Đã xuất hiện nhiều mô hình kinh tế tuần hoàn tiêu biểu

Các doanh nghiệp đã đầu tư ứng dụng công nghệ hiện đại vào toàn bộ quy trình sản xuất (chế biến sâu, bảo quản…), nhất là công nghệ số hỗ trợ truy xuất nguồn gốc, quản lý dữ liệu nông trại vừa tối ưu chi phí, giảm phát thải khí nhà kính vừa phát triển các dòng sản phẩm cao cấp từ gạo như gạo dinh dưỡng, gạo hữu cơ, bánh, sữa gạo, mỹ phẩm… thay vì chỉ xuất khẩu gạo thô.

Ngày 16/7, tại Hà Nội diễn ra Diễn đàn nông nghiệp 2025 : Thúc đẩy kinh tế tuần hoàn trong nông nghiệp.

Toàn cảnh diễn đàn. Ảnhh: DDDN.

Toàn cảnh diễn đàn. Ảnhh: DDDN.

Ông Trần Mạnh Báo - Chủ tịch Tập đoàn ThaiBinh Seed đã khẳng định trong ngành lúa gạo đã xuất hiện nhiều mô hình kinh tế tuần hoàn tiêu biểu mang lại hiệu quả tích cực như mô hình sản xuất lúa, cá, vịt ở đồng bằng sông Cửu Long giúp tận dụng phụ phẩm nông nghiệp làm thức ăn chăn nuôi và kiểm soát sâu bệnh sinh học. Ngoài ra, mô hình thu gom rơm rạ trồng nấm, sản xuất phân hữu cơ, làm chất đốt thay thế nhiên liệu hóa thạch đang thực hiện tại các tỉnh miền Bắc và miền Trung; một số hợp tác xã ở Hưng Yên, An Giang, Đồng Tháp đã ứng dụng canh tác hữu cơ, sử dụng chế phẩm vi sinh và tái tạo phụ phẩm sau thu hoạch, hướng đến tiêu chuẩn gạo sạch, gạo hữu cơ.

Trong quá trình đó, mối liên kết chặt chẽ trong chuỗi sản xuất - chế biến - tiêu thụ đã được xây dựng giúp giảm chi phí, kiểm soát chất lượng, minh bạch truy xuất nguồn gốc vì những yếu tố này ngày càng quan trọng trong thương mại quốc tế. Trước sự phát triển mạnh mẽ của công nghệ hiện đại, các doanh nghiệp đã đầu tư ứng dụng công nghệ hiện đại vào toàn bộ quy trình sản xuất (chế biến sâu, bảo quản…), nhất là công nghệ số hỗ trợ truy xuất nguồn gốc, quản lý dữ liệu nông trại vừa tối ưu chi phí, giảm phát thải khí nhà kính vừa phát triển các dòng sản phẩm cao cấp từ gạo như gạo dinh dưỡng, gạo hữu cơ, bánh, sữa gạo, mỹ phẩm… thay vì chỉ xuất khẩu gạo thô.

Ông Trần Mạnh Báo đề xuất cần xây dựng một chương trình quốc gia phát triển ngành hàng lúa gạo theo mô hình kinh tế tuần hoàn với sự tham gia của cả hệ thống chính trị, các doanh nghiệp, hợp tác xã, nhà khoa học và nông dân. Bên cạnh đó, ưu tiên nghiên cứu và phát triển giống lúa phù hợp với sản xuất tuần hoàn như giống ngắn ngày, chống chịu tốt, giảm phát thải, sử dụng ít tài nguyên và có khả năng tạo giá trị từ phụ phẩm.

Ngoài ra, mô hình nông nghiệp tuần hoàn phải định dạng trên Khoa học và Công nghệ thông qua chuyển đổi xanh, chuyển đổi số; xử lý phụ phẩm, sản xuất phân hữu cơ, năng lượng sinh học, công nghệ sinh học - số hóa (chuyển đối xanh và chuyển đổi số); Hình thành chuỗi giá trị khép kín theo ngành hàng và theo vùng sinh thái.

Hiện nay đã có nhiều cơ chế, chính sách tạo nền tảng pháp lý cho nông nghiệp tuần hoàn, như: Chính sách cấp quốc gia: Chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh 2021–2030 (Quyết định 1658/QĐ-TTg); Nghị quyết 57-NQ/TW (2024), trong đó xác định kinh tế tuần hoàn là một trong các hướng đổi mới sáng tạo trọng tâm và Quyết định số 150/QĐ-TTg của Thủ tướng năm 2022 tại Việt Nam về Chiến lược phát triển bền vững ngành nông nghiệp (Nông nghiệp sinh thái, hữu cơ và tuần hoàn).

Trong ngành nông nghiệp cũng đã có một số dự án, đề án lớn đáng chú ý như: Đề án 1 triệu ha lúa chất lượng cao, phát thải thấp vùng Đồng bằng Sông Cửu Long (QĐ 1490/QĐ-TTg) trong đó có hợp phần về thúc đẩy tuần hoàn phụ phẩm rơm rạ, phân hữu cơ, tiết kiệm nước – năng lượng; Đề án giảm phát thải trong chăn nuôi (2023) chủ yếu là tập trung vào vấn đề xử lý chất thải làm biogas, phân sinh học.

Ông Lê Đức Thịnh, Cục trưởng Cục Kinh tế hợp tác và Phát triển nông thôn, Bộ Nông nghiệp và Môi trường cho rằng để phát triển hơn nữa các mô hình kinh tế tuần hoàn, cần quan tâm đến xây dựng các quy trình, tiêu chuẩn, sự công nhận, xác nhận nông nghiệp tuần hoàn sản phẩm trong nông nghiệp tuần hoàn.

"Các doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp tuần hoàn chịu rủi ro rất cao, nhất là về thị trường. Do đó cần có nhãn mác riêng để tạo cơ sở cho người tiêu dùng phân biệt được các sản phẩm có đóng góp bảo vệ tài nguyên môi trường, từ đó làm tăng giá trị, tạo động lực cho doanh nghiệp, hợp tác xã.. đầu tư vào kinh tế tuần hoàn", ông Thịnh gợi ý.

Hồ Hương

Nguồn Đại Đoàn Kết: https://daidoanket.vn/da-xuat-hien-nhieu-mo-hinh-kinh-te-tuan-hoan-tieu-bieu-10310469.html
Zalo