'Còn mẹ, còn quê là còn tất'

Đành là nỗi nhớ mẹ, nhớ quê, nhớ Tết… nhưng tất cả những điều ấy đều được xây dựng trên một nền tảng vững chắc, đó chính là nếp nhà.

Bài viết của tác giả Nguyễn Thanh Bình, được gửi từ email "nth...268@gmail.com".

Tôi nhận được tập tản văn Còn mẹ, còn quê là còn Tết (tác giả Triệu Vẽ, Nhà xuất bản Văn Học xuất bản tháng 12/2024) ngay trước ngày lên tàu dẫn hai đứa con về thăm quê nội mùa Tết. Vậy là tôi tiện tay nhét ngay luôn vào ngăn ngoài va-li để có cái đọc khi ở trên tàu.

Và rồi, trên chuyến hành trình từ Sài Gòn về ga Sông Mao hôm ấy, tập sách của Triệu Vẽ cũng đồng thời đưa tôi trải dài lên chuyến hành trình ký ức về thăm mẹ, thăm quê, thăm Tết qua những câu chữ tràn tình cảm, đẫm yêu thương…

 Sách Còn mẹ, còn quê là còn Tết.

Sách Còn mẹ, còn quê là còn Tết.

Cũng như tác giả, tôi cũng rời quê, xa gia đình, vào học hành, sinh sống lập nghiệp hầu như suốt quãng đời tuổi trẻ ở thành phố. Nhớ về mẹ, về quê chỉ là những mảng miếng chắp nhặt, những hoài niệm lẩn khuất ở đâu đó tận sâu trong lòng mà mỗi khi mùa giáp Tết ập về thì biết bao nỗi nhớ không nguôi dâng trào cùng làn gió Đông mơn man vỗ về trên miền ký ức.

Giữa tiếng xình xịch đều đặn của bánh sắt nghiến trên đường ray, những bài viết của Triệu Vẽ như lật lại, bóc tách những lớp lang kỷ niệm của mỗi mùa Tết thời niên thiếu mà tôi tin rằng không chỉ mình tôi, những ai đã trải qua một thời trẻ con ở quê cũng đều nhớ thương quay quắt. Cứ như ai đó đang cầm cái bánh ít nóng hổi mà chầm chậm gỡ nhẹ từng lớp lá chuối, cứ từ từ vừa gỡ vừa hít hà, đợi cho đến phần nếp đậu ngọt ngào mà mềm mại ở bên trong. Những kỷ niệm ấy là mùi sên mứt gừng, mứt dừa thơm phưng phức, mùi nồi thịt kho tàu của mẹ, mùi khổ qua hầm, mùi ngai ngái của khói bếp… Rồi xen lẫn đâu đó là những thanh âm trong trẻo của trẻ con khoe nhau đồ chơi, quần áo mới, của chị em í ới phụ nhau dọn nhà sạch sẽ đón Tết, cùng nhau lặt lá mai, “…đưa ba ra chợ, mua cây đào cây mai về bày”.

Tất thảy những điều đó đã dựng nên trong lòng người đọc những khung cảnh vào ngày Tết cổ truyền ở quê khó ai có thể quên được. Với những đứa con xa, Tết bao giờ cũng là dịp để hồi hương, thăm quê, thăm ba mẹ. Và tôi cũng như tác giả đây, cũng ngay ngáy những lo toan thương nhớ bởi “mỗi mùa xuân sang, mẹ tôi già thêm một tuổi”, song cũng vẫn có chút mừng vui âm thầm trong dạ vì biết vẫn còn có ba, còn có mẹ, còn đong đầy tình cảm gia đình và đương nhiên như vậy là vẫn còn Tết!

Đứa con đi làm ăn xa, đã lập gia đình, mùa Tết nào mà lại không trào dâng những nỗi nhớ. Nhớ về ba, về mẹ với những hành động chăm chút ân cần, nho nhỏ mà bao la biển trời. Nhớ những lần chạy vội ra nhà xe để canh đón nhận gói hàng mẹ gửi, những tờ tiền được ba xếp lại dúi thêm vào tay trước khi lên xe vào thành phố, rồi những lần bà Nội đùm túm mấy món ăn ngày Tết xách vào cho cháu khi biết năm đó gia đình nhỏ của con mình sẽ ở lại Sài Gòn ăn Tết mà không về…

Rồi những tin nhắn hỏi thăm được soạn gửi từ quê ngắn ngủn, nhiều lúc gõ sai dấu, quên cách khoảng, nhưng nội dung bên trong luôn chứa đầy sự quan tâm.

