Con trai thất lạc 45 năm trở về, hé lộ sự thật bất ngờ về người dưới mộ

Thất lạc suốt 45 năm, từng bị gia đình nghĩ là đã qua đời, người đàn ông bất ngờ trở về trong vòng tay ruột thịt.

Trong ký ức của mình, ông Nguyễn Văn Minh trú ở xã Phú Lạc, huyện Tuy Phong, tỉnh Bình Thuận (nay là xã Liên Hương, tỉnh Lâm Đồng) vẫn nhớ mình hồi bé tên là Thuần. Ông cũng đoán mình hiện khoảng 55 tuổi.

Không biết chữ, hằng ngày, ông Minh chạy xe đi kiếm củi khô về bán. Ông làm đủ nghề như chăn dê, chăn cừu, làm mướn cho người ta để kiếm tiền nuôi 4 người con. Nhờ Nhà nước cho vay tiền cất nhà, ông mới có chốn trú nắng, trú mưa.

Ảnh chụp gia đình năm ông Tá 44 tuổi, bà Hương 35 tuổi. Ảnh BTC

Ảnh chụp gia đình năm ông Tá 44 tuổi, bà Hương 35 tuổi. Ảnh BTC

"Người ta có cha, có mẹ, mình thì không có. Nhiều khi tôi ngồi khóc thầm, tủi thân vì nhớ cha mẹ, nhớ các em. Tôi chỉ mong tìm được cha mẹ, biết được gia đình mình còn no ấm, để con cháu mình cũng biết chú bác nhà nội, là đủ", ông Minh nói.

Ông không nhớ mình đi lạc từ đâu tới đây, chỉ nhớ đó là vùng biển cát trắng như sa mạc, có con đò, có chợ, có tuổi thơ nghịch ngợm giữa nắng gió, chiều chiều mẹ gọi về ăn cơm. Ông nhớ mình có một người bạn học, thường gọi nhau là “mi", xưng "ta”.

Ông cũng nhớ tên bố là Tá, mẹ là Hương, có các em tên Tí, Cường. Song, ông không dám tin những chi tiết nhỏ ấy có thể giúp mình tìm được cha mẹ ruột.

Lạc mẹ trong một lần đi chợ

Năm 1980, ông lạc mẹ trong một lần đi chợ. Ông được bố mẹ nuôi nhận về, đặt tên là Nguyễn Văn Minh. Gia đình bố mẹ nuôi sống tại Bình Thuận (nay là Lâm Đồng). Bố mẹ nuôi có 8 người con, thêm ông nữa là 9.

Cậu bé Thuần (ngồi trên cùng) chụp cùng các em khi chưa đi lạc. Ảnh: BTC

Cậu bé Thuần (ngồi trên cùng) chụp cùng các em khi chưa đi lạc. Ảnh: BTC

Khi trưởng thành, ông lấy vợ. Ông luôn thấy buồn, nhớ quê hương nhưng không đi tìm vì cuộc sống khó khăn, thông tin lại ít ỏi. Ông có 4 con trai. Cuộc sống khó khăn nhưng vợ chồng yêu thương, đùm bọc nhau.

Sau lần bố nuôi giúp tìm kiếm gia đình ruột thịt không thành, ông Minh không còn mơ đến chuyện đó nữa. Ông cố gắng làm lụng, kiếm tiền nuôi vợ và các con.

Người hàng xóm tốt bụng tên Tâm biết hoàn cảnh của ông nên rất đồng cảm. Con gái ông Tâm đã viết thư gửi tới chương trình Như chưa hề có cuộc chia ly (NCHCCCL) để giúp ông Minh tìm lại gia đình ruột thịt.

Thông qua bức thư của người hàng xóm, chương trình NCHCCCL đã khoanh vùng tìm kiếm. Bằng phương pháp loại trừ, chương trình đã tìm đến vùng đất cát trắng tinh như sa mạc mà ông kể, là Bình Định (nay là Gia Lai).

