Con số khiến ông Trump 'đứng ngồi không yên'

Con số là tất cả với ông Donald Trump. Và sự kiện vận động bầu cử lớn đầu tiên của Phó tổng thống Mỹ Kamala Harris với 10.000 người tham dự dường như khiến ông khó chịu.

Khi ông Donald Trump bước lên sân khấu cuộc vận động bầu cử ở Atlanta (Georgia) vào hôm 3/8, những luồng khói trắng bốc lên, báo hiệu sự xuất hiện của cựu tổng thống Mỹ. Tuy nhiên, có vẻ làn khói trắng này cũng bốc ra từ tai của ông, New York Times ví von, ám chỉ ông Trump đang tức giận. Cả tuần, có điều gì đó đã khiến ông khó chịu.

“Kamala điên rồ”, ông Trump “bốc hỏa” chỉ sau một phút phát biểu. “Bà ấy đã ở đây một tuần trước, rất nhiều ghế trống. Đám đông dự sự kiện chỉ vì bà ấy có nghệ sĩ giải trí”.

Bốn ngày trước, buổi vận động của Phó tổng thống Mỹ Kamala Harris đã thu hút cùng số lượng người (khoảng 10.000 người), ở cùng địa điểm này: Georgia State University Convocation Center. Đó là cuộc mít tinh lớn đầu tiên trong chiến dịch của bà và hai nghệ sĩ rap Quavo và Megan Thee Stallion đã có mặt khuấy động đám đông.

Ông Trump - người gần như bị ngành công nghiệp giải trí xa lánh - đã biến sự xuất hiện của các nghệ sĩ thành cái cớ trong cuộc cạnh tranh về quy mô đám đông.

“Tôi không cần nghệ sĩ. Tôi lấp đầy chỗ trống vì tôi đang làm cho nước Mỹ vĩ đại trở lại”, ông nói.

Ám ảnh bởi con số

Con số từ lâu đã là điều tối quan trọng với ông Trump. Là một ngôi sao truyền hình thực tế, ông bị ám ảnh với tỷ suất người xem. Trong một cuốn sách, cựu tổng thống từng viết: “Đặc điểm nào của tôi đã giúp người dẫn chương trình Larry King đạt được tỷ suất người xem cao nhất?".

Sự ám ảnh này thậm chí còn nghiêm trọng hơn khi ông bước vào chính trường. Ông Trump đã dành trọn ngày đầu tiên trở thành tổng thống để thuyết phục giới truyền thông rằng đám đông dự lễ nhậm chức của ông đông hơn cuộc tuần hành chính trị Women’s March. Trên thực tế, các chuyên gia cho biết cuộc tuần hành vào năm 2017 ở Washington có quy mô gấp gần ba lần số lượng khán giả tại lễ nhậm chức của ông Trump.

Trong mùa vận động tranh cử này, lượng người tới các cuộc mít tinh của ông Trump cao hơn bao giờ hết. Dù thời tiết nắng nóng hay giá lạnh, những người ủng hộ vẫn xếp hàng giờ trước đó để được nhìn thấy cựu tổng thống. Hai đối thủ trước đây, bà Hillary Clinton và ông Joe Biden, không bao giờ có thể cạnh tranh với ông Trump trên mặt trận này. Dẫu vậy, sẽ ra sao nếu đối thủ mới - bà Harris - có thể?

Bà Harris dự kiến có một cuộc vận động tại Philadelphia vào ngày 6/8. Tại đây, bà sẽ công bố “phó tướng”. Sau đó, phó tổng thống sẽ tổ chức các cuộc mít tinh ở phía tây Wisconsin; Detroit; Raleigh, Bắc Carolina; Savannah, Georgia; Phoenix; và Las Vegas.

 Sự kiện tại Atlanta, Georgia của bà Harris thu hút khoảng 10.000 người tham dự. Ảnh: New York Times.

Sự kiện tại Atlanta, Georgia của bà Harris thu hút khoảng 10.000 người tham dự. Ảnh: New York Times.

Tất cả đang bắt đầu làm ảnh hưởng tới tâm lý của ông Trump.

Tại Atlanta, những người đại diện của ông trấn an công chúng rằng cựu tổng thống vẫn là ứng viên sáng giá nhất.

"Tôi có thể cảm nhận được nguồn năng lượng. Lần này, hàng người dài hơn, đám đông lớn hơn”, Đại diện Mike Collins, thuộc đảng Cộng hòa bang Georgia, nói.

"Vẫn còn nhiều người đang đổ xô đến đây. Thật không thể tin được", Burt Jones, Phó thống đốc Georgia, cho biết.