Và, đằng sau việc bấm gửi đi ấy vẫn còn thòng thêm nỗi canh cánh của mấy bậc sinh thành: Gửi lúc này có phiền con đang làm việc, hay đang chạy xe trên đường? Nãy giờ nó chưa nhắn lại chắc là kẹt việc gì gấp? Thắc thỏm với biết bao lý do có thể nghĩ ra được. Chứ nhiều khi thật ra là đứa con ấy còn đang theo dõi loạt bình luận của một sự kiện “cực hot” nào đó trên mạng xã hội mà chưa dứt được ra!

 Mẹ tôi ngày Tết. Ảnh: Nguyễn Thanh Bình.

Mẹ tôi ngày Tết. Ảnh: Nguyễn Thanh Bình.

Tôi cũng như tác giả tập sách này, tôi cũng ra đi từ quê nhà. Và có đứa con nhỏ ở quê nào mà lại không nhớ đến hình ảnh của những buổi sáng thức dậy sớm, nằm quấn mền co tròn trong phòng nhưng ngong ngóng dỏng tai ra nghe ba mẹ mình vừa lục đục công việc, vừa trò chuyện rì rầm với nhau bằng câu chữ quen thuộc: “Mới đây mà…!” khi nhắc về những đứa con, đứa cháu của mình. Câu chữ pha chút tự hào mà lúc nào cũng đong đầy yêu thương.

Bên cạnh nỗi nhớ về mùa Tết, tác giả nhớ về ba về mẹ, về gian bếp của mẹ, món ăn mẹ nấu… về cả những chăm chút nho nhỏ của người phụ nữ trong gia đình, về sự hy sinh mà bất kỳ ai đọc lên cũng đều thấy hình ảnh của ba mẹ mình trong đó, rồi đến cả những nỗi niềm lo toan của mình đối với đời con.

Giống một hạt mưa từ trên cao rơi xuống, ba mẹ chỉ đau đáu lo cho con cho cháu mình, đến nỗi nhập viện mà còn sợ phiền. Để rồi đến khi đứa con ấy xoay vòng lo cho thế hệ sau, hoặc lúc đụng chuyện trực tiếp đã bật lên thảng thốt: “Út nhớ ba quá! Chắc mấy lần mổ, ba đau biết chừng nào, chị ơi! Mà mình đâu có hiểu!”.

Triệu Vẽ viết trong tập tản văn của mình: “Bạn rồi sẽ có con, bạn rồi sẽ già đi, sẽ hiểu nếp nhà có ý nghĩa thế nào. Không cần nhiều lời để dạy bảo, không cần giành nhiều tài sản vật chất, con bạn sẽ đi đúng đường bạn đã đi, con bạn sẽ giàu có đủ đầy. Chỉ cần có một lối về mà ông bà rồi cha mẹ luôn dọn sẵn cho con. Chỉ cần như thế…”.

Đành là nỗi nhớ mẹ, nhớ quê, nhớ Tết… nhưng tất cả những điều ấy đều được xây dựng trên một nền tảng vững chắc, đó chính là nếp nhà. Tôi đồng cảm với tác giả, đúng là việc xây dựng một nếp nhà bình yên vững chãi để mỗi đứa con dù có đi xa cũng biết neo chắc vào, tựa lưng vào khi gặp khó khăn, biết nhớ về với đủ đầy hạnh phúc. Và luôn biết rằng ở ngôi nhà vững chãi ấy, ba mẹ ấy lúc nào cũng ở phía sau, “… nhà vẫn luôn ở đó, mong chờ những đứa con”.

Tết vừa rồi tôi đăng ký ở lại trực công ty, không về ngay Tết âm lịch được. Nên tranh thủ đưa hai đứa con về thăm nội dịp Tết Tây. Cũng là để cho ông bà thăm cháu, để tôi thỏa nỗi nhớ quê, nhớ nhà mùa Tết. Nhìn ba mẹ cười thì cũng còn biết khỏe, còn biết xuân, còn an tâm trong dạ. Song, trong đầu vẫn cứ loay hoay những hoài niệm thương yêu của ngày xưa, của mỗi mùa Tết đến.

“Bất cứ khi nào, nhất là những chiều cuối năm hanh hao như thế này, bạn nghe thèm mùi khói bếp quê nhà. Tôi xin ôm mừng bạn một cái. Vì tâm hồn bạn có nơi tìm về, có nơi nương tựa. Sẽ chẳng có điều gì khiến bạn ngã được. Hạnh phúc chắc chắn sẽ mỉm cười với bạn. Tin tôi đi!”.

Ừ, tôi tin Triệu Vẽ. Hy vọng các bạn cũng tin như vậy nhé!

“Ở đây áo ấm, trời lên Tết / Con dế giang hồ đang nhớ quê…”

(thơ Nguyễn Nhật Ánh)

Nguyễn Thanh Bình

Nguồn Znews: https://znews.vn/con-me-con-que-la-con-tat-post1543864.html
Zalo