Công bố Năm Du lịch Quốc gia và Festival Huế 2025
Sáng nay (1/1), UBND thành phố Huế công bố Năm Du lịch Quốc gia và Festival Huế 2025 và tái hiện Lễ Thiết triều Nguyên Đán trong Hoàng cung triều Nguyễn.
Trong lần thứ hai đăng cai tổ chức, Năm Du lịch quốc gia và Festival Huế 2025 gồm nhiều hoạt động liên tục, kéo dài suốt cả năm, theo định hướng 4 mùa với trên 160 sự kiện cấp quốc gia và cấp tỉnh. Mỗi mùa lễ hội gắn với năm Du lịch quốc gia mang một chủ đề riêng, thể hiện sự đa dạng và phong phú của sắc màu văn hóa, thể hiện sự vươn mình của một cố đô xưa - thành phố trực thuộc trung ương ngày nay hòa quyện trong vận hội mới.
Trong đó, Lễ hội mùa Xuân “Xuân Cố đô” diễn ra từ tháng 1 đến tháng 3 với chuỗi lễ hội cung đình, lễ hội truyền thống, không gian văn hóa Tết đặc sắc cùng các hoạt động vui chơi ngày xuân mang đậm dấu ấn Kinh đô Huế xưa.
Điểm nhấn của lễ hội mùa xuân Festival Võ thuật Cố đô lần thứ I, Chương trình nghệ thuật Khai mạc Năm Du lịch quốc gia và Sự kiện kỷ niệm 50 năm Ngày giải phóng Huế…
Lễ hội mùa Hạ “Kinh thành tỏa sáng” diễn ra từ tháng 4 đến tháng 6 với điểm nhấn là Chương trình nghệ thuật Áo dài và Tuần lễ Áo dài cộng đồng.
Lễ hội mùa Thu “Huế vào Thu” diễn ra từ tháng 7 đến tháng 9 với điểm nhấn là chương trình Tết Trung Thu.
Từ tháng 10 đến tháng 12 là thời điểm của các Lễ hội mùa Đông “Mùa đông xứ Huế”, gồm các chương trình mới tạo cho không khí mùa đông xứ Huế sôi động, ấm áp hơn, đồng thời tạo ra các loại hình vui chơi, giải trí cho du khách thưởng ngoạn trong thời gian lưu lại Cố đô Huế. Điểm nhấn là Lễ Bế mạc Năm Du lịch quốc gia- Huế 2025 và Festival Âm nhạc Quốc tế; Chương trình nghệ thuật Countdown - Chào đón năm mới 2026.
Ngay sau lễ công bố Năm Du lịch Quốc gia và Festival Huế 2025 là Lễ Thiết triều Nguyên đán tại sân Đại triều điện Thái Hòa. Lễ được tái hiện theo hình thức sân khấu hóa, mang đến cho người dân và du khách trải nghiệm, cảm xúc rất đặc biệt về di sản văn hóa Huế.
Ông Nguyễn Phước Hải Trung, Phó Giám đốc Trung tâm Bảo tồn di tích Cố đô Huế cho biết, Trung tâm đã dày công nghiên cứu và tái hiện lễ Nguyên đán để phục vụ du khách thưởng lãm. Việc tái hiện lễ Nguyên đán thời Nguyễn nhằm phát huy giá trị di sản vật thể và phi vật thể, đồng thời giới thiệu về những nét đẹp truyền thống gắn với Tết cung đình thuở xưa: “Đây là một lễ hội theo hình thức sân khấu hóa trên cơ sở nghiên cứu các tư liệu của triều Nguyễn, tái hiện mang tính chất không khí của lễ nghi, đặc biệt phô diễn âm nhạc, đi theo các tiết tấu của nghi lễ. Chúng tôi lấy ngày đầu năm để mở ra những lời chúc tốt đẹp đối với quý vị du khách, những người đã đến với khu di sản trong ngày đầu năm mới của năm dương lịch”.