Cồng chiêng 'nhí': Nối dài mạch nguồn văn hóa

Sự ra đời và hoạt động hiệu quả của những đội cồng chiêng 'nhí' ở huyện Kbang (tỉnh Gia Lai) không chỉ là kế thừa mà còn trở thành nhịp cầu nối dài mạch nguồn văn hóa truyền thống, để hồn cốt dân tộc tiếp tục sống mãi qua từng thế hệ.

Mong muốn thanh thiếu nhi có sân chơi lành mạnh, bổ ích và lan tỏa nghệ thuật diễn xướng cồng chiêng độc đáo của người Bahnar ở Kbang, đầu năm 2023, làng Pơ Ngăl (xã Kông Lơng Khơng) đã ra mắt Đội cồng chiêng “nhí” gồm 40 thành viên từ 11 đến 16 tuổi. Việc truyền dạy, hướng dẫn cách đánh cồng chiêng do người già, nghệ nhân trong làng đảm nhận.

 Em Đinh Phong (thứ 2 bên trái ở làng Pơ Ngăl, xã Kông Lơng Khơng) chăm chỉ học đánh cồng chiêng để nâng cao kỹ năng. Ảnh Ngọc Minh

Em Đinh Phong (thứ 2 bên trái ở làng Pơ Ngăl, xã Kông Lơng Khơng) chăm chỉ học đánh cồng chiêng để nâng cao kỹ năng. Ảnh Ngọc Minh

Nghe tin làng Pơ Ngăl thành lập Đội cồng chiêng “nhí”, em Đinh Phong (SN 2013) hăng hái đăng ký tham gia. Để nâng cao kỹ năng diễn tấu cồng chiêng, Phong thường nhờ ông ngoại chỉ bảo, hướng dẫn thêm.

“Ông ngoại biểu diễn cồng chiêng rất hay. Em đã thầm ước lớn lên sẽ giỏi như ông. Tuy nhiên, học đánh cồng chiêng rất khó. Mỗi lần lỗi nhịp, không bắt kịp các bạn, em hay nản. Biết được điều này, ông đã động viên, kiên nhẫn chỉ bảo. Nhờ vậy, em không chỉ tiếp thu kỹ năng đánh chiêng mà còn được truyền lửa để hiểu hơn, yêu hơn di sản văn hóa của dân tộc mình”-Phong chia sẻ.

Xuất phát từ niềm đam mê, yêu thích cồng chiêng và được gia đình ủng hộ, đầu năm 2024, em Đinh Dư (SN 2016) đã xin vào Đội cồng chiêng “nhí” làng Đầm Khương (xã Tơ Tung). Dù nhỏ tuổi nhất đội nhưng Dư nghiêm túc, siêng năng học hỏi. Sau hơn 3 tháng luyện tập, Dư nhận biết được kiến thức cơ bản, tiết tấu, nhịp điệu của những bài cồng chiêng truyền thống và tự tin tham gia nhiều chương trình giao lưu văn hóa-văn nghệ do xã, huyện tổ chức.

 Nhiều năm nay, xã Tơ Tung duy trì tổ chức nhiều chương trình văn nghệ, hội xuân tạo điều kiện cho người dân, thanh-thiếu niên phát huy năng khiếu trình diễn cồng chiêng. Ảnh Ngọc Minh

Nhiều năm nay, xã Tơ Tung duy trì tổ chức nhiều chương trình văn nghệ, hội xuân tạo điều kiện cho người dân, thanh-thiếu niên phát huy năng khiếu trình diễn cồng chiêng. Ảnh Ngọc Minh

“Em được tham gia trình diễn cồng chiêng tại Ngày hội du lịch huyện Kbang năm 2024. Đầu năm nay, em cùng các cô chú, anh chị trình diễn cồng chiêng tại Hội xuân văn hóa-thể thao các dân tộc mừng Đảng, mừng Xuân Ất Tỵ năm 2025 và Liên hoan văn hóa cồng chiêng lần thứ IV do UBND xã Tơ Tung tổ chức. Thấy mọi người cổ vũ nhiệt tình, em rất vui và tự hào. Em mong có nhiều bạn tham gia vào đội cồng chiêng và biết đánh chiêng như em để tiếng cồng, tiếng chiêng mãi ngân vang”-Dư bày tỏ.

