Con trai cựu Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ thay cha chữa lành vết thương chiến tranh

Craig McNamara suốt đời phải học qua báo chí, sách vở hoặc qua những người xa lạ từng hiểu cha ông hơn chính ông.

Tập 2 của bộ phim Cuộc đọ sức của ý chí lên sóng trên VTV1 đặc biệt tối 30/4. Bộ phim là hành trình của Craig McNamara, con trai ông Robert McNamara, tác giả cuốn Because our fathers lied (Vì cha chúng tôi nói dối), tìm lại sự thật của cuộc chiến tại Việt Nam.

Ở tập này, Craig McNamara chuyển biến tâm lý từ cậu bé - con trai của Bộ trưởng Bộ Quốc phòng để trở thành người phản chiến, phản đối lại cuộc chiến tranh của bố mình, cuộc chiến tranh mà bố ông chính là người nhạc trưởng.

"Tôi tự hào về những gì mình làm được nhưng tôi cũng rất tiếc vì đã mắc sai lầm trong hành trình đó". Đây chính là lời Robert McNamara đã nói trong Sương mù chiến tranh - bộ phim tài liệu đoạt giải Oscar vào năm 2004 của đạo diễn Errol Morris.

Trong bộ phim về 11 bài học mà cựu Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Robert McNamara rút ra từ cuộc chiến tranh tại Việt Nam này là ông thừa nhận mình đã mắc sai lầm.

Bức ảnh gia đình của cựu Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Robert McNamara.

Bức ảnh gia đình của cựu Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Robert McNamara.

Những điều cả thế giới được nghe lại chưa từng được tiết lộ với người con trai của ông. Ông Crai McNamara suốt đời phải học về cha mình qua báo chí, qua sách vở hoặc qua những người xa lạ - những người hiểu cha ông hơn chính ông.

Trong cuộc gặp với người đạo diễn từng làm phim về cha mình, Craig McNamara đã hỏi Errol: "Anh đã dành 22 tiếng đồng hồ, ngồi cách McNamara chỉ hơn 1m, ghi hình và đặt ra những câu hỏi không tưởng. Ở một khía cạnh nào đó, anh hiểu ông ấy còn sâu sắc hơn cả tôi. Vậy tại sao, khi tôi 16 tuổi, 24 tuổi hay kể cả 64 tuổi, cha tôi vẫn không thể nói cho tôi sự thật?".

"Tôi không thể nào xiên qua lớp vỏ bọc kiên cố ấy", Craig McNamara nói về mối quan hệ giữa ông và người cha nổi tiếng của mình.

Đáp lại câu hỏi, Errol Morris cho biết: "Tôi không chắc mình thật sự làm được. Và cũng không chắc có ai trên đời này có thể làm được điều đó. Phải nói rằng, ở một khía cạnh, ông ấy vẫn là một ẩn số".

Craig nói rằng có một bước ngoặt thay đổi cảm xúc của ông về chiến tranh cũng như về người cha của mình, đó là khi một người bạn cùng lớp cấp 3 rất thân của ông đã mời một giáo sư Đại học đến để nói chuyện với học sinh toàn trường trong một buổi thảo luận đặc biệt.

Trước buổi thảo luận đó, Craig đã gọi điện hỏi cha mình có thể gửi cho ông thứ gì đó về cuộc chiến tại Việt Nam để ông có thể tham gia vào buổi thảo luận tại trường, rằng có điều gì chứng minh cho thấy mình đang đứng về phe chính nghĩa, phe hòa bình, thống nhất.

Đáp lại đề nghị của ông, Robert không gửi cho ông bất cứ thứ gì.

Craig McNamara nói ông yêu đất đai. Vì vậy mỗi nắm đất đều chứa đựng sự sống. Nhưng cũng gợi ông nhớ về những vùng đất bị tàn phá bởi chiến tranh, về cuộc chiến ở Việt Nam, về một quyết định đã vĩnh viễn thay đổi cuộc đời cha và chính ông.

Trong chuyến thăm Việt Nam 8 ngày, Craig McNamara được trực tiếp gặp gỡ những nạn nhân mang trên mình ký ức đau thương của chiến tranh.

"8 năm trước, tôi không thể nào thốt lên hai tiếng Việt Nam mà không bật khóc. Nỗi đau ấy quá sâu sắc, quá nghẹn ngào. Điều khiến tôi quặn thắt nhất là sự mất mát của những kiếp người", Craig McNamara nói.

Craig McNamara gặp gỡ những nạn nhân mang trên mình ký ức đau thương của chiến tranh.

Craig McNamara gặp gỡ những nạn nhân mang trên mình ký ức đau thương của chiến tranh.

Craig McNamara nói việc cha chưa từng chia sẻ cảm xúc thật là nỗi buồn với ông, vì Craig McNamara rất yêu cha mình: "Tôi luôn là người biết lắng nghe. Tôi ước gì cha cho mình cơ hội để tin tưởng. Tôi nghĩ hẳn ông đã cảm thấy xấu hổ, vì ông từng tin rằng mình đứng về phía công lý, rồi lại đánh mất quyền kiểm soát. Ông chắc hẳn mang trong lòng niềm ân hận mà không thể thổ lộ".

Trong những ngày cuối đời, Robert McNamara nói với con trai rằng thượng đế đã bỏ rơi mình.

Craig McNamara thừa nhận đến Việt Nam chính là một trong những cách ông chữa lành cho những vết thương mà cha mình gây ra.

Craig McNamara kể lại trong những chuyến công tác thường xuyên đến Việt Nam, cha ông thường mang về những món kỷ vật. Có một lần, ông mang về một lá cờ của quân giải phóng. Sau này, Craig McNamara mới biết rằng người lính Việt Nam mang lá cờ đã bị sát hại.

"Tôi treo lá cờ ấy trong phòng mình. Khi ấy tôi 15 tuổi, đang tự mình tìm kiếm cách để phản đối chiến tranh", ông nói.

Sau hàng chục năm, Craig McNamara mang lá cờ này trao lại cho những người cựu chiến binh, những người lính năm xưa.

"Giờ đây trái tim tôi mới thực sự tìm được bình yên. Trong hành trình này, tôi mới cảm nhận được nỗi đau của những người cựu chiến binh khi thăm lại chiến trường xưa - nơi đồng đội của họ ngã xuống.

Tôi càng thấm thía hơn giá trị cuộc sống hiện tại. Những con người dù trĩu nặng đau thương vẫn chọn cách hòa giải, xây đắp hòa bình giữa hai dân tộc. Họ đã nỗ lực tha thứ dù nỗi đau vẫn còn đó", ông nói.

Ông trao lại lá cờ cho những người cựu chiến binh.

Ông trao lại lá cờ cho những người cựu chiến binh.

Thông điệp mà con trai cựu Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ học được sau hành trình đó là người Việt Nam sẵn sàng tha thứ. Ông cũng phải học cách tha thứ cho chính mình, tha thứ cho những lỗi lần của cha mình.

Cuộc đọ sức của ý chí nằm trong khung phim VTV đặc biệt. Bộ phim gồm 2 tập, được phát trên kênh VTV1 vào 20h10 ngày 25/4 và 30/4 nhân kỷ niệm 50 năm Ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước. Cuộc đọ sức của ý chí được thực hiện bởi ê-kíp của Ban Truyền hình Đối ngoại, Đài Truyền hình Việt Nam.

Ngọc Thanh

Nguồn VTC: https://vtcnews.vn/con-trai-cuu-bo-truong-quoc-phong-my-thay-cha-chua-lanh-vet-thuong-chien-tranh-ar940900.html
Zalo