Công bố 'Huyện nông thôn mới nâng cao Thoại Sơn' ở An Giang
Lễ công bố quyết định của Thủ tướng Chính phủ công nhận huyện Thoại Sơn đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao diễn ra vào sáng nay (9.9) tại tỉnh An Giang. Đây là sự kiện có ý nghĩa quan trọng, là niềm vui, vinh dự của Đảng bộ, chính quyền và người dân huyện Thoại Sơn nói riêng và tỉnh An Giang nói chung.
Thoại Sơn: 45 năm xây dựng, phát triển – thành tựu và tự hào
Huyện Thoại Sơn nằm ở phía nam tỉnh An Giang (thuộc vùng Tứ giác Long Xuyên), có diện tích tự nhiên 47.103,8ha, chiếm 13,32% diện tích tự nhiên toàn tỉnh và là huyện có diện tích lớn thứ hai trong tỉnh.
Huyện có 17 đơn vị hành chính cấp xã gồm 14 xã và 3 thị trấn. Năm 2018, Thoại Sơn vinh dự là huyện đầu tiên trong tỉnh An Giang đạt chuẩn huyện nông thôn mới (vượt lộ trình kế hoạch 1 năm). Đến nay, huyện đã có 14/14 xã đạt xã nông thôn mới nâng cao, 2 xã nông thôn mới kiểu mẫu, 3 thị trấn đạt đô thị văn minh.
14/14 xã trên địa bàn huyện đã được UBND huyện Thoại Sơn phê duyệt đồ án quy hoạch chung xây dựng xã đến năm 2040, và phê duyệt đồ án chi tiết xây dựng tỷ lệ 1/500 trung tâm xã hoặc phê duyệt quy hoạch chi tiết xây dựng tỷ lệ 1/500 các dự án khu dân cư trên địa bàn các xã, phù hợp với tình hình kinh tế xã hội của địa phương và định hướng đô thị hóa theo quy hoạch của huyện, tỉnh.
Đường xã trên địa bàn gồm 11 tuyến với chiều dài 42,99km, đến cuối năm 2018 đã được đầu tư cứng hóa 100%. Từ năm 2019 đến nay, các xã quan tâm thực hiện tốt công tác duy tu bảo dưỡng thường xuyên hệ thống giao thông đường xã trên địa bàn, đồng thời tổ chức thực hiện đầu tư xây dựng đảm bảo các hạng mục cần thiết về an toàn giao thông, cũng như thực hiện trồng cây xanh trên các tuyến. Hiện tại, tỷ lệ km đường xã được bảo trì hàng năm, đảm bảo sáng - xanh - sạch - đẹp và có các hạng mục cần thiết (biển báo, biển chỉ dẫn, chiếu sáng, gờ giảm tốc, cây xanh…) theo quy định.
Cùng với sự phát triển đồng bộ hạ tầng giao thông, huyện luôn quan tâm, triển khai tốt các chương trình, kế hoạch phát triển kinh tế xã hội và các chương trình chính sách hỗ trợ nhà ở trên địa bàn huyện. Đến nay, địa bàn 14 xã có 27.909/31.766 hộ có nhà ở kiên cố hoặc bán kiên cố, chiếm tỷ lệ 87,86%.
Sản xuất nông nghiệp đã có bước chuyển đổi cơ cấu cây trồng vật nuôi mạnh mẽ; phát triển các ngành nghề tiểu thủ công nghiệp, thương mại, dịch vụ, du lịch cũng đã từng bước phát triển; đã thu hút được doanh nghiệp lớn vào sản xuất thu hút được khoảng 10.000 lao động tại địa phương.
Hiện, thu nhập bình quân đầu người khu vực nông thôn huyện đạt 73,5 triệu đồng/người/năm và giá trị sản xuất bình quân/ha đất nông nghiệp đạt 215 triệu đồng/ha, tỉ lệ hộ nghèo giảm dần theo hàng năm, đến nay còn 1,32%.
Với những kết quả và thành tựu đạt được, ngày 1.8 vừa qua, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành quyết định số 750/QĐ-TTg công nhận huyện Thoại Sơn, tỉnh An Giang đạt chuẩn huyện nông thôn mới nâng cao năm 2023.
Huyện đầu tiên của ĐBSCL được xác lập kỷ lục
Sáng 9.9, tại quảng trường Thoại Ngọc Hầu (thị trấn Núi Sập, huyện Thoại Sơn), UBND tỉnh An Giang tổ chức Lễ công bố quyết định của Thủ tướng Chính phủ công nhận huyện Thoại Sơn đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao và kỷ niệm 45 năm ngày tái lập huyện Thoại Sơn (23.8.1979 – 23.8.2024).
