Con người là yếu tố then chốt trong thúc đẩy kinh tế số

Theo các chuyên gia, để cải thiện hạ tầng số, tăng tốc thúc đẩy kinh tế số địa phương nói riêng và cả nước nói chung, yếu tố quan trọng nhất chính là con người. Khi người đứng đầu có kinh nghiệm triển khai dự án, kỹ năng số, họ sẽ quyết định được việc đầu tư vào hạ tầng, giải pháp, công nghệ, đưa toàn bộ tổ chức đó triển khai thành công.

Nguồn: Bộ TT&TT. Đồ họa: Văn Chung

Nguồn: Bộ TT&TT. Đồ họa: Văn Chung

Kinh tế số đang phát triển rất nhanh

Chia sẻ tại Hội thảo chuyên đề về Giải pháp, hạ tầng số - nền tảng thúc đẩy kinh tế số và phát triển bền vững vừa diễn ra trong khuôn khổ Hội nghị Thành phố thông minh Việt Nam - châu Á 2024, ông Trần Minh Tuấn - Vụ trưởng Vụ Kinh tế số và Xã hội số - Bộ Thông tin và Truyền thông (TT&TT) cho biết, ngành kinh tế số của Việt Nam nhìn chung phát triển khá đồng đều, tuy nhiên còn tập trung chủ yếu trong lĩnh vực công nghiệp công nghệ số lõi, trong khi đó, kinh tế số các ngành lĩnh vực là không gian phát triển cực kỳ tiềm năng.

KINH TẾ SỐ SẼ CHIẾM 20% GDP VÀO NĂM 2025

Tại Việt Nam, Chính phủ đặt mục tiêu đến năm 2025, kinh tế số sẽ chiếm 20% GDP và đến năm 2030 đạt trên 30% GDP. Để đạt được mục tiêu này, cần ưu tiên phát triển hạ tầng công nghệ thông tin, đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao và hoàn thiện khung pháp lý để tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực này.

Theo ông Tuấn, nền kinh tế số Việt Nam thời gian qua đã phát triển nhanh chóng, với tốc độ tăng trưởng trung bình 20%/năm, gấp 3 lần tốc độ phát triển GDP quốc gia. Ước tính của Bộ TT&TT cho thấy, trong năm 2024, tỷ trọng kinh tế số/GDP đạt 18,3%, trong đó, doanh thu lớn nhất là từ công nghiệp ICT với khoảng 150 tỷ USD. Nhóm các ngành đóng góp lớn nhất là thương mại điện tử (khoảng 30%), nội dung số (khoảng 10%) và tài chính, ngân hàng.

Kế hoạch hành động quốc gia về phát triển kinh tế số giai đoạn 2024 - 2025 ban hành ngày 20/11 đưa ra kế hoạch phát triển kinh tế số dựa trên 4 trụ cột: Công nghiệp ICT, số hóa các ngành kinh tế, quản trị số và dữ liệu số.

Theo ông Trần Minh Tuấn, kế hoạch xác định không gian tăng trưởng chủ yếu của kinh tế số Việt Nam là phát triển kinh tế số theo ngành, lĩnh vực với hai hướng kích cung cho kinh tế số thông qua chuyển đổi số các doanh nghiệp và kích cầu cho kinh tế số thông qua kích cầu tiêu dùng số. Theo ông Trần Minh Tuấn, trong thời gian qua, Bộ TT&TT đã đưa ra nhiều giải pháp để thúc đẩy phát triển kinh tế số trong nước. Chẳng hạn, liên quan đến hạ tầng số, Bộ tăng cường tập trung vào chất lượng kết nối với yêu cầu tốc độ tối thiểu của băng rộng di động là 40 Mbps và băng rộng cố định là 100 Mbps.

Đối với khoảng 1.000 thôn, bản chưa được phủ sóng Internet và 4G, ông Trần Minh Tuấn cho biết có hai phương án: Sử dụng điện mặt trời hoặc đàm phán với SpaceX để sử dụng dịch vụ Internet vệ tinh Starlink nhằm bảo đảm có kết nối mạng phục vụ phát triển kinh tế số, xã hội số.

Nêu cao vai trò của người đứng đầu

Ông Phạm Minh Hoàn - Phó trưởng Bộ môn Công nghệ thông tin - Viện Công nghệ thông tin và Kinh tế số (Đại học Kinh tế quốc dân) lấy ví dụ về thực trạng phát triển kinh tế số tại Hà Nội. Dù thuộc nhóm địa phương dẫn đầu cả nước về chuyển đổi số, khoa học dữ liệu và có chỉ số phát triển kinh tế lõi khá tốt, nhưng cũng như nhiều địa phương khác, Hà Nội vẫn chưa đồng đều về hạ tầng kỹ thuật giữa các tổ chức, doanh nghiệp; người dân chưa nhận thức đầy đủ về tầm quan trọng của phát triển bền vững; dân số đông nhưng chủ yếu là lao động nhập cư nên triển khai chuyển đổi số còn gặp khó khăn nhất định.

