'Con tôm ôm cây lúa' và bước tiến công nghệ giúp nông dân Kiên Giang làm giàu bền vững

Kiên Giang hôm nay không chỉ là một trong những vựa lúa lớn nhất cả nước, mà còn là vùng đất của những mô hình nông nghiệp thông minh, nơi những hạt giống tri thức đang từng ngày nảy mầm cùng con tôm, cây lúa và ý chí làm giàu bền vững của người nông dân.

Từ một tỉnh chịu ảnh hưởng nặng nề bởi biến đổi khí hậu, đặc biệt là xâm nhập mặn và hạn hán, Kiên Giang đang từng bước vươn lên trở thành điểm sáng trong chuyển đổi cơ cấu nông nghiệp nhờ ứng dụng khoa học công nghệ, sở hữu trí tuệ và sự đồng hành của các HTX.

Bước chuyển từ khó khăn…

Trong hành trình đó, nhiều mô hình sản xuất thông minh, ứng dụng thành công khoa học công nghệ, sở hữu trí tuệ đã hình thành, tạo ra sinh kế bền vững, nâng cao thu nhập và giúp nông dân địa phương trên địa bàn tỉnh Kiên Giang thoát nghèo, làm giàu.

Mô hình con tôm ôm cây lúa đang mang lại hiệu quả kinh tế cao cho nông dân, HTX tại Kiên Giang.

Mô hình con tôm ôm cây lúa đang mang lại hiệu quả kinh tế cao cho nông dân, HTX tại Kiên Giang.

Những năm trước, người dân xã Đông Thái, huyện An Biên, tỉnh Kiên Giang gặp rất nhiều khó khăn khi canh tác lúa hai vụ mỗi năm. Hạn mặn kéo dài, năng suất sụt giảm, thu nhập bấp bênh khiến không ít hộ rơi vào cảnh lao đao.

Thế nhưng, chỉ sau vài năm chuyển sang mô hình "con tôm ôm cây lúa" – một cách gọi dân dã của mô hình canh tác lúa hữu cơ kết hợp nuôi tôm, người dân nơi đây đã tìm được con đường phát triển bền vững.

HTX Nông nghiệp Nam Quý là điển hình cho sự thành công của mô hình này. Với sự hỗ trợ của Liên minh HTX Việt Nam, Liên minh HTX tỉnh Kiên Giang cùng các ban ngành địa phương về khoa học kỹ thuật, sở hữu trí tuệ và xúc tiến thương mại, HTX đã mạnh dạn ứng dụng khoa học công nghệ trong quản lý sản xuất, đưa các giống lúa đặc sản như ST25 vào trồng theo tiêu chuẩn hữu cơ.

Ông Phòng – một thành viên liên kết của HTX Nam Quý chia sẻ: “Trước đây làm lúa hai vụ mà chỉ mong đủ ăn. Từ khi HTX hướng dẫn kỹ thuật, hỗ trợ giống, phân bón sinh học và đặc biệt là kỹ thuật canh tác lúa hữu cơ kết hợp nuôi tôm, tôi yên tâm sản xuất hơn nhiều”.

Cùng với việc ứng dụng chế phẩm sinh học, các thành viên HTX còn được tập huấn định kỳ về quy trình sản xuất sạch, kiểm soát dư lượng hóa chất, áp dụng phần mềm giám sát đồng ruộng thông qua điện thoại di động, truy xuất nguồn gốc sản phẩm bằng mã QR. Tất cả tạo ra một quy trình khép kín, nâng cao chất lượng nông sản và giá trị xuất khẩu.

Thúc đẩy chuyển giao khoa học

Theo thống kê của HTX Nam Quý, vụ Đông Xuân 2024-2025 vừa qua, năng suất lúa đạt bình quân 6,8 tấn/ha, giá bán dao động từ 9.000 - 10.000 đồng/kg. Chi phí sản xuất giảm rõ rệt nhờ ứng dụng công nghệ tưới tiêu thông minh và phân bón hữu cơ, lợi nhuận thu về trung bình trên 60 triệu đồng/ha.

Không dừng lại ở nâng cao hiệu quả sản xuất, mô hình tôm – lúa ở Kiên Giang còn mở ra hướng phát triển kinh tế tuần hoàn khi tận dụng phụ phẩm từ canh tác lúa để làm thức ăn cho tôm và ngược lại, tạo nên hệ sinh thái nông nghiệp bền vững, thân thiện với môi trường.

Như tại HTX Nam Quý, xuất phát điểm với diện tích gần 20 ha, đến nay HTX đã mở rộng lên hơn 75 ha, quy tụ hàng trăm hộ nông dân tham gia. Nhờ liên kết với các doanh nghiệp lớn, HTX ký hợp đồng bao tiêu lúa hữu cơ và tôm sạch ngay từ đầu vụ, tạo đầu ra ổn định cho thành viên.

Với lợi nhuận bình quân gần 160 triệu đồng/ha/năm – cao gấp 4 lần so với canh tác lúa truyền thống – mô hình tôm lúa hữu cơ tại An Biên đã lan rộng sang nhiều xã khác trong tỉnh. HTX Nam Quý trở thành “lá cờ đầu” trong ứng dụng khoa học công nghệ vào sản xuất tại địa phương.

