Còn hàng chục ngàn hécta đất nông nghiệp chưa chuyển mục đích sử dụng

Đồng Nai còn hơn 22,7 ngàn hécta đất nông nghiệp (ĐNN) chưa chuyển đổi mục đích sử dụng theo chỉ tiêu được duyệt. Đây là quỹ đất lớn để tỉnh khai thác cho các mục đích phát triển công nghiệp, đô thị, giao thông trong thời gian tới.

Một dự án khu đô thị chuyển đổi mục đích sử dụng từ đất nông nghiệp ở huyện Long Thành. Ảnh: B.Mai

Một dự án khu đô thị chuyển đổi mục đích sử dụng từ đất nông nghiệp ở huyện Long Thành. Ảnh: B.Mai

Mới đây, tỉnh đề xuất điều chỉnh giảm thêm chỉ tiêu ĐNN để đáp ứng nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2026-2030.

Giảm chỉ tiêu đất nông nghiệp

Theo các quy hoạch đã được Trung ương phê duyệt thì đến năm 2025, tỉnh có chỉ tiêu ĐNN gần 452 ngàn hécta và đến năm 2030 còn khoảng 436,6 ngàn hécta. Tính đến hết năm 2024, tỉnh có khoảng 459,3 ngàn hécta ĐNN, cao hơn so với chỉ tiêu được duyệt trong thời kỳ quy hoạch khoảng 22,7 ngàn hécta.

Phó giám đốc Sở Nông nghiệp và môi trường Đặng Minh Đức cho biết, chỉ tiêu ĐNN của tỉnh đang cao hơn so với chỉ tiêu được duyệt. Nguyên nhân là thời gian qua, công tác thu hồi đất để thực hiện các dự án phát sinh một số khó khăn trong công tác bồi thường giải phóng mặt bằng, hỗ trợ tái định cư, dẫn đến kết quả thực hiện các chỉ tiêu loại đất này chưa đạt. Quá trình thực hiện các dự án thu hồi ĐNN, đặc biệt là dự án có quy mô diện tích lớn kéo dài do tình trạng tách thửa, thay đổi chủ sử dụng đất, người dân có ý kiến về giá đất…, đã ảnh hưởng trực tiếp đến công tác bồi thường giải phóng mặt bằng. Một số dự án sử dụng đất phi nông nghiệp chưa triển khai nên chưa chuyển đổi mục đích sử dụng đất, thu hồi đất.

Đồng Nai được phân bổ chỉ tiêu ĐNN đến năm 2025 gần 452 ngàn hécta, đến năm 2030 là 436,6 ngàn hécta. Hiện tại, tỉnh còn 459,3 ngàn hécta, đề xuất điều chỉnh đến năm 2030 còn 416,6 ngàn hécta.

Nhằm đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội thời gian tới, UBND tỉnh đã có văn bản báo cáo, đồng thời kiến nghị Bộ Nông nghiệp và môi trường đề xuất Chính phủ cho tỉnh được điều chỉnh nhu cầu sử dụng ĐNN đến năm 2030. Theo đó, đến năm 2030 chỉ tiêu ĐNN của tỉnh là 416,6 ngàn hécta, giảm khoảng 42,7 ngàn hécta so với kết quả thực hiện đến cuối năm 2024 và giảm gần 20 ngàn hécta so với chỉ tiêu được phân bổ đến năm 2030.

Theo Phó chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Thị Hoàng, việc đề xuất điều chỉnh giảm chỉ tiêu ĐNN nhằm phân bổ thêm chỉ tiêu đất phi nông nghiệp phục vụ phát triển kinh tế - xã hội. Cụ thể, các loại đất trồng cây lâu năm, cây hàng năm, nuôi trồng thủy sản… sẽ được chuyển sang đất hạ tầng. Trong đó có khoảng 5,6 ngàn hécta đất hạ tầng giao thông, khoảng 700 hécta đất quy hoạch khu làng đại học, khoảng 570 hécta đất quốc phòng khu vực Sân bay Long Thành, khoảng 300 hécta đất cho lĩnh vực khoa học công nghệ…