Ông Hoàn cũng chỉ ra, trong giai đoạn vừa qua, mới tập trung vào phát triển kinh tế số và hy sinh một phần phát triển bền vững. Hiện nay, chưa có chế tài nào liên quan đến linh kiện điện tử như pin điện, bảng mạch... khi hết khấu hao, cơ quan nào chịu trách nhiệm về rác thải điện tử, hay bãi rác nào có đủ trình độ công nghệ để xử lý.

Đối với đóng góp của địa phương vào kinh tế số cả nước, mới có khoảng 30/63 tỉnh, thành xây dựng sàn thương mại điện tử riêng để giới thiệu và quảng bá sản phẩm đạt chứng nhận OCOP do các yếu tố chi phí, công nghệ, năng lực quản lý, vận hành.

Để cải thiện giải pháp, hạ tầng số, tăng tốc thúc đẩy kinh tế số địa phương nói riêng và cả nước nói chung, yếu tố quan trọng nhất, theo các chuyên gia, chính là con người. Ông Trần Minh Tuấn nhấn mạnh: “Khi người đứng đầu có kinh nghiệm triển khai dự án, kỹ năng số, họ sẽ quyết định được việc đầu tư vào hạ tầng, giải pháp, công nghệ, đưa toàn bộ tổ chức đó triển khai thành công”.

Cùng chung quan điểm, ông Phạm Minh Hoàn cho biết nhận thức của người đứng đầu là quan trọng nhất vì đây là người đưa ra định hướng phát triển, tiếp đến là nhận thức của người dân. Nếu không có sự đồng đều, rất khó triển khai mạch lạc, từ trên xuống dưới. Cuối cùng, cần nhận diện được mỗi địa phương cần gì để đưa ra bài toán công nghệ phù hợp.

Ông Bùi Quang Tuấn tin rằng, với sự quyết liệt của hệ thống chính trị và người đứng đầu, chúng ta có thể giải quyết được những vấn đề mang tính hệ thống trong thúc đẩy kinh tế số và phát triển bền vững, thông qua cách tiếp cận toàn diện, đảm bảo tính đồng bộ.

“Nói đến kinh tế số nhưng không được quên kinh tế xanh. Làm kinh tế số tốt, các vấn đề về môi trường, phát thải đều có thể giải quyết được vì đây là vấn đề công nghệ” - ông Bùi Quang Tuấn nhấn mạnh. Dù có nhiều dư địa và cơ hội để thúc đẩy kinh tế số và phát triển bền vững, các diễn giả tham gia chương trình đồng ý rằng Việt Nam vẫn còn một số thách thức cần phải giải quyết.

Việt Nam có thể trở thành trung tâm bán dẫn mới nổi trong khu vực

Công nghiệp bán dẫn được biết đến là ngành công nghiệp chiến lược quan trọng trên toàn cầu và Việt Nam đang tham gia một cách mạnh mẽ hơn vào hệ sinh thái bán dẫn khu vực và toàn cầu. Trong bối cảnh tình hình chính trị, kinh tế thế giới ngày càng phức tạp, Việt Nam đang nổi lên như một trung tâm bán dẫn tiềm năng. Việt Nam đã trở thành điểm đến hấp dẫn cho các nhà sản xuất bán dẫn quốc tế, như Samsung, Intel và LG để thiết lập các cơ sở sản xuất và nghiên cứu.

Thời gian gần đây Việt Nam cũng đã tiếp đón nhiều các tập đoàn công nghệ lớn như Nvidia, Apple, SpaceX, Qorvo, Marvell, Intel,... đến nghiên cứu và triển khai các dự án đầu tư vào lĩnh vực bán dẫn và AI, để phát triển hệ sinh thái ngành công nghiệp bán dẫn, AI tại Việt Nam.

Cùng với chính sách hỗ trợ mạnh mẽ từ Chính phủ, vị thế của Việt Nam trong ngành công nghiệp bán dẫn toàn cầu đang dần được cải thiện và phát triển. Ngành công nghiệp bán dẫn Việt Nam bộc lộ tiềm năng tăng trưởng mạnh mẽ với sự gia nhập của các tập đoàn hàng đầu thế giới và sự tham gia của nhiều doanh nghiệp lớn trong nước.

Bà Linda Tân - Chủ tịch Hiệp hội Bán dẫn Đông Nam Á (SEMI), nhận định Việt Nam là trung tâm bán dẫn mới nổi trong khu vực: "Việt Nam đang trong quá trình chuyển đổi số mạnh mẽ, là một trong những nền kinh tế có tốc độ phát triển nhanh nhất trong khu vực Đông Nam Á"". Theo đại diện SEMI, Việt Nam có “sự ổn định chính trị và quyết tâm lớn của Chính phủ” trong thúc đẩy phát triển ngành công nghiệp bán dẫn, với lộ trình và mục tiêu rõ ràng cho ba giai đoạn. Tiếp đến, Việt Nam có vị trí địa lý thuận lợi, ở gần một số thị trường lớn nhất toàn cầu hiện nay như Trung Quốc và ASEAN, đồng thời nằm trên các tuyến hàng hải chủ chốt dễ dàng sang châu Âu và Bắc Mỹ./.

Mai Tấn

Nguồn Thời báo Tài chính: https://thoibaotaichinhvietnam.vn/con-nguoi-la-yeu-to-then-chot-trong-thuc-day-kinh-te-so-165501-165501.html
Zalo