Con người chữa lành vết thương chậm hơn gấp ba lần so với họ hàng linh trưởng gần nhất
Một nghiên cứu công bố trên tạp chí Proceedings of the Royal Society B cho thấy vết thương ở người lành chậm hơn gấp ba lần so với các loài linh trưởng và động vật gặm nhấm khác, hé lộ khả năng con người đã tiến hóa theo hướng chữa lành chậm hơn so với tổ tiên chung với tinh tinh cách đây khoảng 6 triệu năm.
Các nhà khoa học khẳng định rằng quá trình hồi phục vết thương ở con người có sự chậm trễ rõ rệt so với nhiều loài động vật có vú khác, bao gồm cả các loài linh trưởng. Sự khác biệt này không xuất hiện giữa các loài linh trưởng không phải người hoặc giữa các loài linh trưởng và động vật gặm nhấm như chuột, cho thấy đây là một đặc điểm tiến hóa đặc thù của loài người. “Phát hiện này chỉ ra rằng quá trình chữa lành vết thương chậm ở người không phải là đặc điểm chung của các loài linh trưởng và làm nổi bật khả năng thích nghi tiến hóa ở người,” nhóm nghiên cứu nhấn mạnh trong báo cáo.
Vết thương ở người trải qua nhiều giai đoạn phục hồi: bắt đầu bằng quá trình đông máu để cầm máu, sau đó là phản ứng miễn dịch với sự tham gia của bạch cầu trung tính và đại thực bào nhằm tiêu diệt vi khuẩn và loại bỏ mô chết. Tiếp theo, mô bị tổn thương được tái tạo nhờ các nguyên bào sợi sản sinh collagen, hình thành mạch máu mới cung cấp dưỡng chất và các tế bào da di chuyển để che phủ vết thương.

Ảnh minh họa.
Tuy nhiều loài động vật có vú khác cũng chữa lành theo quy trình tương tự, một số như chuột, chuột nhắt, mèo và ngựa còn áp dụng cơ chế “co vết thương”, trong đó các mép vết thương được kéo lại với nhau giống như khâu chỉ.
Trong nghiên cứu, các nhà khoa học đã kiểm tra tốc độ lành vết thương ở các loài linh trưởng như khỉ đầu chó ô liu (Papio anubis), khỉ Sykes (Cercopithecus albogularis) và khỉ vervet (Chlorocebus pygerythrus) - những cá thể được bắt ngoài tự nhiên và nuôi tại Viện Nghiên cứu Linh trưởng Kenya. Các cá thể này được gây mê và tạo vết thương dài 1,6 inch (40 mm), sau đó các thông số như diện tích bề mặt, chiều dài và chiều rộng được đo đạc mỗi ngày.
Với loài tinh tinh, nhóm nghiên cứu phân tích hình ảnh vết thương tự nhiên ở năm cá thể tại Khu bảo tồn Kumamoto thuộc Đại học Kyoto (Nhật Bản). Những vết thương này nằm ở nhiều vị trí khác nhau trên cơ thể và được chụp ảnh cách nhau từ hai đến bảy ngày để theo dõi tốc độ phục hồi.
Đối với con người, 24 tình nguyện viên từng phẫu thuật cắt bỏ khối u da tại Bệnh viện Đại học Ryukyus (Nhật Bản) đã chụp ảnh vết thương hàng ngày để theo dõi quá trình hồi phục. Trong khi đó, vết thương ở chuột cống và chuột nhắt được tạo ra và theo dõi trong điều kiện phòng thí nghiệm.
Kết quả cho thấy không có sự khác biệt đáng kể về tốc độ lành vết thương giữa bốn loài linh trưởng không phải người, cũng như giữa các loài linh trưởng và chuột. Tuy nhiên, vết thương của con người lại lành chậm hơn khoảng ba lần so với các loài linh trưởng không phải người.
“Các kết quả thu được cho thấy tỷ lệ chữa lành chung giữa các loài cercopithecines (một nhóm khỉ Cựu thế giới) và tinh tinh - vốn có quan hệ di truyền và phát sinh loài gần gũi với con người. Quan sát này khẳng định rằng các loài linh trưởng không phải người có tỷ lệ chữa lành tương đồng,” nhóm nghiên cứu nhận định.
Các nhà khoa học cho rằng, khả năng con người tiến hóa để chữa lành chậm hơn có thể đã xuất hiện sau khi chúng ta tách khỏi tổ tiên chung cuối cùng với loài tinh tinh cách đây khoảng 6 triệu năm. Dù điều này có vẻ phi lý - vì tốc độ phục hồi chậm hơn có thể ảnh hưởng đến khả năng sinh tồn, tránh động vật săn mồi và duy trì hoạt động sống - nhưng các nhà nghiên cứu đặt giả thiết rằng những thay đổi về đặc điểm cơ thể như mật độ lông, độ dày da và tuyến mồ hôi có thể là nguyên nhân.
Theo giả thuyết của nhóm nghiên cứu, sự gia tăng mật độ tuyến mồ hôi có thể dẫn đến giảm mật độ lông, khiến da dễ tổn thương hơn và thúc đẩy sự tiến hóa của lớp da dày hơn để bảo vệ. Da dày hơn có thể là yếu tố làm chậm quá trình chữa lành vết thương. Ngoài ra, các yếu tố xã hội như đời sống cộng đồng và việc sử dụng cây thuốc cũng có thể giúp con người thích nghi với nhược điểm này.
Tuy nhiên, các nhà nghiên cứu nhấn mạnh rằng cần thêm nhiều nghiên cứu toàn diện để hiểu rõ nguyên nhân khiến vết thương của con người lành chậm. “Để hiểu rõ hơn về nguyên nhân cơ bản gây ra tình trạng chậm lành vết thương ở người, cần có một phương pháp tiếp cận toàn diện, tích hợp dữ liệu di truyền, tế bào, hình thái, bộ xương người hóa thạch và dữ liệu về các loài linh trưởng không phải người hiện còn tồn tại,” báo cáo kết luận.