Cội nguồn khởi phát 'tình yêu' của Tổng thống Trump với thuế quan

Tài sản của doanh nhân người Mỹ Donald Trump suy giảm vào những năm 1990, và ông cần huy động tiền mặt nhanh chóng. Do đó, ông đã lái siêu du thuyền dài 85m có tên Trump Princess, đến châu Á, với hy vọng có thể lôi cuốn các tỷ phú Nhật Bản. Đây không phải là lần đầu vị doanh nhân này tìm kiếm các nhà đầu tư người Nhật cho dự án của mình.

Ông Donald Trump và người vợ đầu Ivana Trump trên du thuyền Trump Princess năm 1988. Ảnh: Getty Images

Ông Donald Trump và người vợ đầu Ivana Trump trên du thuyền Trump Princess năm 1988. Ảnh: Getty Images

Vào những năm 80 của thế kỷ trước, ông Trump đã chứng kiến tận mắt làn sóng mua sắm ồ ạt của Nhật Bản với những thương hiệu và bất động sản mang tính biểu tượng của Mỹ. Khi đó, thế giới quan của ông Trump về thương mại và mối quan hệ của Mỹ với các đồng minh được hình thành. Cùng thời điểm, sự ám ảnh của ông về thuế đánh vào hàng nhập khẩu, bắt đầu manh nha.

Bà Barbara Res, cựu phó chủ tịch điều hành của Trump Organization, kể lại rằng ông Trump đã ghen tị khi thấy các doanh nhân Nhật Bản được coi là thiên tài. Ông cảm thấy nước Mỹ không nhận được đủ để đổi lại việc hỗ trợ đồng minh Nhật Bản về quốc phòng. Trump thường phàn nàn rằng ông gặp khó khăn khi thực hiện giao dịch với các nhóm doanh nhân Nhật Bản.

Cuối những năm 1980, khi xuất hiện trên chương trình Larry King Live của kênh CNN (Mỹ), ông Trump phàn nàn: “Tôi đã chán ngán việc nhìn các quốc gia khác lợi dụng Mỹ”.

Ngay sau khi chia sẻ triết lý kinh doanh của bản thân trong cuốn sách mang tiêu đề “The Art of the Deal” xuất bản năm 1987, ông Trump đã lên tiếng chỉ trích các chính sách thương mại của Mỹ. Trong một cuộc phỏng vấn với người dẫn chương trình đình đám Oprah Winfrey trên The Oprah Show, Trump cho biết ông sẽ xử lý chính sách đối ngoại theo cách khác, qua việc yêu cầu đồng minh của Mỹ "đóng góp phần công bằng của họ".

Ông đồng thời đánh giá rằng không thể gọi là thương mại tự do khi Nhật Bản đang “đổ hàng” vào thị trường Mỹ nhưng lại khiến việc kinh doanh ở quốc gia Mặt trời mọc trở nên bất khả thi.

Giáo sư dự bị tại Đại học Dartmouth (Mỹ) - Jennifer Miller nhận xét rằng có nhiều nhân vật khác có cùng quan điểm với ông Trump về nền kinh tế vào thời điểm đó. Nhật Bản đã tạo cạnh tranh cho ngành sản xuất của Mỹ, đặc biệt là trong lĩnh vực điện tử tiêu dùng và ô tô. Nhiều nhà máy của Mỹ đóng cửa và thương hiệu Nhật Bản “đổ bộ” thị trường “Xứ cờ hoa”, các chuyên gia khi đó thậm chí còn dự đoán về khả năng Nhật Bản vượt Mỹ để trở thành nền kinh tế hàng đầu thế giới.

Ông Donald Trump và người vợ đầu Ivana Trump tại chương trình Oprah Winfrey Show năm 1988. Ảnh: Getty Images

Ông Donald Trump và người vợ đầu Ivana Trump tại chương trình Oprah Winfrey Show năm 1988. Ảnh: Getty Images

Trước khi xuất hiện trên chương trình truyền hình "The Oprah Show", ông Trump đã chi gần 100.000 USD để đăng "thư ngỏ" trong các quảng cáo toàn trang trên 3 tờ báo lớn của Mỹ. Tiêu đề thư ngỏ nhấn mạnh: "Chính sách quốc phòng đối ngoại của Mỹ sẽ ổn, chỉ cần thêm chút quyết đoán". Trong đó, ông cho rằng Nhật Bản và các quốc gia khác đã lợi dụng Mỹ trong nhiều thập niên. Trump tin rằng giải pháp hiển nhiên là đánh thuế những quốc gia giàu có này.

"Thế giới đang cười nhạo các chính khách Mỹ khi chúng ta bảo vệ những con tàu mà chúng ta không sở hữu, chở dầu mà chúng ta không cần, và chuyển chúng đến những đồng minh không muốn giúp đỡ", ông Trump viết.

Theo bà Miller, bức thư ngỏ này đóng vai trò lời giới thiệu mạnh mẽ về tầm nhìn chính sách đối ngoại của ông Trump. Ông Trump khi đó kết luận rằng giải pháp cho vấn đề là một chính sách thương mại bảo hộ quyết liệt hơn.

Bà Miller nhận định, đó là lý do khiến Trump rất thích thuế quan, vì chúng không chỉ phù hợp với tư tưởng đàm phán của ông mà còn tương thích với cách ông ấy nhìn nhận bản thân - người đàm phán tài ba. Và việc có thể dùng thuế quan để cảnh cáo, để làm đòn bẩy với các quốc gia khác càng khiến ông Trump thích thú.

Theo đài BBC (Anh), triết lý quản lý của Tổng thống Trump hiện nay không thay đổi nhiều so với thời điểm ông còn là một nhà phát triển bất động sản trẻ tuổi. Ông chủ Nhà Trắng thứ 47 vẫn tin tưởng mạnh mẽ thuế quan là công cụ để gây sức ép, buộc các nước khác mở cửa thị trường và giảm thâm hụt thương mại.

Tổng thống Mỹ Trump ngày 7/2 đã đón tiếp Thủ tướng Nhật Bản Shigeru Ishiba tại Nhà Trắng.
Nhà lãnh đạo nước Mỹ thông báo với các phóng viên rằng hai nước sẽ cùng nỗ lực để đưa thâm hụt thương mại của Mỹ với Nhật Bản về mức "cân bằng". Ông Trump cho rằng Nhật Bản cũng muốn sự công bằng. Theo số liệu thương mại mới nhất của Mỹ, thặng dư thương mại hàng hóa của Nhật Bản với Mỹ năm 2024 là 68,5 tỷ USD so với con số 71,6 tỷ USD năm 2023.

Về phần mình, Thủ tướng Ishiba nhấn mạnh Nhật Bản quyết tâm hợp tác chặt chẽ với Mỹ để mang lại hòa bình cho thế giới và khẳng định với ông Trump rằng Nhật Bản sẵn sàng tăng đầu tư vào Mỹ.

Hà Linh/Báo Tin tức (Theo BBC)

Nguồn Tin Tức TTXVN: https://baotintuc.vn/ho-so/coi-nguon-khoi-phat-tinh-yeu-cua-tong-thong-trump-voi-thue-quan-20250209113827729.htm
Zalo