Công bằng - Trọng tâm đàm phán thương mại Nhật - Mỹ
Nhật Bản có thể tăng mua năng lượng từ Mỹ và đề xuất Washington linh hoạt hơn trước các cáo buộc đối với ô tô Nhật Bản.

Tổng thống Mỹ Donald Trump (phải) và Thủ tướng Nhật Bản Shigeru Ishiba tại cuộc gặp ở Nhà Trắng, Washington D.C., ngày 7/2/2025. Ảnh: Kyodo/TTXVN
Thủ tướng Nhật Bản Shigeru Ishiba ngày 20/4 cho biết nước này sẽ nhấn mạnh “sự công bằng” trong bất kỳ cuộc thảo luận nào với Mỹ về tỷ giá hối đoái, trong bối cảnh các cuộc đàm phán thương mại song phương đang thu hút sự chú ý toàn cầu khi Tổng thống Mỹ Donald Trump áp dụng chính sách thuế quan cứng rắn.
Phát biểu trong chương trình đối thoại của Đài truyền hình NHK, ông Ishiba cho biết Nhật Bản có thể tăng mua năng lượng từ Mỹ và đề xuất Washington linh hoạt hơn trước các cáo buộc đối với ô tô Nhật Bản.
Ông Trump, người tham gia vòng đàm phán đầu tiên giữa Mỹ và Nhật Bản ngày 16/4, nhấn mạnh rằng ông muốn đưa cáo buộc Tokyo cố tình làm yếu đồng yen để tạo lợi thế không công bằng cho các nhà xuất khẩu Nhật Bản vào các cuộc đàm phán.
Ông Ishiba cho biết các cuộc thảo luận chi tiết về chính sách tiền tệ sẽ do Bộ trưởng Tài chính Nhật Bản Katsunobu Kato và Bộ trưởng Tài chính Mỹ Scott Bessent đảm trách. Ông Ishiba khẳng định Nhật Bản sẽ xử lý vấn đề này dựa trên nguyên tắc công bằng, nhưng không đưa ra giải thích cụ thể về phản ứng nếu Mỹ yêu cầu Tokyo hợp tác để tăng giá đồng yen.
Chính phủ Nhật Bản từ lâu đã phủ nhận việc thao túng đồng yen, dù chính phủ nước này thường nỗ lực giữ đồng yen không tăng quá mạnh để bảo vệ nền kinh tế phụ thuộc vào xuất khẩu. Lần gần nhất Nhật Bản can thiệp vào thị trường ngoại hối là vào năm ngoái nhằm hỗ trợ đồng yen.
Theo kế hoạch, ông Kato sẽ tham dự cuộc họp của bộ trưởng tài chính Nhóm các nền kinh tế phát triển và mới nổi hàng đầu thế giới (G20), bên lề cuộc họp mùa Xuân của Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) và Ngân hàng Thế giới (WB). Ông Kato cũng sẽ có cuộc gặp song phương với ông Bessent để thảo luận về thương mại.
Một số nhà phân tích nhận định, Nhật Bản có thể sử dụng lượng trái phiếu Chính phủ Mỹ mà nước này nắm giữ như đòn bẩy trong đàm phán thương mại. Hiện Nhật Bản là quốc gia nắm giữ lượng trái phiếu Chính phủ Mỹ lớn nhất thế giới với quy mô hơn 1.000 tỷ USD. Tuy nhiên, ông Kato hồi đầu tháng đã bác bỏ khả năng sử dụng trái phiếu như một công cụ thương lượng.
Ông Ishiba khẳng định mối quan hệ tài chính giữa hai nước dựa trên sự tin tưởng, cũng như sự ổn định kinh tế toàn cầu và song phương. Ông đưa ra phát biểu này khi được hỏi liệu Nhật Bản có nhắc đến lượng trái phiếu Mỹ đang nắm giữ trong các cuộc đàm phán hay không.
Mỹ công bố áp thuế đối ứng 24% đối với hàng xuất khẩu từ Nhật Bản, song sau đó được tạm hoãn 90 ngày. Mức thuế 10% hiện vẫn áp dụng, cùng với mức thuế 25% đối với ô tô - ngành trụ cột của nền kinh tế Nhật Bản.
Theo Nikkei Asia, Nhật Bản đang cân nhắc nới lỏng một số quy định an toàn đối với ô tô nhập khẩu từ Mỹ, như một phần trong đàm phán thuế quan song phương. Mỹ từ lâu cho rằng các quy định trên là rào cản phi thuế quan, trong khi phía Tokyo và nhiều chuyên gia phản biện rằng các nhà sản xuất ô tô Mỹ không thiết kế xe phù hợp với điều kiện đường sá và thị hiếu người tiêu dùng Nhật Bản.
Trước những cáo buộc này, ông Ishiba cho rằng hai nước có sự khác biệt trong quy định về giao thông và an toàn cần được xem xét kỹ lưỡng. Tuy vậy, ông khẳng định Nhật Bản cũng cần đảm bảo rằng các quy định về an toàn là công bằng.
Ông Ishiba cũng thể hiện sự sẵn sàng cam kết tăng đầu tư vào Mỹ, đặc biệt trong lĩnh vực năng lượng. Ông nêu ví dụ, hiện Australia là nước xuất khẩu khí đốt tự nhiên hóa lỏng (LNG) lớn nhất sang Nhật Bản, trong khi Mỹ đứng thứ tư. Ông cho biết Nhật Bản có thể tăng nhập khẩu LNG từ Mỹ, với điều kiện Washington bảo đảm nguồn cung ổn định.