Con rắn gắn với nhà nông, đồng ruộng
Trong rất nhiều câu chuyện cổ tích, con rắn thường được gắn với cái ác, cái dữ. Có lẽ vì vậy mà con người đã thần thánh hóa loài rắn, thờ cúng rắn như một vị thủy thần, với tín ngưỡng cổ xưa là tục thờ thủy thần. Đối với người dân vùng sông nước Tây Nam Bộ, loài rắn lại rất gần gũi trong đời sống và gắn với không ít chuyện ly kỳ.
Trong mười hai con giáp, rắn thuộc con giáp thứ sáu (Tỵ) và là động vật hoang dã, tồn tại trong tự nhiên. Người dân vùng Đồng bằng sông Cửu Long không xem rắn là loài ác, ngược lại nó rất gần gũi với đời sống con người, dù rắn có nọc độc, cực độc.
CÓ CHUỘT, ĐÃ CÓ RẮN DIỆT TRỪ
Thực phẩm khoái khẩu của rắn chính là chuột. Ở vùng đồng bằng, nhất là vùng trồng lúa như ở các tỉnh miền Tây Nam Bộ, loài chuột xuất hiện rất nhiều, bởi một lý do khá đơn giản: món ngon của chuột là lúa, món khoái khẩu của rắn lại là chuột.
Những năm cuối thập niên 1990 của thế kỷ trước, ở các tỉnh miền Tây Nam Bộ rộ lên phong trào săn bắt rắn rất sôi động. Người dân săn bắt rắn về làm thịt, làm thuốc. Rắn bán qua biên giới, lúc đó, người buôn rắn ra giá mỗi con rắn là bao nhiêu tiền, tùy theo trọng lượng hoặc giống loài. Khi người vùng sông nước lao vào cuộc săn lùng rắn ráo riết vì lợi nhuận thì tai họa lại ập đến. Loài chuột sinh sôi nẩy nở nhiều vô kể, chúng tàn sát, phá hoại mùa màng, chúng cắn gãy thân lúa và chỉ cần một vài đêm, thậm chí chỉ qua một đêm, lũ chuột đã có thể “san bằng” một khoảnh ruộng lúa lớn đang chín vàng..
Khi con người nhận thức được sự nguy cấp trên đồng ruộng, họ đã kịp dừng tay không bắt rắn nữa, thậm chí còn thả rắn về ruộng. Rắn thực sự là bạn của nhà nông chứ không phải kẻ thù hoặc món khoái khẩu. Người nông dân đã ý thức được một vấn đề hệ trọng đối với nghề trồng lúa là duy trì loài rắn để diệt chuột theo quy luật cân bằng sinh thái.
Ở đồng ruộng miền Tây, loài rắn phổ biến là hồ ri (hồ ri cá, hồ ri voi/doi), rắn nước, lục, trung, bông súng, hổ hành, hổ ngựa, hổ đất, mai gầm. Phổ biến và nhiều nhất là rắn nước, hồ ri, bông súng... Phần lớn chúng ít nọc độc hoặc nọc độc ít nguy hiểm, có loài không có nọc độc như rắn nước, hồ ri, bông súng. Theo tự nhiên và cả trong kinh nghiệm, rắn thường không tấn công người. Chỉ khi bị tấn công, rắn mới phản ứng tự vệ. Đối với người nông dân miệt sông nước, rắn không phải là kẻ thù, hay là loài vật đáng sợ, đáng ghét.
RẮN CÓ ÍCH TRONG DƯỢC PHẨM
Thành ngữ “Dĩ độc trị độc” (Lấy độc trị độc) - với ý nghĩa lấy thuốc có chất độc để chữa bệnh ác tính. Lấy cái xấu để trị cái xấu, dùng cái ác để trị cái ác đã được Trung tâm Nuôi trồng, nghiên cứu, chế biến dược liệu trực thuộc Cục Hậu cần Quân khu 9 (Trại rắn Đồng Tâm) là “bảo tàng rắn” đầu tiên tại Việt Nam, đã ứng dụng thành công, phục vụ nhu cầu cung cấp dược liệu đặc chủng.
Thời chiến tranh 1955 - 1975, khu vực Đồng Tâm (thuộc xã Đồng Tâm, huyện Châu Thành, tỉnh Tiền Giang ngày nay) được gọi là “Vành đai trắng”, đó là vùng hứng chịu nhiều bom đạn. Lúc bấy giờ, cứ đến mùa mưa là rắn len lỏi vào rừng, vào nơi sinh sống của người dân, trở thành hiểm họa khó lường. Rừng rậm, đất hoang phế, rắn phát triển rất nhiều, nhất là rắn độc như hổ mang, cạp nia, lục đầu đỏ. Khi bị rắn độc cắn, việc điều trị chủ yếu chỉ dựa vào phương pháp dân gian. Nếu có giữ được tính mạng thì cũng để lại nhiều di chứng.
Năm 1977, cố bác sĩ quân y trung tá Trần Văn Dược (ông Tư Dược, tên thân thương mà người dân Nam Bộ gọi ông) đã đưa ra ý tưởng thành lập đội cứu thương, chữa trị cho những người bị rắn độc cắn. Đến năm 1979, Khoa cấp cứu ra đời và hình thành Trại rắn Đồng Tâm. Tính tới nay đã 46 năm trôi qua, những quân y sĩ ở Trại rắn Đồng Tâm đã dùng huyết thanh nọc rắn cứu sống hàng chục ngàn người bị rắn cắn ở các tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long và cả nước, trung bình khoảng 1.000 ca/năm. Hy hữu có cả trường hợp khi bệnh nhân được đưa đến khoa điều trị đã ngừng thở vì nọc độc xâm nhập vào máu làm tim ngừng đập nhưng vẫn được cứu sống.
