Cởi 'nút thắt' cho sự năng động, sáng tạo
Chính phủ vừa ban hành Nghị định số 73/2023/NĐ-CP ngày 29-9-2023 quy định về khuyến khích, bảo vệ cán bộ năng động, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm vì lợi ích chung. Đây là cơ sở cởi 'nút thắt' cho sự năng động, sáng tạo trong đội ngũ cán bộ các cơ quan hành chính hiện nay.
Năng động, sáng tạo là phẩm chất cần thiết của người lao động trong xã hội hiện đại; nhất là trong bối cảnh thế giới hiện nay, “thước đo” năng lực cạnh tranh trong thời Cách mạng công nghiệp 4.0, công nghệ số, kỷ nguyên số... chính là sự năng động, sáng tạo. Thế nhưng gần đây, xuất hiện một bộ phận cán bộ đi ngược lại với tinh thần này, có tư tưởng “3 không”, đó là: Không nói; không tham mưu, đề xuất và không triển khai hoặc triển khai công việc cầm chừng, vừa làm, vừa nghe ngóng.
Thực trạng này ngoài nguyên nhân chủ quan do năng lực, phẩm chất của cán bộ, còn một phần nguyên nhân quan trọng là do thiếu cơ chế bảo vệ cán bộ năng động, sáng tạo.
Trên thực tế, để có đổi mới, thì phải khuyến khích tinh thần năng động, sáng tạo; mà năng động thì phải làm trước, làm sớm; sáng tạo thì phải làm khác, làm mới, làm nhanh. Tuy nhiên, năng động, sáng tạo thường đi liền với một tỷ lệ rủi ro không thành công nhất định nào đó. Những cán bộ đã năng động, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm thì thường dũng cảm, sẵn sàng chấp nhận rủi ro. Sức sáng tạo, tinh thần năng động trong bộ máy nếu chỉ bó hẹp trong một vài người thì rất mờ nhạt.
Cho nên nhất định phải huy động rộng rãi trong đội ngũ cán bộ tinh thần năng động, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm vì lợi ích chung. Nghị định số 73/2023/NĐ-CP của Chính phủ vừa ban hành là cơ sở để tạo lớp bảo vệ cán bộ, qua đó khuyến khích tinh thần năng động, sáng tạo rộng khắp trong bộ máy. Làm được điều đó, chúng ta sẽ biến tinh thần năng động, sáng tạo trở thành động lực phát triển.
Cách đây 2 năm, Bộ Chính trị đã ban hành Kết luận số 14-KL/TƯ ngày 22-9-2021 về chủ trương khuyến khích và bảo vệ cán bộ năng động, sáng tạo vì lợi ích chung. Việc Chính phủ ban hành Nghị định số 73/2023/NĐ-CP chính là bước cụ thể hóa nhiệm vụ chính trị quan trọng này.
Thủ tướng Chính phủ vừa ra Công điện số 280/CĐ-TTg về chấn chỉnh, tăng cường trách nhiệm trong xử lý công việc của các bộ, cơ quan, địa phương. Nay cùng với Nghị định số 73/2023/NĐ-CP, các cấp, các ngành cần phải thực hiện đồng bộ 2 văn bản này, tạo thành một vòng tròn giải pháp khép kín đưa Kết luận 14-KL/TƯ đi vào cuộc sống.
Tại Hà Nội, việc thực hiện đang rất thuận lợi khi Ban Thường vụ Thành ủy Hà Nội vừa ban hành Chỉ thị số 24-CT/TU ngày 7-8-2023 về tăng cường kỷ cương, kỷ luật và trách nhiệm giải quyết công việc trong hệ thống chính trị thành phố Hà Nội.
Điều quan trọng là phải chuyển hóa các văn bản quan trọng này thành các điều, khoản cụ thể trong quy chế làm việc và quy trình công tác ở mỗi cơ quan, đơn vị gắn với trách nhiệm cá nhân, trách nhiệm người đứng đầu. Các văn bản quan trọng này phải được thực hiện trước hết thông qua công tác đánh giá cán bộ hằng tháng, hằng năm; đặc biệt là phải làm rõ trong công tác kiểm tra, giám sát, kỷ luật cán bộ.
Có như vậy, cán bộ mới có chỗ dựa vững chắc để năng động, sáng tạo và cống hiến.