Không riêng An Biên, nhiều địa phương khác của Kiên Giang cũng đang khẳng định hướng đi đúng đắn trong sản xuất nông nghiệp thích ứng với biến đổi khí hậu. Tại xã Ngọc Thuận, huyện Giồng Riềng – nơi có đông đồng bào Khmer sinh sống – mô hình “Nuôi cá trên ruộng lúa trong mùa nước lũ” đang trở thành điểm sáng.

HTX Thuận Lợi đã chuyển đổi từ canh tác 3 vụ lúa/năm sang sản xuất 2 vụ lúa – 1 vụ cá, nhờ đó không chỉ giúp cải thiện môi trường đất mà còn mang lại lợi nhuận ổn định cho bà con. Toàn bộ 256 ha của HTX được nuôi cá theo tiêu chuẩn VietGAP, được huyện hỗ trợ giống cá, chuyển giao công nghệ nuôi trồng thủy sản nước ngọt.

Ứng dụng khoa học kỹ thuật, cách làm thông minh, là chìa khóa giúp nông dân, HTX Kiên Giang thắng đậm với mô hình lúa tôm.

Ứng dụng khoa học kỹ thuật, cách làm thông minh, là chìa khóa giúp nông dân, HTX Kiên Giang thắng đậm với mô hình lúa tôm.

Ngoài kỹ thuật nuôi, HTX còn được Liên minh HTX tỉnh và địa phương hỗ trợ xây dựng thương hiệu sản phẩm cá sạch, truy xuất nguồn gốc. Thậm chí, một số sản phẩm cá đồng đã được đưa lên sàn thương mại điện tử, giúp tăng giá trị.

Anh Nguyễn Thum – một hộ dân Khmer tại xã Ngọc Thuận, chia sẻ: “Trước làm lúa thì vụ trúng, vụ thất. Từ khi làm thêm cá, mỗi năm tôi có thêm 30 – 40 triệu đồng tiền cá, cộng với tiền lúa nữa thì thu nhập mỗi năm khoảng 200 triệu đồng”.

Bệ đỡ chuyển đổi số và phát triển bền vững

Song song với các mô hình lúa – tôm, lúa – cá, nhiều địa phương của Kiên Giang cũng đang khai thác tiềm năng cây ăn trái. Tại TP Hà Tiên, cây thanh trà đang trở thành cây trồng chủ lực của xã Thuận Yên. Toàn xã hiện có hơn 100 hộ trồng thanh trà, trong đó nhiều hộ đã áp dụng công nghệ tưới nhỏ giọt, phân bón hữu cơ vi sinh và canh tác theo quy trình sạch.

Ông Trịnh Quốc Toản – một trong những hộ trồng thanh trà lâu năm – cho biết: “Trước kia chỉ trồng theo kinh nghiệm, nay có cán bộ HTX hỗ trợ kỹ thuật, cây ít sâu bệnh hơn, trái sai, giá lại cao. Mỗi mùa vụ có thể thu từ vài chục đến hàng trăm triệu đồng”.

Cùng với hỗ trợ sản xuất, các HTX tại đây cũng đang từng bước tiếp cận công nghệ bảo quản sau thu hoạch, đóng gói sản phẩm đạt chuẩn để phục vụ thị trường cao cấp.

Thành công của khu vực kinh tế hợp tác, HTX tại Kiên Giang có dấu ấn tích cực từ các chương trình đồng hành của Liên minh HTX Việt Nam và Liên minh HTX tỉnh Kiên Giang.

Cụ thể, thông qua các chương trình mục tiêu quốc gia, đề án phát triển kinh tế tập thể và các hoạt động xúc tiến thương mại, ứng dụng khoa học công nghệ, Liên minh HTX Việt Nam cùng Liên minh HTX tỉnh Kiên Giang đã giúp nhiều HTX nâng cao năng lực sản xuất, tạo việc làm và ổn định đầu ra cho sản phẩm.

Liên minh HTX Việt Nam cũng hỗ trợ các HTX xây dựng thương hiệu, đăng ký nhãn hiệu tập thể, mã số vùng trồng, truy xuất nguồn gốc sản phẩm bằng mã QR. Nhờ đó, sản phẩm nông nghiệp của nhiều HTX tại Kiên Giang đã vươn ra thị trường lớn, có mặt tại các siêu thị và sàn thương mại điện tử.

Ngoài ra, Liên minh HTX Việt Nam cùng Liên minh HTX tỉnh Kiên Giang còn kết nối các doanh nghiệp tiêu thụ nông sản, hỗ trợ HTX ký kết hợp đồng bao tiêu, đảm bảo đầu ra ổn định cho sản phẩm. Việc phối hợp tổ chức hội chợ, sự kiện xúc tiến thương mại tại các tỉnh, thành cũng tạo điều kiện cho các HTX tại Kiên Giang quảng bá sản phẩm, mở rộng thị trường.

Có thể nói, sự hỗ trợ toàn diện của Liên minh HTX Việt Nam và Liên minh HTX tỉnh Kiên Giang chính là bệ đỡ giúp nhiều HTX tại Kiên Giang phát triển bền vững, góp phần chuyển dịch cơ cấu nông nghiệp theo hướng hiện đại, thích ứng với biến đổi khí hậu và nâng cao đời sống người dân.

Đông Phong

Nguồn Vnbusiness: https://vnbusiness.vn//khoa-hoc-cong-nghe/con-tom-om-cay-lua-va-buoc-tien-cong-nghe-giup-nong-dan-kien-giang-lam-giau-ben-vung-1107046.html
Zalo