Bổ sung quỹ đất giao thông, công nghiệp, đô thị

Đại biểu Trịnh Xuân An, Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Đồng Nai cho rằng, thời gian qua, Đồng Nai là một trong những địa phương có thay đổi nhiều chỉ tiêu sử dụng đất theo các quyết định được duyệt. Ông An đồng tình với kiến nghị điều chỉnh giảm chỉ tiêu ĐNN của tỉnh để tăng quỹ đất cho các lĩnh vực mũi nhọn, có lợi thế hơn như: công nghiệp, thương mại dịch vụ, phát triển đô thị và giao thông. Đối với ĐNN giữ lại phải tập trung vào nông nghiệp công nghệ cao, nông nghiệp dịch vụ. Ông An cũng lưu ý việc giảm ĐNN cần được thực hiện có kế hoạch để tránh tác động tiêu cực đến sinh kế của người dân và môi trường sinh thái.

Phó chủ tịch UBND thành phố Biên Hòa Nguyễn Duy Tân cho biết, địa phương đang triển khai nhiều dự án thu hồi đất phục vụ nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội. Trong đó có các dự án lớn như: Đường cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu, Đường trục trung tâm thành phố Biên Hòa, Đường ven sông Đồng Nai… và hàng loạt dự án khu tái định cư, công trình hạ tầng xã hội khác; tới đây có thêm Dự án Khu đô thị Hiệp Hòa, nên cần điều chỉnh giảm chỉ tiêu ĐNN. Cũng theo ông Tân, tại thành phố Biên Hòa, trên bản đồ và các báo cáo vẫn thể hiện là đất lúa nhưng thực tế thì đất lúa còn rất ít, vì không mang lại hiệu quả kinh tế.

Phó chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế và tài chính của Quốc hội Đoàn Thị Thanh Mai khi đi kiểm tra thực hiện quy hoạch sử dụng đất, kế hoạch sử dụng đất tại Đồng Nai vào cuối tháng 3-2025 cho biết, Đồng Nai mặc dù phát triển nhiều khu công nghiệp, khu đô thị, dự án hạ tầng trọng điểm nhưng vẫn giữ được đất rừng, khu bảo tồn, khu dự trữ sinh quyển. Tuy nhiên, do dự báo nhu cầu sử dụng đất của các địa phương, ngành, lĩnh vực trước đây chưa sát với thực tế; khó khăn trong công tác giải phóng mặt bằng các dự án thu hồi đất, chuyển mục đích sử dụng đất nên một số chỉ tiêu chưa thực hiện đúng theo phân bổ.

Bà Mai lưu ý tỉnh tiếp tục rà soát kết quả thực hiện các chỉ tiêu sử dụng đất giai đoạn 2021-2025 để có giải pháp hoàn thành trong năm nay. Trên cơ sở quy hoạch sử dụng đất quốc gia giai đoạn 2021-2030, yêu cầu các địa phương, lĩnh vực rà soát chỉ tiêu đã thực hiện, cân đối để đề xuất điều chỉnh cho phù hợp trong giai đoạn 2026-2030.

Quy hoạch sử dụng đất là cơ sở để thực hiện các quy hoạch xây dựng, đô thị và nông thôn, ngành, lĩnh vực. Do đó, quy hoạch sử dụng đất phải bảo đảm có tầm nhìn dài hạn, có tính dự báo, đáp ứng các mục tiêu của chiến lược phát triển kinh tế - xã hội của cả giai đoạn 2021-2030. Việc điều chỉnh phải bảo đảm toàn diện, đồng bộ, tạo động lực cho phát triển; giải quyết tốt nhu cầu sử dụng đất cho các ngành, lĩnh vực.

Ban Mai

Nguồn Đồng Nai: https://baodongnai.com.vn/kinh-te/202504/con-hang-chuc-ngan-hecta-dat-nong-nghiep-chua-chuyen-muc-dich-su-dung-13402e2/
Zalo