Lo nguồn nhân lực cho sân bay Long Thành

Khoảng 2 năm nữa khi Cảng hàng không quốc tế Long Thành (Sân bay Long Thành) đưa vào khai thác, nơi đây cần một lượng lớn nhân lực để cung ứng cho nhu cầu vận hành khai thác hoạt động sân bay và vùng phụ cận.

Cần 13,7 ngàn lao động

Theo dự báo của Tổng Cty Cảng hàng không Việt Nam (ACV), khoảng 2 năm nữa, khi Sân bay Long Thành đi vào hoạt động sẽ cần trên 13,7 ngàn lao động. Trong đó, lao động trình độ tiến sĩ và thạc sĩ là 410 người; lao động trình độ đại học là gần 5,4 ngàn người; trình độ cao đẳng và trung cấp là hơn 2,2 ngàn người; lao động phổ thông là hơn 1,9 ngàn người. Ngoài ra, còn có các vị trí làm việc liên quan đến quản lý, vận hành cảng hàng không và các dịch vụ khác.

Sinh viên Khoa điện, điện tử Trường Đại học Lạc Hồng một ngành được định hướng cung ứng nhân lực cho hoạt động sân bay Long Thành.

Sinh viên Khoa điện, điện tử Trường Đại học Lạc Hồng một ngành được định hướng cung ứng nhân lực cho hoạt động sân bay Long Thành.

Bí thư Tỉnh ủy Đồng Nai Nguyễn Hồng Lĩnh cho rằng, chuẩn bị nhân lực cho Sân bay Long Thành là rất quan trọng. Bởi theo ông nguồn nhân lực cho sân bay phải là nguồn nhân lực chất lượng cao. Do đó, tỉnh sẽ ưu tiên đào tạo nghề và tạo cơ hội việc làm cho người dân địa phương, nhất là con em của người dân đã di dời nhường đất cho dự án Sân bay Long Thành. “Hiện tỉnh đang mời gọi đầu tư các trường cao đẳng, đại học về ngành hàng không, logistics… tại huyện Long Thành để đáp ứng nhu cầu về lao động chất lượng cao khi sân bay hoàn thành đưa vào khai thác”- ông Lĩnh cho biết.

Theo lãnh đạo tỉnh Đồng Nai, nếu không có sự chuẩn bị từ trước thì Đồng Nai sẽ bị chậm chân trong “tăng tốc” phát triển kinh tế khi sân bay đưa vào khai thác.

“Chạy đua” đào tạo nguồn nhân lực

Theo UBND tỉnh Đồng Nai, hiện nay có 25 đơn vị đào tạo được Cục Hàng không Việt Nam cấp Giấy chứng nhận đủ điều kiện đào tạo, huấn luyện nghiệp vụ nhân viên hàng không. Trên địa bàn tỉnh hiện có 21 trường đại học, cao đẳng, trung cấp. Tuy nhiên, khó khăn lớn nhất trong việc đào tạo nguồn nhân lực phục vụ Sân bay Long Thành đối với Đồng Nai hiện nay là chưa có trường nào đào tạo chuyên ngành hàng không.

PGS-TS Phạm Văn Song, Hiệu trưởng Trường đại học Công nghệ Miền Đông, cho biết trường đang đào tạo một số ngành có thể cung ứng nhân lực cho hoạt động sân bay như ngành logistics.

Trưởng ban Chuẩn bị khai thác Cảng hàng không quốc tế Long Thành Nguyễn Xuân Phong cho biết: “Đến nay, việc chuẩn bị nhân lực cho sân bay lớn nhất cả nước này đang là một khó khăn, vì năng lực đào tạo của 3 cơ sở thuộc ngành hàng không vẫn còn khiêm tốn, trong khi các trường đại học, cao đẳng tại Đồng Nai chưa có đơn vị nào có giấy phép đào tạo ngành hàng không”.

Bà Nguyễn Thị Thu Hiền, Giám đốc Sở LĐ-TB và XH Đồng Nai cho biết, tháng 10/2023, Sở đã có văn bản đề xuất thu hút lao động đến làm việc, đô thị hóa và tăng dân số trên địa bàn tỉnh Đồng Nai. Trong đó, đề xuất các phương án kêu gọi xã hội hóa về giáo dục nghề nghiệp cung cấp nhân lực cho Sân bay Long Thành, kêu gọi đầu tư các dự án thành lập trường trung cấp hoặc cao đẳng trên địa bàn các huyện. “Các trường nghề này có quy mô đào tạo cao đẳng, trung cấp tối thiểu 500 người/năm. Nhóm nghề đào tạo liên quan đến dịch vụ, kỹ thuật ngành hàng không, phục vụ Sân bay Long Thành, kinh doanh và khai thác vận tải (cảng biển, cảng hàng không, logistic...), kiến trúc, quy hoạch và xây dựng” - bà Hiền thông tin.

Nắm bắt khó khăn này, một số trường đại học, cao đẳng trên địa bàn tỉnh Đồng Nai đã bắt đầu liên kết đào tạo, nâng cao phương thức đào tạo các ngành nghề đáp ứng nhu cầu công việc của lĩnh vực hàng không. Trường cao đẳng Công nghệ quốc tế Lilama 2 (Bộ Xây dựng, ở huyện Long Thành) là đơn vị liên kết đào tạo nhân lực liên quan đến hàng không sớm nhất và duy nhất đến thời điểm hiện nay tại Đồng Nai.

Theo PGS-TS Nguyễn Vũ Quỳnh, Phó hiệu trưởng Trường đại học Lạc Hồng, đáp ứng nhu cầu cấp bách trước mắt về nhân lực cho Sân bay Long Thành hiện nay là kết hợp giữa các trường đang đóng trên địa bàn, kết nối với các nhà đầu tư giáo dục chuyên lĩnh vực hàng không thì sẽ nhanh hơn và hiệu quả hơn việc thành lập một trường mới trong điều kiện hiện nay. Tại Trường Đại học Lạc Hồng (LHU) hiện có 9 ngành nghề sinh viên có thể làm việc được trong lĩnh vực hàng không, cụ thể là sân bay quốc tế Long Thành như Quản trị kinh doanh; Logistics và Quản lý chuỗi cung ứng; Công nghệ thông tin; Điện, điện tử; Tự động; Cơ điện tử; Quản trị dịch vụ du lịch và lữ hành; Ngôn ngữ (Trung, Nhật, Hàn, Anh) và Kế toán - kiểm toán.

Mạnh Thắng

Nguồn Tiền Phong: https://tienphong.vn/lo-nguon-nhan-luc-cho-san-bay-long-thanh-post1690646.tpo
Zalo