Công an TP Hà Nội tiếp nhận quản lý 7 cơ sở cai nghiện ma túy từ 1-3
Chế độ chính sách đối với cán bộ, nhân viên các cơ sở cai nghiện được thực hiện theo đúng quy định, bảo đảm quá trình chuyển giao hiệu quả, nhanh chóng và ổn định.
Từ ngày 1-3, nhiệm vụ quản lý nhà nước về cai nghiện ma túy và quản lý sau cai sẽ được chuyển giao từ Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội về Bộ Công an theo chủ trương đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả.
Theo đó, Công an thành phố Hà Nội đã phối hợp Sở Lao động - Thương binh và Xã hội tham mưu cho UBND thành phố Hà Nội thành lập Đoàn khảo sát liên ngành và tổ chức hội nghị chuẩn bị các điều kiện để chuyển giao, tiếp nhận nhiệm vụ quản lý nhà nước về cai nghiện ma túy và quản lý sau cai nghiện ma túy từ Sở Lao động - Thương binh và Xã hội về Công an thành phố.

Khám, chữa bệnh cho các học viên cai nghiện ma túy ở Hà Nội. Ảnh: Đức Tuấn
Để kịp tiến độ chuyển giao, Công an thành phố phối hợp Sở Lao động - Thương binh và Xã hội hoàn thiện hồ sơ cai nghiện bắt buộc đối với hơn 300 học viên; rà soát số viên chức, người lao động có nguyện vọng và đủ điều kiện tuyển dụng sau chuyển giao để xây dựng phương án, kiện toàn nhân sự bảo đảm chính sách, quyền lợi cán bộ; phối hợp với Sở Nội vụ, Sở Tài chính chuẩn bị các điều kiện chuyển giao, tiếp nhận... Đến nay, cơ bản các điều kiện chuẩn bị đã sẵn sàng cho việc vận hành, quản lý theo mô hình mới.
Ông Nguyễn Tây Nam, Phó Giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội Hà Nội cho biết, hiện tại, hoạt động của các cơ sở cai nghiện vẫn diễn ra bình thường, chế độ chính sách cho cán bộ và học viên vẫn được bảo đảm. Đối với cán bộ, nhân viên, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội cũng đã lập danh sách các trường hợp có nguyện vọng ở lại các cơ sở cai nghiện sau khi Công an thành phố tiếp nhận, số còn lại sẽ được chuyển về Sở Nội vụ và Sở Y tế để bố trí vị trí việc làm phù hợp và thực hiện các chế độ chính sách liên quan.
Thiếu tướng Nguyễn Thanh Tùng, Phó Giám đốc Công an thành phố Hà Nội cho biết, việc chuyển giao, tiếp nhận nhiệm vụ quản lý nhà nước về cai nghiện ma túy và quản lý sau cai nghiện ma túy phải bảo đảm tính thống nhất, khoa học, tổng thể; bảo đảm chặt chẽ, công khai, minh bạch.
Theo Thiếu tướng Nguyễn Thanh Tùng, quá trình khảo sát tuyệt đối không để ảnh hưởng đến việc thực hiện nhiệm vụ chính trị theo chức năng, nhiệm vụ cũng như không làm đứt gãy, ngắt quãng hoạt động của các cơ sở cai nghiện. Công an thành phố sẽ tiếp tục phối hợp với Sở Lao động - Thương binh và Xã hội thực hiện chế độ chính sách đối với cán bộ, nhân viên các cơ sở cai nghiện theo đúng quy định, bảo đảm quá trình chuyển giao hiệu quả, nhanh chóng và ổn định.
Hiện tại, Hà Nội có 7 cơ sở, gồm: Cơ sở cai nghiện ma túy số 1 (tại xã Yên Bài, huyện Ba Vì); Cơ sở cai nghiện ma túy số 2 (tại xã Yên Bài, huyện Ba Vì); Cơ sở cai nghiện ma túy số 3 (tại xã Tân Minh, huyện Sóc Sơn); Cơ sở cai nghiện ma túy số 4 (tại xã Yên Bài, huyện Ba Vì); Cơ sở cai nghiện ma túy số 5 (tại phường Xuân Phương, quận Nam Từ Liêm); Cơ sở cai nghiện ma túy số 6 (tại xã Tân Minh, huyện Sóc Sơn); Cơ sở cai nghiện ma túy số 7 (tại xã Xuân Sơn, thị xã Sơn Tây).