Nghĩ từ cột mốc 9 triệu lượt khách du lịch
Ngành Du lịch tỉnh vừa tổ chức đón vị khách thứ 9 triệu đến Khánh Hòa trong năm 2024. Đó là bà An Jin Yeong đến từ Hàn Quốc (thị trường khách quốc tế lớn nhất hiện nay của du lịch xứ Trầm Hương). Với 9 triệu lượt khách, trong đó có khoảng 3,6 triệu lượt khách quốc tế, du lịch Khánh Hòa đã hoàn thành chỉ tiêu đón khách năm 2024 trước 3 tháng. Hiện tại, doanh thu du lịch 9 tháng ước tính hơn 44.138 tỷ đồng (vượt 10% kế hoạch năm 2024). Để có được thành tích đó, tỉnh Khánh Hòa, trực tiếp là ngành Du lịch đã có nhiều nỗ lực trong xây dựng sản phẩm, chủ động đẩy mạnh xúc tiến - quảng bá thu hút khách trong nước và quốc tế, tổ chức nhiều chương trình kích cầu du lịch (điển hình là Lễ hội Vịnh ánh sáng quốc tế Nha Trang 2024). Vị thế du lịch Nha Trang - Khánh Hòa ngày càng được nâng cao, thị trường khách quốc tế ngày càng mở rộng. Sau các thị trường khách du lịch Hàn Quốc, Trung Quốc, Nga, Thái Lan, Malaysia, Kazakhstan, Uzbekistan..., sắp tới, du lịch tỉnh sẽ có thêm các chuyến bay charter từ Ba Lan đến Cam Ranh.
9 triệu lượt khách là dấu mốc đáng phấn khởi của ngành Du lịch Khánh Hòa. Sự kiện này đã tạo nên niềm tin, khí thế mới cho ngành Du lịch của tỉnh. Trước mắt, Sở Du lịch hướng đến mục tiêu đón 10 triệu lượt khách trong năm 2024. Tuy nhiên, bức tranh du lịch Khánh Hòa không chỉ có màu hồng. Thực tế cho thấy, hoạt động du lịch của tỉnh vẫn còn những hạn chế nhất định. Trước hết, về mặt sản phẩm, dù đã cố gắng điều chỉnh song đến nay, Nha Trang - Khánh Hòa chưa phát triển mạnh về dịch vụ mua sắm, giải trí về đêm, việc phát huy giá trị di sản trong du lịch vẫn còn hạn chế; các điểm du lịch cộng đồng, du lịch nông nghiệp… phát triển vẫn còn manh mún, đa phần chỉ ở dạng tiềm năng. Bên cạnh đó, thị trường khách quốc tế của tỉnh vẫn có sự mất cân đối, khi lượng khách Hàn Quốc chiếm đến gần 50% lượng khách quốc tế của tỉnh; các thị trường khách được đánh giá có tiềm năng lớn như: Úc, Ấn Độ vẫn chưa có chuyến bay thẳng; thị trường khách Nhật Bản chỉ có vài chuyến bay charter. Ngoài ra, việc chuyển đổi số trong hoạt động du lịch vẫn còn chậm; chất lượng nhân lực du lịch chưa cao, thiếu nhân lực biết tiếng Hàn, tiếng Trung...
Để đáp ứng nhu cầu ngày càng đa dạng của du khách, du lịch Khánh Hòa cần đa dạng hóa và nâng cao chất lượng sản phẩm du lịch. Bên cạnh thế mạnh du lịch biển đảo, du lịch nghỉ dưỡng, Khánh Hòa cần đẩy mạnh phát triển du lịch cộng đồng, du lịch nông nghiệp, du lịch chăm sóc sức khỏe, du lịch thể thao… Đặc biệt, Nha Trang - Khánh Hòa cần có trung tâm mua sắm miễn thuế để phục vụ khách hạng sang. Đồng thời, ngành Du lịch cũng cần đẩy mạnh xúc tiến quảng bá, phối hợp với ngành hàng không để mở các đường bay đến các thị trường mới để đa dạng hóa nguồn khách; có giải pháp để thu hút khách Trung Quốc, Nga quay trở lại. Ngành Du lịch cũng cần đẩy mạnh hơn nữa việc chuyển đổi xanh, hạn chế rác thải nhựa trong hoạt động du lịch… để hướng du lịch đến phát triển bền vững.
Có quá nhiều điều để nói, nhiều điều cần phải làm để hướng du lịch Nha Trang - Khánh Hòa phát triển bền vững. Tuy nhiên, điều quan trọng hơn hết là cùng với sự tăng trưởng về “lượng” cần hướng đến sự chuyển đổi về “chất”. Du lịch Khánh Hòa cần phải phát triển sản phẩm chất lượng cao, thu hút được dòng khách chi tiêu cao đem lại lợi nhuận cao nhất cho du lịch, tạo nhiều việc làm, đóng góp nhiều hơn cho ngân sách nhà nước. Khi ấy, du lịch mới thực sự là ngành kinh tế mũi nhọn, góp phần quan trọng vào việc đưa Khánh Hòa trở thành thành phố trực thuộc Trung ương theo Nghị quyết số 09 của Bộ Chính trị về xây dựng, phát triển tỉnh Khánh Hòa đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.