Có thể bố trí Ủy viên Thường vụ cấp tỉnh giữ chức vụ người đứng đầu cấp xã
'Những địa bàn cấp xã quan trọng cũng có thể bố trí đến Ủy viên Ban thường vụ cấp tỉnh hiện nay làm chức danh người đứng đầu cấp ủy của địa phương'- Vụ trưởng Vụ Chính quyền địa phương (Bộ Nội vụ) Phan Trung Tuấn nêu rõ.
Sáng nay, 28/4, tại cuộc họp báo do Bộ Nội vụ tổ chức, Vụ trưởng Vụ Chính quyền địa phương (Bộ Nội vụ) Phan Trung Tuấn đã thông tin một số nội dung được đặc biệt quan tâm liên quan đến công tác sắp xếp đơn vị hành chính (ĐVHC) cấp tỉnh, cấp xã trên cả nước hiện nay.
Hình thành một bộ mặt mới của các địa phương
Ông Phan Trung Tuấn cho biết, Bộ Nội vụ đã tham mưu giúp Đảng ủy Chính phủ xây dựng Đề án về sắp xếp, hợp nhất các ĐVHC cấp tỉnh, bỏ toàn bộ ĐVHC cấp huyện và tổ chức sắp xếp lại ĐVHC cấp xã, đồng thời với việc tổ chức mô hình chính quyền địa phương (CQĐP) 2 cấp.
Đề án này đang được trình, là đề án rất lớn và tác động ảnh hưởng đến các địa phương có thể nói lớn nhất từ trước đến nay, kể cả về tổ chức, đồng thời sắp xếp cả các ĐVHC cấp tỉnh, bỏ cấp huyện và tổ chức lại mọi ĐVHC cấp xã.
“Có thể nói tới đây chúng ta hình thành một bộ mặt mới của các địa phương cả nước; lần đầu tiên trong lịch sử tổ chức mô hình CQĐP 2 cấp, theo lộ trình sẽ thông qua trong tháng 6/2025 và có hiệu lực từ ngày 1/7/2025 bằng 1 nghị quyết sửa đổi bổ sung một số điều của Hiến pháp”- ông Phan Trung Tuấn nhấn mạnh.
Đồng bộ với đó, Bộ Nội vụ đang tham mưu trình Quốc hội tại Kỳ họp này, trong đó Luật Tổ chức CQĐP sáng nay (28/4) được UBTV Quốc hội cho ý kiến, Bộ Nội vụ sẽ hoàn thiện lại để tham mưu trình Chính phủ trình Quốc hội chính thức ban hành toàn bộ nội dung Luật, bảo đảm từ ngày 1/7 CQĐP 2 cấp sẽ đi vào hoạt động.
Đáng chú ý, theo ông Phan Trung Tuấn, liên quan tiến độ sắp xếp ĐVHC, đến nay các địa phương đã cơ bản hoàn thành xây dựng Đề án sắp xếp ĐVHC cấp tỉnh (đối với 52 tỉnh, TP thực hiện sắp xếp); còn 11 tỉnh, TP giữ nguyên. Đến hôm nay, Bộ Nội vụ đã nhận được 20 hồ sơ đề án của 20 địa phương.
“Chúng tôi đang làm ngày làm đêm, làm xuyên lễ 30/4-1/5 để tập trung tối đa, bảo đảm tiến độ của Bộ Nội vụ trình Chính phủ và trình các đề án sang UBTV Quốc hội. Phấn đấu trước 10/5 Bộ sẽ trình Chính phủ toàn bộ hồ sơ đề án sắp xếp của cả nước, khoảng ngày 15/5 sẽ trình toàn bộ hồ sơ đề án của Chính phủ trình Quốc hội và UBTV Quốc hội, cả về sắp xếp cấp tỉnh và cấp xã”- ông Phan Trung Tuấn khẳng định.

Vụ trưởng Vụ Chính quyền địa phương (Bộ Nội vụ) Phan Trung Tuấn tại họp báo
Về số lượng ĐVHC giảm theo chủ trương của T.Ư, đến nay Vụ Chính quyền địa phương mới nhận được 20 đề án của 20 địa phương, nhưng Vụ trưởng cho hay, trước đó dự liệu những tình huống có thể xảy ra, Vụ đã phối hợp thực hiện bảo đảm đúng tinh thần của T.Ư đặc biệt của đồng chí Tổng Bí thư là bảo đảm cấp xã phải gần dân, nên quy mô không được quá lớn. Vì vậy, số lượng mà T.Ư đã rất cân nhắc rất kỹ khi đưa ra là giảm 60-70% tổng số đơn vị cấp xã trên cả nước (còn địa bàn cụ thể do các địa phương quyết định). Khi các địa phương gửi đề án lên, Bộ Nội vụ sẽ tổ chức thẩm định để hoàn thiện hồ sơ đề án trình Chính phủ, trình UBTV Quốc hội quyết định, khi đó mới có con số cuối cùng.
