Còn nhiều tranh cãi về dự thảo nghị định mua bán hàng hóa qua Sở giao dịch hàng hóa

Theo giới chuyên môn, dự thảo hoạt động mua bán hàng hóa qua Sở GDHH có khá nhiều vấn đề gây tranh cãi, đặc biệt là về quan điểm quản lý, về cách tiếp cận và sau đó là cách chuyển hóa các quan điểm, cách tiếp cận đó thành các quy định cụ thể.

Bộ Công thương đang xây dựng dự thảo nghị định về hoạt động mua bán hàng hóa qua sở giao dịch hàng hóa.

Theo Bộ Công thương, để đồng bộ với quy định của pháp luật hiện hành cần thiết phải sửa đổi bổ sung các Nghị định quy định về hoạt động mua bán hàng hóa qua Sở giao dịch hàng hóa.

Bên cạnh đó, quá trình thực hiện các văn bản quy phạm pháp luật về hoạt động mua bán hàng hóa qua Sở giao dịch hàng hóa cũng đã bộc lộ nhiều bất cập, vướng mắc, chồng chéo cần giải quyết.

Hơn nữa, Việt Nam đã tham gia và đàm phán, ký kết nhiều FTA ở cả cấp độ song phương và đa phương, dẫn tới nhu cầu về việc xây dựng các hệ thống trung gian giao dịch cho hàng hóa xuất nhập khẩu với thị trường quốc tế.

Vì vậy, nhu cầu cấp thiết đặt ra đòi hỏi các quy định pháp luật về mua bán hàng hóa qua Sở giao dịch hàng hóa hiện hành cần được sửa đổi, bổ sung quy định về quản lý hoạt động này cho phù hợp với quy định pháp luật hiện hành có liên quan và sự phát triển của thị trường trong giai đoạn hiện nay.

Mục tiêu chung của Bộ Công thương là kiến tạo không gian phát triển mới cho lĩnh vực mua bán hàng hóa qua Sở giao dịch hàng hóa trên cơ sở hài hòa lợi ích, chia sẻ rủi ro.

Bộ Công thương hướng đến Sở giao dịch hàng hóa cần có hàng thật để giao dịch (Ảnh minh họa).

Bộ Công thương hướng đến Sở giao dịch hàng hóa cần có hàng thật để giao dịch (Ảnh minh họa).

Còn nhiều vấn đề gây tranh cãi

Góp ý cho dự thảo nghị định, bà Vũ Thu Thủy, Phó tổng giám đốc Sở Giao dịch Hàng hóa Việt Nam (MXV) cho rằng, dự thảo cũng có khá nhiều vấn đề còn gây tranh cãi, đặc biệt là về quan điểm quản lý, về cách tiếp cận và sau đó là cách chuyển hóa các quan điểm, cách tiếp cận đó thành các quy định cụ thể.

Về quan điểm quản lý, bà Thủy cho hay, theo kinh nghiệm quốc tế và thực tiễn hoạt động ở Việt Nam cho thấy giao dịch hàng hóa qua Sở GDHH có nhiều ưu điểm và đang trở thành xu hướng chung ở nhiều nước trên thế giới.

Có thể kể đến ưu điểm như, thị trường hoàn toàn minh bạch, không có hiện tượng thao túng giá; tính thanh khoản cao (khi các lệnh giao dịch được đẩy trực tiếp lên các Sở Giao dịch ở nước ngoài); đa dạng mặt hàng và các loại hợp đồng kỳ hạn được giao dịch; giao dịch điện tử 24 giờ mỗi ngày, từ 4h sáng thứ Hai đến 4h sáng thứ Bảy hàng tuần; vừa là kênh bảo hiểm giá nguyên liệu đầu vào cho các doanh nghiệp, vừa là kênh đầu tư hiệu quả đối với các nhà đầu tư

Tuy nhiên, ở Việt Nam, dường như hoạt động mua bán hàng hóa qua Sở giao dịch hàng hóa chưa được khuyến khích, thúc đẩy phát triển.

"Nói điều này là bởi lĩnh vực này không có bất kỳ một chiến lược, quy hoạch phát triển nào, khung pháp lý cao nhất cho hoạt động này là Luật Thương mại đã được ban hành từ cách đây 20 năm, thậm chí đến việc ghi nhận sự hiện diện tồn tại của hoạt động Sở GDHH thông qua chỉ tiêu thống kê của ngành Công thương tại Thông tư số 33 năm 2022 cũng không có 1 dòng, 1 chỉ tiêu nào về hoạt động Sở GDHH trong tổng số 95 chỉ tiêu.

Điều này cho thấy cái khó của chúng tôi khi phải chịu khá nhiều thiệt thòi, phải loay hoay hoạt động trên thị trường và nhiều khi còn bị mang tiếng tự tung tự tác (mặc dù bảo đảm không vi phạm các quy định của pháp luật. Ví dụ: Việc Sở GDHH đang làm công tác tập huấn, bồi dưỡng nghiệp vụ chuyên môn cho thị trường)", bà Thủy băn khoăn.

Chuyên gia kinh tế Ngô Trí Long.

Chuyên gia kinh tế Ngô Trí Long.

Còn về cách tiếp cận, theo đại diện MXV, đây là lĩnh vực được học tập từ các nước phát triển (Mỹ, Anh, Châu Âu, Nhật, Singapore), được đưa về Việt Nam và giao dịch với thị trường nước ngoài.

Do vậy, thiết nghĩ công tác quản lý và vận hành thị trường này ngoài việc phải bảo đảm tính phù hợp đặc thù của Việt Nam thì cũng rất cần tính phù hợp với quy định cũng như thông lệ hoạt động của quốc tế.