Ông Trump tuyên bố nhân viên Georgia State University tổ chức sự kiện đã ngăn cản dòng người.

“Chúng tôi đã thiết lập những chiếc máy quay cho đám đông quá tải”, ông nói. Một màn hình lớn chiếu cảnh những người ủng hộ, đội mũ đỏ tụ tập bên ngoài dưới cái nóng 32 độ C.

Theo lời ông Trump, hành động này không phải vì vấn đề an toàn mà là một âm mưu chống lại ông, do trường đại học và các thế lực khác thực hiện.

"Nếu họ định cản trở công chúng đến cuộc vận động của chúng tôi, hãy tưởng tượng xem họ sẽ làm gì vào ngày bầu cử", ông nói.

Bất an

Ông Trump có lý do ám ảnh về quy mô đám đông. Cựu tổng thống dường như tin rằng một khán đài chật kín người là yếu tố dự báo chiến thắng, như thể những cử tri có mặt vào thời điểm đó đại diện cho cả nước Mỹ.

"Hãy nhìn vào tình yêu và sự reo hò, đây giống một cuộc thăm dò vậy”, ông Trump nói ở Atlanta. “Chúng ta có hàng nghìn người. Như vậy còn tốt hơn là phải ra ngoài kia và trả nửa triệu USD để một số người thăm dò ý kiến của 212 người".

Sau ba mươi phút phát biểu, ông lại bị phân tâm: "Có một số chỗ ngồi ngay trên đó, đáng nhẽ họ có thể cho thêm người vào”.

Ông phàn nàn về địa điểm tổ chức với Đại diện Marjorie Taylor-Greene, thuộc đảng Cộng hòa bang Georgia, người ngồi ở hàng ghế đầu: "Tôi không hài lòng với trường học này". Ông tuyên bố "họ không muốn thấy cảnh chúng ta thành công".

 Ông Trump tại sự kiện ở Georgia hôm 3/8. Ảnh: New York Times.

Ông Trump tại sự kiện ở Georgia hôm 3/8. Ảnh: New York Times.

Và sau đó, một lần nữa, ông lại quay lại chủ đề về bà Harris và số lượng người tham dự: "Bà ấy phải tìm tới giới nghệ sĩ. Họ bắt đầu rời đi khi bà ấy mở miệng”.

Dẫu vậy, nếu ngẩng đầu lên khỏi máy nhắc chữ vào bất kỳ thời điểm nào trong nửa sau của bài phát biểu dài 90 phút, ông Trump sẽ thấy có người ủng hộ rời khỏi ghế và đi ra ngoài.

Ở một mức độ nào đó, cảnh tượng này xảy ra ở mọi cuộc mít tinh. Mọi người rời đi giữa chừng liên quan nhiều hơn tới việc họ có thể dành bao nhiêu thời gian cho sự kiện, thay vì bất mãn với thông điệp diễn giả đưa ra. Những người ủng hộ xuất hiện, chụp ảnh người đàn ông đang nói đăng lên Facebook. Khi cảm thấy ông Trump bắt đầu chuyển sang chuyện phiếm, họ cảm thấy đủ và quyết định sẽ đi ăn.

Tuy nhiên, sau một giờ phát biểu, đám đông ở Atlanta ra về nhiều hơn bình thường. Ông Trump thường để đám đông chờ đợi một giờ hoặc lâu hơn sau giờ bắt đầu dự kiến. Những hàng ghế xanh ở phía xa trống ngày càng nhiều, và những người đứng gần sân khấu nhất cũng bắt đầu rời đi.

Màn trình diễn của bà Harris tại cùng địa điểm có gì đó khiến ông Trump "đứng ngồi không yên". Cựu tổng thống đang tìm kiếm những ngày vinh quang như trong lần đầu tranh cử, khi các cuộc mít tinh sôi động của ông là điềm báo cho một chiến thắng vang dội sắp tới. Ông Trump nói việc nhìn thấy hai nghệ sĩ rap mở màn tại sự kiện của bà Harris gợi nhắc ông tới bà Hillary Clinton.

“Bà ấy lấy ý tưởng từ Hillary. Hillary có Bruce Springsteen, tôi sẽ không bao giờ quên, và sự kiện đó khá đông người”, ông nói.

“Không đông như chúng ta”, ông nhanh chóng nói thêm. “Tôi không có đàn guitar. Nhưng nơi của chúng ta lớn hơn, chúng ta có nhiều người hơn bất kỳ ai”.

Phương Linh

Nguồn Znews: https://znews.vn/con-so-khien-ong-trump-dung-ngoi-khong-yen-post1490086.html
Zalo