Ông Thuần (Minh) chưa từng nghĩ sẽ tìm được gia đình. Ảnh: BTC

Ông Thuần (Minh) chưa từng nghĩ sẽ tìm được gia đình. Ảnh: BTC

Chương trình tìm được một địa danh là xã Hoài Hải, huyện Hoài Nhơn, tỉnh Bình Định (nay là phường Hoài Nhơn Đông, tỉnh Gia Lai).

Sự trở về bất ngờ

Bà Phạm Thị Lai (ở xã Liên Hương, tỉnh Lâm Đồng mới) kể về ông Thuần (tên hiện tại là Minh) ngày trước. Trong ký ức của bà, cậu bạn học tên Thuần có nước da trắng, nghịch ngợm, hay trêu ghẹo người khác.

Ông nội của ông Thuần là cụ Võ Trụ đi tập kết ra Bắc năm 1954, để lại 2 người con tên Võ Tá và Võ Thị Tía cho cha mẹ nuôi.

Bố của ông Thuần tên là Võ Tá, mẹ tên Trần Thị Hương, đúng như trong trí nhớ của ông. Cô của ông Thuần là bà Võ Thị Tía (71 tuổi). Bà Tía lấy chồng, sống ở quê.

Ông Tá đi biển vào Tuy Hòa, Phú Yên (nay là Đắk Lắk) lấy vợ và sinh con trai đầu lòng, đặt tên là Thuần rồi trở lại quê nhà. Năm 1975, cụ Võ Trụ trở về thì vợ chồng ông Tá đã sinh 4 con trai liên tiếp. Đứa thứ 5 vẫn trong bụng mẹ chưa rõ trai hay gái.

Cụ Trụ muốn dẫn một đứa cháu về quê nuôi vì cho rằng nhà có 5 con trai phạm vào "ngũ quỷ" như ông bà xưa nói. Nhưng cụ chưa kịp làm điều đó, cháu trai đầu tên Thuần đã đi lạc.

Lưu lạc nhiều năm, ông Thuần vẫn nhớ tên cha, mẹ và các em. Ảnh: BTC

Lưu lạc nhiều năm, ông Thuần vẫn nhớ tên cha, mẹ và các em. Ảnh: BTC

Con trai mất tích 3 ngày, thuyền của ông Tá mới cập bờ. Ông bỏ tất cả, mượn xe đạp, ra ga Bồng Sơn cách nhà 15km tìm con.

Những người ở sân ga nói với ông rằng, có cậu bé 8-9 tuổi lang thang ở ga suốt mấy ngày nhưng 1 tiếng trước, cậu bé đã đi theo xe thồ của một ông buôn chuối. Ông Tá đạp xe từng vùng trồng chuối để tìm con nhưng không có kết quả.

5 năm sau ngày Thuần mất tích, có người mách trên núi bên xã Mỹ Đức, huyện Phù Mỹ, Bình Định (nay là xã Phù Mỹ Bắc, tỉnh Gia Lai) có người giống hệt Thuần.

Bà Hương cùng chồng bà Tía và người em họ nhanh chóng lên đường tìm kiếm. Ông Tá khi đó vẫn còn đang đi biển.

Họ tìm được một cậu bé chăn bò trên núi, sống cùng bà cụ già. Gia đình nghĩ đó là Thuần vì cậu bé cũng có một vết sẹo và một cử chỉ quen thuộc giống Thuần. Nghĩ là đã tìm được con, ông Tá vui mừng khôn tả, mua một con lợn về thịt ăn mừng.

Cậu bé không nói được, thỉnh thoảng còn bị động kinh, cả người sưng phù vì bệnh.

Đối với ông Tá, bà Hương, cuộc trở về của "Thuần" đã làm họ bớt đau đớn. Cậu bé được cả nhà chăm sóc cẩn thận để bù đắp. Nhưng sau 3 năm, năm 1988, vì bệnh tật, cậu bé ấy đã qua đời và được chôn trên mảnh đất của họ tộc.

