Cội nguồn sức mạnh đại đoàn kết toàn dân

Từ huyền thoại “bọc trăm trứng”, người dân Việt Nam đều có chung cội nguồn, chung dòng máu Lạc Hồng và có chung Quốc Tổ là các vua Hùng. Vì vậy, Ngày giỗ Tổ Hùng Vương không chỉ là dịp thể hiện lòng thành kính, tri ân công đức tổ tiên, thể hiện truyền thống đạo lý “Uống nước, nhớ nguồn” mà còn là “sợi chỉ đỏ” xuyên suốt mạch nguồn lịch sử, gắn kết cộng đồng, củng cố tinh thần đại đoàn kết của dân tộc Việt Nam hàng nghìn năm qua.

Lễ giỗ Tổ Hùng Vương hằng năm được tổ chức trang nghiêm, trọng thể tại Khu di tích Đền Hùng, tỉnh Phú Thọ. (Ảnh: Sưu tầm)

Lễ giỗ Tổ Hùng Vương hằng năm được tổ chức trang nghiêm, trọng thể tại Khu di tích Đền Hùng, tỉnh Phú Thọ. (Ảnh: Sưu tầm)

Vào dịp giỗ Tổ Hùng Vương, gia đình ông Nguyễn Văn Phan, phường Liên Bảo (Vĩnh Yên) tổ chức hành hương về Đền Hùng. Ông Phan chia sẻ: “Dù bận đến đâu, vào dịp giỗ Tổ, gia đình tôi đều cố gắng thu xếp hành hương về Đền Hùng dâng hương, tưởng nhớ công ơn của các vua Hùng. Đây cũng là dịp quan trọng giúp các con, cháu hiểu hơn về bản sắc văn hóa truyền thống của dân tộc, về nguồn cội, truyền thống dựng nước và giữ nước của dân tộc, ghi nhớ công đức tổ tiên”.

“Dù ai đi ngược về xuôi/ Nhớ ngày giỗ Tổ mùng mười tháng ba”, câu ca dao đã đi vào lòng mỗi người dân Việt Nam qua bao thế hệ, thể hiện truyền thống đạo lý “Uống nước nhớ nguồn” của dân tộc, niềm tự hào của nhân dân về nguồn gốc “con Rồng, cháu Tiên”.

Mỗi độ tháng 3 âm lịch, cùng nhân dân cả nước, hàng triệu trái tim người dân Vĩnh Phúc lại hướng về ngày giỗ Tổ Hùng Vương với tấm lòng thành kính, biết ơn; từ đó càng ý thức sâu sắc về cội nguồn dân tộc, trách nhiệm tiếp bước cha ông xây dựng quê hương, đất nước.

Lịch sử của dân tộc Việt Nam được mở đầu bằng thời đại Hùng Vương với công lao của các vua Hùng khai sơn, phá thạch, mở mang, bồi đắp gây dựng nền móng giang sơn. Khắc ghi công lao to lớn ấy, người Việt đã suy tôn các vua Hùng là thủy tổ của dân tộc từ hàng nghìn năm trước. Trong dòng chảy lịch sử, tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương đã ăn sâu trong tâm tưởng của người Việt.

Cũng như nhiều địa phương khác trong cả nước, trên địa bàn tỉnh Vĩnh Phúc có nhiều di tích thờ vua Hùng và tướng lĩnh thuộc thời đại Hùng Vương, gắn liền với tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương. Vào dịp giỗ Tổ Hùng Vương hằng năm, mỗi người dân, mỗi gia đình, địa phương trên địa bàn tỉnh lại có nhiều hoạt động ý nghĩa để tri ân, tưởng nhớ các vua Hùng và các bậc tiền nhân.

