phát triển bền vững, vì môi trường sống an lành cho các thế hệ tương lai.