Vài tháng sau khi "Thuần" qua đời, ông Tá buồn rầu, đưa cả gia đình vào Nha Trang, tỉnh Khánh Hòa sinh sống. Sau 5 cậu con trai, ông bà còn có thêm một cô con gái.

Ông Tá và 2 con trai đi biển đến ngày bà Hương bị đột quỵ. Ông bỏ thuyền, bỏ biển về chăm sóc vợ cho đến khi vợ qua đời vào 2008. Sau ngày đó, ông thường xuyên đi lại trên quãng đường 300km về quê thăm mộ tổ tiên và thắp hương cho "con trai".

Năm 77 tuổi, ông Tá ra đi đột ngột trong một giấc ngủ trưa, không kịp để lại lời trăng trối.

6 anh em cuối cùng cũng đoàn tụ sau 45 năm xa cách. Ảnh BTC

6 anh em cuối cùng cũng đoàn tụ sau 45 năm xa cách. Ảnh BTC

Khi còn sống, ông Tá luôn dặn các con trai không được quên người anh trai đã mất để cho trọn vẹn. Có lẽ ông Tá không ngờ có ngày còn trọn vẹn hơn, người con trai tên Thuần thực sự của ông bà đã trở về sau 45 năm lưu lạc.

Không biết chữ để đọc được kết quả trên tờ giấy xét nghiệm ADN, ông Thuần (tên hiện tại là Minh) khiến những người em ngồi bên dưới khán phòng xúc động.

Giây phút đoàn tụ trong chương trình, cả gia đình ôm nhau bật khóc. Cuối cùng sau rất nhiều năm, từng bị cả gia đình nghĩ đã ra đi mãi mãi, ông Thuần lại được gặp lại gia đình ruột thịt của mình. 6 anh em gặp nhau trên sân khấu, nước mắt tuôn rơi.

Có lẽ, ở dưới suối vàng, ông Tá và bà Hương cũng được ngậm cười vì cuối cùng con trai của họ đã trở về.

Sau 17 năm thực hiện và phát sóng trên nhiều kênh truyền hình, Như chưa hề có cuộc chia ly (NCHCCCL) tự hào khi xây dựng được một hệ thống dữ liệu rất hữu ích trong việc kết nối người đi tìm và người thất lạc.

Trên website haylentieng.vn, người xem hoàn toàn có thể tự tra cứu những thông tin liên quan đến người thân thất lạc của mình bằng cách gõ tên, năm sinh, quê quán… Nhờ hệ thống dữ liệu này, nhiều gia đình đã được đoàn tụ.

Để đồng hành với NCHCCCL trong việc xây dựng nguồn quỹ, tiếp tục hành trình giúp đoàn tụ cho hàng ngàn gia đình Việt Nam, trong những năm gần đây, báo VietNamNet trở thành cầu nối kêu gọi sự ủng hộ từ quý độc giả.

Toàn bộ số tiền độc giả ủng hộ chương trình thông qua báo VietNamNet sẽ được sao kê minh bạch và chuyển tới ê-kíp chương trình. Các thông tin về báo cáo thu chi, số trường hợp được tìm ra, số hồ sơ mới được lập… vẫn đang được NCHCCCL công khai hàng tháng trên các kênh fanpage, website và cuối mỗi tập được phát sóng.

Độc giả ủng hộ NCHCCCL thông qua báo VietNamNet vui lòng gửi tới số tài khoản sau:

Quỹ từ thiện Báo VietNamNet

Ngân hàng Vietcombank - Số Tài Khoản: 001 100 264 3148

Chủ TK: Báo VietNamNet

(Vui lòng ghi rõ nội dung chuyển khoản: Ủng hộ NCHCCCL + Tên + Số điện thoại)

Tú Linh

Nguồn VietnamNet: https://vietnamnet.vn/con-trai-that-lac-45-nam-tro-ve-he-lo-su-that-bat-ngo-ve-nguoi-duoi-mo-2421898.html
Zalo