Là người được làng Đầm Khương giao quản lý, hướng dẫn Đội cồng chiêng “nhí”, ông Đinh Doách cho hay: Trước đây, cồng chiêng chỉ dành riêng cho nam giới trưởng thành. Với mong muốn cồng chiêng được lưu giữ qua nhiều thế hệ, cuối năm 2023, các nghệ nhân cùng dân làng đã thống nhất thành lập Đội cồng chiêng “nhí” gồm 40 thành viên là những cháu có năng khiếu, đam mê cồng chiêng.

Theo ông Doách, lứa tuổi thiếu niên học cồng chiêng rất khó nên làng cử 2 người giàu kinh nghiệm để truyền dạy. “Thấy các cháu đoàn kết phối hợp diễn tấu cồng chiêng và uyển chuyển trong điệu xoang, tôi vui lắm. Bằng kinh nghiệm, trách nhiệm của mình, tôi đã truyền dạy cho các cháu kỹ thuật đánh cồng chiêng sao cho đúng, cho hay, để tiếp nối theo bước ông cha, giữ văn hóa truyền thống không bị mai một”-ông Doách bộc bạch.

 Đội cồng chiêng “nhí” làng Đăk Pơ Kao (xã Tơ Tung) trình diễn tại Hội xuân văn hóa-thể thao các dân tộc năm 2025. Ảnh: N.M

Đội cồng chiêng “nhí” làng Đăk Pơ Kao (xã Tơ Tung) trình diễn tại Hội xuân văn hóa-thể thao các dân tộc năm 2025. Ảnh: N.M

Ông Hồ Xuân Dương-Chủ tịch UBND xã Tơ Tung-vui mừng cho hay: “10 làng trong xã đều có đội cồng chiêng người lớn. Trong đó, 4 làng đã thành lập đội cồng chiêng “nhí” với khoảng 160 thành viên. Đây là lực lượng kế cận đắc lực trong việc bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa của đồng bào dân tộc thiểu số; chung tay gìn giữ Không gian văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên”.

Trao đổi với P.V, ông Nguyễn Mạnh Cường-Phó Chủ tịch UBND huyện Kbang-cho biết: Toàn huyện có 10 đội cồng chiêng trong lứa tuổi thanh thiếu nhi. Cùng với việc khuyến khích các thôn, làng thành lập đội cồng chiêng “nhí”, hàng năm, huyện còn tổ chức nhiều hoạt động văn hóa, du lịch nhằm quảng bá hình ảnh địa phương và tạo điều kiện cho các đội cồng chiêng tham gia trình diễn, trong đó có các đội cồng chiêng “nhí”.

Bên cạnh đó, UBND huyện thường xuyên chỉ đạo các cơ quan chuyên trách phối hợp với các xã, thị trấn tổ chức những chương trình giao lưu, liên hoan văn hóa-văn nghệ, thi trình diễn cồng chiêng, trò chơi dân gian nhằm giúp các nghệ nhân, người dân, nhất là thanh-thiếu niên, nhi đồng có nơi vui chơi, phát huy năng khiếu; chỉ đạo các xã, thị trấn bố trí kinh phí mở lớp truyền dạy đánh chiêng, xoang, chỉnh chiêng cho thanh thiếu nhi trên địa bàn.

NGỌC MINH

Nguồn Gia Lai: https://baogialai.com.vn/cong-chieng-nhi-noi-dai-mach-nguon-van-hoa-post324024.html
Zalo