Trại rắn Đồng Tâm được ví là “vương quốc” của các loài rắn ở Việt Nam. Nơi đây bảo tồn hàng nghìn con rắn thuộc hơn 50 loài khác nhau; trong đó có nhiều loài rắn cực độc, cực hiếm, đang có nguy cơ tuyệt chủng. Tại “vương quốc” rắn, hiện đang lưu giữ hơn 40 tiêu bản của các loài rắn quý hiếm, có khu điều trị đặc biệt cho người bị rắn cắn.
Trại rắn Đồng Tâm còn là điểm đến du lịch độc đáo, hấp dẫn du khách trong và ngoài nước. Thống kê năm 2023, Trại rắn Đồng Tâm đón gần 200.000 lượt khách trong nước và quốc tế đến tham quan, nghiên cứu. Trong những ngày Tết Nguyên đán, nơi đây đón mỗi ngày từ 4.000 - 5.000 lượt khách.
Những người thầy thuốc từng vào sinh ra tử với đồng đội, đã thuần hóa biết bao loài rắn độc hoang dã nơi “rừng thiêng, nước độc”. Họ chính là những “thiên thần” giành giật lại sự sống cho những nạn nhân giữa lằn ranh sống và chết.
CHUYỆN RẮN KỂ MÃI KHÔNG HẾT
Rắn trong những câu chuyện nhiều vô kể. Chuyện truyền miệng có, chuyện như truyện cổ tích cũng có, chuyện từ những nhân chứng sinh động cũng không thiếu... Chuyện về rắn khổng lồ, đầy tính chất ly kỳ ở vùng núi Thất Sơn (vùng Bảy Núi) thuộc vùng bán sơn địa ở hai huyện Tri Tôn và Tịnh Biên (tỉnh An Giang), từng được kể lại và thêu dệt thành những giai thoại trào phúng pha lẫn chút thần bí.
Ông Ba Lưới (tên thật Nguyễn Văn Y) là một “huyền thoại sống” của vùng Thất Sơn kỳ bí. Ông sống hơn một thế kỷ và mới mất cách nay khoảng 6 năm. Ông là một đạo sĩ nổi tiếng cuối cùng của vùng Bảy Núi, từng đánh nhau với cọp dữ nơi rừng thiêng Núi Cấm, Thế nhưng ấn tượng nhất là ông từng chạm trán với con rắn hổ mây khổng lồ nặng khoảng 20 - 30 kg.
Lúc đó, hổ mây tấn công đạo sĩ bằng miếng “võ rắn” dũng mãnh. Nhanh như cắt, ông Ba Lưới tung mình lách ngang, trong gang tấc tránh được đòn “mãnh xà xuất động” của chằn tinh vô cùng hiểm hóc. “Ăn miếng trả miếng”, vị đạo sĩ Cấm Sơn đã dùng thế võ “bình phong lạc nhạn”, rồi dùng dao quắm chém bay đầu con mãng xà dữ tợn như trong truyện Thạch Sanh.
Có những con xà tinh hay chằn tinh (dân gian tin rằng rắn khổng lồ tu luyện thành tinh nên rất linh) to như cây cột đình, nặng cả trăm ký và dài tới mấy chục thước tây. Cũng theo lời kể của nhiều già làng còn sống trong vùng Cấm Sơn, dân địa phương đã có người đụng độ với mãng xà tinh, rắn hổ mây khổng lồ nặng ngót nghét 300 kg. Với trọng lượng này, nó đủ sức nuốt chửng năm người lớn.
Một chuyện khác về rắn khổng lồ, cũng không kém phần ly kỳ. Đình Rắn ở xã Định Thủy, huyện Mỏ Cày Nam, tỉnh Bến Tre hiện là một di tích lịch sử - văn hóa độc đáo, từng gây sự tò mò, khám phá cho nhiều người với nhiều giai thoại đầy bí ẩn. Dân địa phương nói ngôi đình đã có trên 150 năm tuổi. Các cụ hồi đó kể lại rằng chỗ này trước kia có cặp rắn thần mình to như cái chum, dài trên 20 thước tây. Rắn thần đi rạp lúa, ăn thịt những con ác thú như hổ báo, hùm beo và bảo hộ cho dân làng.
Khoảng năm 1965, lúc chiến tranh ở Miền Nam đã đến hồi ác liệt, người dân Định Thủy (“cái nôi” Đồng Khởi) tản cư gần hết, chỉ còn lại lực lượng vũ trang bám trụ. Đình Rắn là nơi thường xuyên diễn ra những cuộc họp của cán bộ… Người ta đồn là cặp rắn thần ngày xưa đã trở về. Nhiều người quả quyết đã thấy cặp rắn thần độ hộ này, nhưng thường chỉ một mình thấy. Về sau cặp rắn thần đã về lại rừng lớn, sau ngày đất nước thống nhất.
Rắn giống như những người bạn nhà nông khi giúp họ đuổi chuột đồng. Rắn độc khi cắn phải người, nhưng cũng chính nọc độc của nó lại cứu sống người...
Nội dung đầy đủ của bài viết được đăng tải trên Tạp chí Kinh tế Việt Nam số 4+5-2025 phát hành ngày 27/1/2025. Kính mời Quý độc giả tìm đọc tại đây:
https://postenp.phaha.vn/tap-chi-kinh-te-viet-nam/detail/1194