Từ bao đời nay, thờ cúng tổ tiên đã trở thành tập tục truyền thống, có vị trí đặc biệt trong đời sống tinh thần của dân tộc, góp phần tạo nên bản sắc văn hóa Việt Nam. Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương - biểu hiện cao nhất của tín ngưỡng thờ cúng tổ tiên là kết tinh của văn hóa dân tộc, được trao truyền và phát huy qua nhiều thế hệ đã trở thành loại hình tín ngưỡng văn hóa tôn giáo đặc sắc trong đời sống văn hóa, thể hiện đạo lý tốt đẹp “Uống nước, nhớ nguồn", "Ăn quả nhớ người trồng cây” của dân tộc.

Trên phương diện xã hội, tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương mang tính gắn kết cộng đồng cao, là biểu tượng cho tinh thần đại đoàn kết toàn dân. Từ huyền thoại mẹ Âu Cơ đẻ ra trăm trứng, nửa theo cha xuống biển, nửa theo mẹ lên rừng đã khơi dậy ý thức về dân tộc, nghĩa đồng bào, gắn kết hàng triệu người con đất Việt thành một khối đoàn kết, thống nhất.

Năm 2012, Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa Liên hợp quốc (UNESCO) đã công nhận Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương là Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại. Điều này khẳng định giá trị văn hóa của dân tộc, góp phần công nhận tầm quan trọng của nghi lễ thờ cúng tổ tiên dân tộc Việt ở các nước và vùng lãnh thổ trên thế giới có cộng đồng người Việt sinh sống.

Chung một gốc gác tổ tiên và ngày giỗ Tổ là mạch nguồn tâm linh đặc biệt gắn kết dân tộc Việt Nam thành một khối đại đoàn kết, làm nên sức sống Việt Nam mãnh liệt, trường tồn. Mỗi dịp giỗ Tổ Hùng Vương là thời khắc quan trọng để những người con đất Việt tưởng nhớ các vị vua khai quốc mở cõi, các bậc tiền nhân dựng nước và giữ nước, càng thêm trân quý từng tấc đất thiêng liêng của Tổ quốc và nhận thức rõ hơn về trách nhiệm gìn giữ, bảo vệ, xây dựng đất nước.

Ngày giỗ Tổ cũng là dịp nhắc nhở các thế hệ người Việt về nguồn cội "con Rồng, cháu Tiên", về truyền thuyết “bọc trăm trứng”, để thêm thấm thía về hai tiếng "đồng bào", từ đó góp phần gắn kết cộng đồng, hun đúc tinh thần dân tộc, củng cố khối đại đoàn kết dân tộc, tạo nên sức mạnh toàn dân đã được minh chứng qua lịch sử đấu tranh giải phóng dân tộc, bảo vệ, xây dựng đất nước.

Trải qua hàng nghìn năm với nhiều biến động, thăng trầm của lịch sử nhưng tinh thần “con Lạc, cháu Hồng” vẫn luôn là sợi chỉ đỏ kết nối các thế hệ, là động lực để mỗi người con đất Việt nói chung và nhân dân Vĩnh Phúc nói riêng tiếp tục phát huy truyền thống tốt đẹp, ra sức thi đua lao động, học tập, sản xuất, cùng nhau bảo vệ, xây dựng đất nước ngày càng đàng hoàng hơn, to đẹp hơn.

Trong bối cảnh đất nước đang vươn mình bước vào kỷ nguyên mới, phát huy giá trị tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương càng có ý nghĩa quan trọng hơn để tiếp tục khơi dậy khát vọng phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc, phát huy ý chí và sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc, nhân lên ý thức, trách nhiệm của mỗi cá nhân trong việc đóng góp xây dựng quê hương, đất nước, tạo sức mạnh nội sinh để Vĩnh Phúc cùng cả nước vững bước tiến vào kỷ nguyên mới.

Lê Mơ

Nguồn Vĩnh Phúc: https://baovinhphuc.com.vn/tin-tuc/articletype/articleview/articleid/126058//coi-nguon-suc-manh-dai-doan-ket-toan-dan
Zalo