Còn nhiều việc phải làm
Bộ Nội vụ vừa công bố kết quả xếp hạng Chỉ số cải cách hành chính (PAR INDEX) và Chỉ số hài lòng của người dân đối với sự phục vụ của cơ quan hành chính nhà nước (SIPAS) năm 2024 của UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương. Điều đáng nói là điểm thành phần SIPAS của tỉnh đã tăng rất cao nhờ ứng dụng công nghệ thông tin.
Ứng dụng công nghệ thông tin trong cải cách hành chính
Chỉ số hài lòng của người dân đối với sự phục vụ của cơ quan hành chính nhà nước (SIPAS) của tỉnh có sự bứt phá ấn tượng. Với 85,08%, tỉnh vươn lên vị trí thứ 17/63 tỉnh, thành phố, tăng 9 bậc và 2,5 điểm so với năm 2023.
Với mục tiêu lấy doanh nghiệp, người nộp thuế làm trung tâm, là động lực trong việc thực hiện cải cách hành chính, Chi cục Thuế khu vực VII địa bàn tỉnh Tuyên Quang đã không ngừng đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, triển khai các ứng dụng thuế điện tử, nâng cao hiệu quả giải quyết thủ tục hành chính, qua đó từng bước đáp ứng được yêu cầu quản lý thuế hiện đại, phục vụ tốt nhất người dân và doanh nghiệp.
Đại diện Văn phòng Chi cục Thuế khu vực VII địa bàn tỉnh Tuyên Quang cho biết: Trước đây các thủ tục: Kê khai thuế, hoàn thuế, nộp thuế… người dân, doanh nghiệp phải đến trụ sở ngành thuế để thực hiện. Song hiện nay với dịch vụ thuế điện tử giúp giảm chi phí tài chính, tiết kiệm thời gian cho cả đôi bên trong việc in, phát hành, gửi và lưu trữ về tờ khai giấy.
Anh Vũ Anh Tuấn, thôn Kim Xuyên, xã Hồng Lạc (Sơn Dương) phấn khởi cho biết: Ngành thuế triển khai dịch vụ điện tử tạo thuận lợi rất nhiều cho người dân khi thực hiện các nghĩa vụ tài chính với Nhà nước, đặc biệt đối với những người dân ở xa trung tâm như anh. Theo anh Tuấn, anh làm doanh nghiệp, thường xuyên đi công tác xa, trước đây khi có thông báo thuế anh thường phải đến tận địa điểm để nộp còn hiện nay việc kê khai, nộp đều đã được thực hiện trên môi trường mạng.

Người dân thực hiện các thủ tục hành chính tại Trung tâm Hành chính công của tỉnh.
Không riêng ngành Thuế, ngành Tài chính cũng đã và đang đẩy mạnh công nghệ thông tin nhằm mang lại sự hài lòng cho người dân, doanh nghiệp. Chị Nguyễn Thị Thanh, chuyên viên Phòng Kinh tế ngành, Sở Tài chính cho biết: Hồ sơ thẩm định của doanh nghiệp nay đã được giảm bớt đầu mối, như trước đây phải chuyển hồ sơ đến sở có liên quan đến giao thông, xây dựng phải chuyển cho 2 sở thì nay chỉ phải chuyển đến 1 đầu mối. Ngoài giảm bớt đầu mối, ngành cũng theo dõi sát tiến độ xử lý hồ sơ trên hệ thống, nếu sở, ngành nào chậm đơn vị có công văn đôn đốc kịp thời.
Không chỉ riêng ngành Thuế, Tài chính, nhiều cơ quan, đơn vị cũng quyết liệt thực hiện các giải pháp nhằm đổi mới, đơn giản bớt các thủ tục hành chính, phục vụ người dân và doanh nghiệp. Theo báo cáo của UBND tỉnh, hiện nay, trên địa bàn đang áp dụng 12 sáng kiến, giải pháp trong thực hiện các thủ tục hành chính, trong đó, có việc lồng ghép việc công bố danh mục thủ tục hành chính (TTHC). Các nội dung gồm: Thực hiện tại Bộ phận Một cửa; thực hiện qua dịch vụ bưu chính công ích... Công khai kịp thời số điện thoại của công chức, viên chức tiếp nhận, giải quyết TTHC trên Hệ thống thông tin giải quyết TTHC tỉnh, Website của cơ quan, đơn vị, trụ sở tiếp nhận, giải quyết TTHC. Công khai danh sách cán bộ, công chức, viên chức của cơ quan, đơn vị khi để xảy ra chậm giải quyết TTHC hoặc gây phiền hà cho người dân, tổ chức trong quá trình giải quyết TTHC.
Quyết tâm cải thiện vị trí
Chỉ số cải cách hành chính (PAR INDEX) tỉnh Tuyên Quang năm 2024 đạt 88,07% (xếp thứ 40/63 tỉnh, thành phố), tăng 2,07% so với mục tiêu Đề án đẩy mạnh cải cách hành chính, xây dựng Chính quyền điện tử hướng tới Chính quyền số tỉnh Tuyên Quang giai đoạn 2021 - 2025, định hướng đến năm 2030. Tuy nhiên việc cải cách hành chính của tỉnh vẫn còn những hạn chế cần phải khắc phục. Theo kết quả xếp hạng Chỉ số hài lòng của người dân đối với sự phục vụ của cơ quan hành chính nhà nước năm 2024 và Chỉ số cải cách hành chính (CCHC) năm 2024 của UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương vừa được Bộ Nội vụ công bố, chỉ số tổng hợp PAR INDEX của Tuyên Quang xếp thứ 40/63 tỉnh, thành phố với điểm số 88,07%. Như vậy, so với năm 2023, vị trí của tỉnh đã giảm 24 bậc trong bảng xếp hạng Chỉ số cải cách các tỉnh, thành phố; giảm 0,39 điểm.
Đồng chí Nguyễn Văn Việt, Ủy viên BCH Đảng bộ tỉnh, Giám đốc Sở Nội vụ cho biết: Quyết tâm cải thiện vị trí trong bảng xếp hạng PAR INDEX, tỉnh đã và đang thực hiện đồng bộ các giải pháp, trong đó tập trung đẩy mạnh truyền thông và nâng cao nhận thức về CCHC để người dân và doanh nghiệp hiểu rõ hơn về các chủ trương, chính sách và tham gia tích cực vào quá trình này.
Trên cơ sở đó, tỉnh cũng tăng cường tính thực chất và hiệu quả của việc triển khai các nhiệm vụ CCHC, đảm bảo các giải pháp mang lại lợi ích thiết thực cho người dân và doanh nghiệp. Sở Khoa học và Công nghệ hoàn thành thuộc lĩnh vực xây dựng và phát triển Chính quyền điện tử, Chính quyền số; tiếp tục đầu tư vào ứng dụng công nghệ thông tin để nâng cao hiệu quả giải quyết TTHC và cung cấp dịch vụ công trực tuyến chất lượng cao...
Với những giải pháp đồng bộ và quyết tâm cao, kỳ vọng sẽ khắc phục được những tồn tại, phát huy những điểm mạnh, tiếp tục nâng cao chất lượng phục vụ hành chính và cải thiện thứ hạng PAR INDEX trong những năm tới, xứng đáng với sự tin tưởng và hài lòng ngày càng tăng của người dân.