Cờ Tổ quốc vươn xa
Trên hành trình 4 năm, chúng tôi - Báo Người Lao Động - luôn nỗ lực vượt qua mọi khó khăn, để cờ Tổ quốc hiện diện trên mọi miền đất nước; để được thấy tình yêu Tổ quốc lan tỏa trong triệu triệu con tim người dân nước Việt
Ngày 1-6-2019, tại lễ khai mạc Tuần lễ Biển và Hải đảo Việt Nam do Bộ Tài nguyên và Môi trường tổ chức ở Bạc Liêu, những lá cờ đầu tiên của chương trình "Một triệu lá cờ Tổ quốc cùng ngư dân bám biển" (nay là "Tự hào cờ Tổ quốc") được trao cho các ngư dân tiêu biểu của Bạc Liêu. Đó là cột mốc khởi đầu của một hành trình xuống biển lên rừng mà đội ngũ cán bộ, phóng viên Báo Người Lao Động thực hiện suốt hơn 4 năm qua, để đưa cờ Tổ quốc vươn xa đến với người dân mọi miền đất nước.
Bốn năm qua, các nhà báo, thành viên đội công tác - xã hội Báo Người Lao Động được Ban Biên tập giao nhiệm vụ thực hiện chương trình này đã đến với nhiều vùng miền xa xôi của đất nước. Ban đầu, chương trình trao tặng cờ cho ngư dân ở 28 tỉnh, thành có biển trên toàn quốc; đến với các chiến sĩ nhà giàn DK1, với bộ đội và người dân ở Trường Sa.
Đến bất kỳ đâu, những người thực hiện chương trình cũng nhận được sự đón tiếp nồng hậu, sự trân quý của người dân, ngư dân đối với Quốc kỳ do chương trình trao tặng. Chúng tôi còn nhớ lời lão ngư Đặng Văn Đông (ngụ TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên), rằng "cờ Tổ quốc như máu thịt của mình, soi đường dẫn lối cho ngư dân mỗi chuyến ra khơi".
Một khoảnh khắc xúc động khác, khi vào một ngày biển động của tháng 9-2022, chúng tôi cùng Đoàn đại biểu TP HCM đến thăm nhân dân và chiến sĩ vùng biển Tây Nam. Chúng tôi được chào cờ, hát Quốc ca trên nóc nhà giàn DK1/10 - điểm nhà giàn xa xôi nhất trên vùng biển Tây Nam, giáp với biên giới trên biển của nước bạn Thái Lan.
Trong hợp phần "Cờ Tổ quốc biên cương", chương trình cũng đã có nhiều hoạt động đầy ý nghĩa, tổ chức hàng chục chuyến thăm, tặng hàng chục ngàn lá cờ, học bổng, ảnh Chủ tịch Hồ Chí Minh và các phần quà đến đồng bào các dân tộc ở những tỉnh có biên giới trên bộ. Những khoảnh khắc thiêng liêng của chương trình là khi các thành viên đoàn công tác của báo được cùng chiến sĩ và nhân dân địa phương cùng chào cờ, hát Quốc ca ở những cột mốc biên giới, như Cột cờ quốc gia Lũng Cú (Hà Giang), cột mốc biên giới Ngã ba Đông Dương tại Ngọc Hồi (Kon Tum).
Song song đó, hợp phần "Đường cờ Tổ quốc" tuy ra đời sau, thời gian thực hiện ít hơn nhưng cũng đã phủ màu cờ đỏ thắm trên hàng trăm tuyến đường đến với các khu di tích lịch sử, "địa chỉ đỏ" nhiều tỉnh, thành, trong đó có đường vào Khu Di tích lịch sử Ngã ba Đồng Lộc (Hà Tĩnh), Đền thờ Liệt sĩ ở Nghĩa trang Liệt sĩ Trường Sơn (Quảng Trị)…
Nhiều lãnh đạo địa phương khẳng định sáng kiến thực hiện những tuyến "Đường cờ Tổ quốc" với hình ảnh Quốc kỳ phủ kín rực rỡ những điểm vào các "địa chỉ đỏ", khu di tích lịch sử - văn hóa đã chung tay giáo dục truyền thống cách mạng, nâng cao tinh thần tự hào dân tộc cho lực lượng đoàn viên, thanh thiếu niên địa phương.
Những người thực hiện chương trình "Tự hào cờ Tổ quốc" đã đối mặt nhiều khó khăn, khi hết lên rừng lại xuống biển, đến với mọi vùng biên giới xa xôi. Bốn năm thực hiện chương trình cũng mất hơn 2 năm phải đối mặt với bao gian nan giữa lúc đại dịch COVID-19 hoành hành.
Nhưng cũng trên hành trình ấy, chúng tôi luôn nỗ lực vượt qua mọi khó khăn, để cờ Tổ quốc hiện diện trên mọi miền đất nước; để được thấy tình yêu Tổ quốc lan tỏa trong triệu triệu con tim...
Tính đến ngày 28-7-2023, chương trình "Tự hào cờ Tổ quốc" đã tổ chức 280 sự kiện trên cả nước, trao và ký kết trao 1.882.620 lá cờ đến đồng bào các tỉnh, thành toàn quốc.
Trong đó, 1.175.870 lá cờ từ hợp phần "Triệu lá cờ Tổ quốc cùng ngư dân bám biển" được trao tặng ngư dân 28 tỉnh, thành phố có biển; 346.350 lá cờ từ hợp phần "Cờ Tổ quốc biên cương" trao tặng Bộ đội Biên phòng, đồng bào 25 tỉnh có biên giới trên bộ và 360.400 lá cờ từ hợp phần "Đường cờ Tổ quốc" để xây dựng 500 tuyến đường cờ tại 37 tỉnh, thành phố.