Ông Dương Ngọc Lắm, Chủ tịch UBND huyện Thoại Sơn, tỉnh An Giang cho biết, địa phương luôn tự hào là một trong những huyện đầu tiên của ĐBSCL được công nhận huyện nông thôn mới nâng cao, đạt sớm so với nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh An Giang lần thứ XI, nhiệm kì 2020 - 2025 đề ra.
Huyện Thoại Sơn lại tiếp tục vinh dự đón nhận danh hiệu “Huyện Nông thôn mới nâng cao” được Thủ tướng Chính phủ quyết định công nhận, sớm hơn 2 năm so lộ trình kế hoạch của tỉnh đề ra, đánh dấu thêm mốc son - lịch sử của Đảng bộ huyện nhà, trong chặng đường 45 năm Xây dựng và phát triển.
“Đạt được những thành tựu nêu trên, có nhiều nguyên nhân, trong đó, nguyên nhân chủ yếu là đội ngũ cán bộ Thoại Sơn, luôn đoàn kết, giàu lòng nhiệt huyết, có khát vọng vươn lên, khơi dậy tinh thần sáng tạo, phát huy nội lực, tranh thủ ngoại lực một cách thường xuyên, có hiệu quả”, ông Lắm nhận định.
Cũng theo ông Lắm, để có những đổi thay như ngày hôm nay, Thoại Sơn luôn nhận được sự quan tâm hỗ trợ của Trung ương, sự giúp đỡ của lãnh đạo tỉnh, các sở, ngành tỉnh.
“Đặc biệt, có sự đóng góp công sức, trí tuệ của hơn 4.708 cán bộ, đảng viên và hơn 163.000 người dân huyện nhà và con, em quê hương Thoại Sơn xa xứ, luôn hướng về đất mẹ. Bên cạnh đó, Thoại Sơn cũng luôn đón nhận thường xuyên tấm lòng vàng của các doanh nghiệp trong và ngoài huyện, luôn đồng hành với Thoại Sơn hơn hàng chục năm qua”, ông lắm nói.
Phát biểu tại lễ công bố, ông Lê Văn Phước, Phó chủ tịch UBND tỉnh An Giang cho biết, khởi đầu thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới của huyện Thoại Sơn (năm 2010) với xuất phát điểm thấp, trung bình các xã đạt 5/19 tiêu chí, còn nhiều khó khăn, kết cấu hạ tầng kinh tế, xã hội chưa được đầu tư đồng bộ, thu nhập bình quân khu vực nông thôn chỉ đạt 15,46 triệu đồng/người/năm; tỉ lệ hộ nghèo 6,6%.
“Đến nay, diện mạo nông thôn huyện Thoại Sơn có rất nhiều thay đổi, phát triển vượt bậc và tích cực; đã có 100% xã (14/14) đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao, 2 xã đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu (xã Vĩnh Trạch đạt kiểu mẫu về Giáo dục và Đào tạo, xã Định Thành đạt kiểu mẫu về Tổ chức sản xuất); 3/3 thị trấn đạt chuẩn văn minh đô thị (và đạt 9/9 tiêu chí đô thị văn minh quyết định số 4.2022/QĐ-TTg ngày 18.2.2022 của Thủ tướng Chính phủ); đạt 9/9 tiêu chí huyện nông thôn mới nâng cao (theo quyết định số 320/QĐ-TTg ngày 8.3.2022 của Thủ tướng Chính phủ).
Với những thành tích đạt được, ngày 1.8.2024 huyện Thoại Sơn vinh dự được Thủ tướng Chính phủ ký quyết định 750/QĐ-TTg công nhận huyện đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao năm 2023 và với những kết quả nêu trên đã góp phần hoàn thành một số chỉ tiêu, nhiệm vụ theo nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh An Giang lần thứ XI, nhiệm kỳ 2020 - 2025 đã đề ra”, ông Phước nhấn mạnh.
Phó chủ tịch UBND tỉnh An Giang Lê Văn Phước trân trọng cảm ơn và mong muốn tiếp tục nhận được nhiều sự quan tâm, hỗ trợ, tạo điều kiện hơn nữa của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Văn phòng Chính phủ các ban, bộ, ngành Trung ương đã quan tâm hỗ trợ, hướng dẫn tỉnh An Giang thực hiện Chương trình xây dựng nông thôn mới và các chương trình phát triển kinh tế - xã hội khác.
“Rất mong trong thời gian tới, tỉnh An Giang sẽ tiếp tục nhận được sự quan tâm hỗ trợ của các cơ quan Trung ương trong phân bổ nguồn lực thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia, các đề án, dự án, chương trình trọng điểm hơn nữa để xây dựng An Giang - quê hương Chủ tịch Tôn Đức Thắng ngày càng giàu đẹp - văn minh - hiện đại”, ông Phước nói.