Theo đánh giá chung của xã hội cũng như từ các chuyên gia kinh tế, hoạt động mua bán hàng hóa qua Sở GDHH là một lĩnh vực khá thú vị, nhưng cũng khá là khó tính, khó tiếp cận và cần thời gian đối với cả cơ quan quản lý, doanh nghiệp và nhà đầu tư, khách hàng để làm quen, vận hành và điều chỉnh nó.

Vì thế, cách tiếp cận cũng cần có các bước đi phù hợp với từng giai đoạn phát triển của thị trường, cần nhìn vấn đề một cách đa diện, nhiều chiều từ thực tiễn hoạt động tại thị trường Việt Nam cũng như từ kinh nghiệm quốc tế nhằm bảo đảm hài hòa lợi ích của Nhà nước (trong trách nhiệm quản lý) - Lợi ích của Doanh nghiệp (trong hoạt động kinh doanh) - và lợi ích của khách hàng (trong hoạt động đầu tư), thay vì tập trung quá mức vào một nhóm đối tượng nào đó.

Quy định quá chung chung, mơ hồ

Chuyên gia kinh tế Ngô Trí Long góp ý, nhiều yêu cầu bất hợp lý, không khả thi đặt ra cho doanh nghiệp.

Ví dụ, điểm d khoản 9 Điều 11 (Hồ sơ đề nghị thành lập Sở giao dịch hàng hóa) còn yêu cầu ngay từ trước khi thành lập Sở, doanh nghiệp đã phải đề ra "biện pháp ngăn ngừa hành vi lạm dụng vị trí độc quyền, vị trí thống lĩnh thị trường, cạnh tranh không lành mạnh trên thị trường hàng hóa và các thị trường liên quan".

Điểm c Khoản 2 Điều 65 (Thông báo niêm yết hàng hóa thông thường) và điểm c khoản 2 Điều 66 yêu cầu trong hồ sơ thông báo niêm yết phải có: "Báo cáo đánh giá tác động trên thị trường của hàng hóa dự kiến niêm yết: đảm bảo cung cầu hàng hóa trong nước, thúc đẩy xuất khẩu hàng hóa nông sản, biện pháp chống đầu cơ, thao túng giá và tác động thúc đẩy cạnh tranh".

Trong khi quy định này vô cùng khó xác định vì quá chung chung, mơ hồ và hoàn toàn không khả thi đối với doanh nghiệp. Trách nhiệm đánh giá những tác động của hàng hóa đến thị trường và thúc đẩy cạnh tranh đang được Luật giao cho cơ quan quản lý nhà nước (để đảm bảo tính toàn diện, chính xác), không phải doanh nghiệp.

Cũng theo ông Long, đối với sự tham gia của nhà đầu tư nước ngoài tại Điều 85, 86, 87 của dự thảo, các quy định được đưa ra không thống nhất với pháp luật đầu tư, pháp luật doanh nghiệp, thậm chí gây ra sự chồng chéo, mâu thuẫn.

"Việc góp vốn, mua cổ phần, phần góp vốn của nhà đầu tư nước ngoài ở trong lĩnh vực mua bán hàng hóa qua Sở giao dịch hàng hóa hiện được điều chỉnh bởi Luật Đầu tư (Phụ lục IV), với điều kiện về tỷ lệ sở hữu vốn góp, cổ phần của nhà đầu tư nước ngoài tại Sở giao dịch hàng hóa là 49% (theo Nghị định 51/2018/NĐ-CP).

Dự thảo Nghị định điều chỉnh giảm tỷ lệ này xuống mức 30%, đồng thời yêu cầu các thủ tục về đầu tư nước ngoài vào Sở GDHH và thành viên của Sở GDHH phải thực hiện theo quy định của Luật Cạnh tranh", ông Long nói và cho rằng, đây là một sự chồng chéo, vi phạm nghiêm trọng quy định của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật khi phạm vi điều chỉnh của Luật Cạnh tranh không điều chỉnh các vấn đề về đầu tư nước ngoài trong lĩnh vực mua bán hàng hóa qua Sở GDHH.

Vì vậy, chuyên gia này kiến nghị cơ quan chủ trì soạn thảo rà soát, nghiên cứu để bỏ các quy định không thuộc phạm vi quy định chi tiết Luật Thương mại, đồng thời điều chỉnh các quy định để bảo đảm sự thống nhất, đồng bộ của hệ thống pháp luật Việt Nam nói chung và pháp luật về mua bán hàng hóa qua Sở giao dịch hàng hóa nói riêng.

Chuyên gia Ngô Trí Long cũng kiến nghị chấm dứt hiệu lực của Thông tư 40 năm 2016 về hoạt động cung ứng các sản phẩm phái sinh giá cả hàng hóa của các ngân hàng thương mại.

Bởi lẽ, hiện nay các ngân hàng thương mại đang hoạt động như đại lý của SGDHH nước ngoài trên cơ sở quy định của Thông tư 40 năm 2016 thực hiện các nghiệp vụ tương tự như thành viên kinh doanh, thành viên môi giới của Sở Giao dịch hàng hóa, nhưng không bị điều chỉnh bởi Luật Thương mại và các quy định của nghị định 158, nghị định 51 hiện hành.

Điều này tạo sự bất bình đẳng giữa các ngân hàng thương mại và doanh nghiệp là thành viên của Sở giao dịch hàng hóa.

Ngọc Diệp

Nguồn Giao Thông: https://www.baogiaothong.vn/con-nhieu-tranh-cai-ve-du-thao-nghi-dinh-mua-ban-hang-hoa-qua-so-giao-dich-hang-hoa-192241001221703874.htm
Zalo