Theo ông Phan Trung Tuấn, bước đầu tổng hợp từ các địa phương, dự kiến sau sắp xếp giảm khoảng 60-70%, số cấp xã hình thành mới là khoảng 3.300 đơn vị.
Địa phương toàn quyền quyết định bố trí nhân sự cấp xã
Trước vấn đề được đặc biệt quan tâm về nhân sự, cán bộ của CQĐP cấp xã tới đây, về tiêu chuẩn chức vụ chức danh cán bộ công chức cấp xã, Vụ trưởng Vụ Chính quyền địa phương cho hay, Bộ Nội vụ đã tham mưu trình UBTV Quốc hội tại Kỳ họp này Dự thảo Luật Cán bộ, Công chức (sửa đổi), trong đó đề xuất một hệ thống công vụ thống nhất trong hệ thống chính trị các cấp ở địa phương.
Như vậy, sau này sẽ có một hệ tiêu chí chung về tiêu chuẩn chức vụ, chức danh của cán bộ, công chức; sau khi Luật Cán bộ, Công chức được ban hành, Bộ sẽ tham mưu Chính phủ ban hành Nghị định mới quy định tiêu chuẩn cụ thể của CBCC trong đó có CBCC cấp xã.

Quang cảnh họp báo do Bộ Nội vụ tổ chức
Về phương án nhân sự, ông Phan Trung Tuấn thông tin, khi Đảng ủy Chính phủ xây dựng đề án đã trình Bộ Chính trị đến 3 lần, trước khi trình T.Ư, Bộ Chính trị xem xét cân nhắc rất kỹ lưỡng, bởi đây là vấn đề rất hệ trọng trong bối cảnh thực hiện cuộc cách mạng về sắp xếp bộ máy. Cụ thể, theo Kết luận 150 của Ban Chỉ đạo T.Ư, cơ bản trước mắt giữ nguyên số lượng biên chế và chuyển toàn bộ biên chế cấp huyện về cấp xã để bố trí cho các xã hình thành mới sau sáp nhập.
Trên cơ sở cân nhắc rất kỹ lưỡng, liên quan vấn đề nhân sự và biên chế, cơ bản trước mắt bước đầu sẽ giữ nguyên số lượng biên chế hiện nay, với đội ngũ lãnh đạo, quản lý, CBCCVC của cấp huyện hiện nay sẽ chuyển về cấp xã để bố trí cho các ĐVHC cấp xã hình thành mới sau sắp xếp.
"Tinh thần chúng ta đang thực hiện “địa phương quyết, địa phương làm, địa phương chịu trách nhiệm”; T.Ư chỉ định hướng về nguyên tắc, còn địa phương sẽ toàn quyền quyết định trong vấn đề bố trí nhân sự của cấp xã. Có thể bố trí Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Thành ủy hiện làm Bí thư của một ĐVHC cấp xã mới, chứ không chỉ mỗi Giám đốc sở hay Tỉnh ủy viên, Thành ủy viên có thể được bố trí vào vị trí này. Thậm chí có những địa bàn cấp xã quan trọng cũng có thể bố trí đến Ủy viên Ban thường vụ cấp tỉnh hiện nay làm chức danh người đứng đầu cấp ủy của địa phương”- ông Phan Trung Tuấn nêu rõ.
Đối với câu hỏi về bố trí phương án nhân sự ai làm Bí thư, ai làm Chủ tịch, Phó Chủ tịch cấp xã, sắp xếp thế nào; các cơ quan chuyên môn của cấp xã hình thành sắp tới ra sao, Vụ trưởng Vụ Chính quyền địa phương khẳng đinh, tất cả những nội dùng này do UBND cấp tỉnh từng địa phương sẽ quyết định và chịu trách nhiệm về các quyết định, các tiêu chuẩn chức danh theo quy định hiện hành của các cấp có thẩm quyền và theo quy định pháp luật hiện hành.
Cũng theo Vụ này, trong thời hạn 5 năm, Bộ Nội vụ sẽ ban hành bộ tiêu chuẩn mới để định biên biên chế của từng cấp tỉnh và từng cấp xã tới đây. Trước khi có bộ tiêu chuẩn mới, Bộ Nội vụ sẽ phối hợp Ban Chỉ đạo T.Ư rà soát lại tổng biên chế cả nước trong hệ thống chính trị để báo cáo Bộ Chính trị xem xét, quyết định vì đây là việc thuộc thẩm quyền của Bộ Chính trị.