Cô sinh viên đam mê với STEM, quyết học ngành Kỹ thuật để 'phụ nữ sao cứ phải nội trợ'
Tốt nghiệp THPT, Tuyết thuyết phục ba mẹ cho… học đại học, khi mà những người phụ nữ trong gia đình vốn chẳng để tâm và không có khái niệm gì về giảng đường. Sau 4 năm học, tất cả phải thay đổi khi nhìn thấy thành quả học tập và nghiên cứu khoa học của cô bạn.
Gia đình Tuyết làm nghề phân phối vé số tại Cần Thơ. Tuyết cho biết, trong gia đình mình chẳng có người phụ nữ nào học Đại học, và chuyện này được xem là rất bình thường. Cứ học xong THPT là ở nhà kiếm việc làm.
Vì thế, từ khi học phổ thông, cô sinh viên năm thứ tư, ngành Công nghệ Kỹ thuật Hóa học (trường ĐH Cần Thơ) đã có suy nghĩ phải làm điều gì đó khác biết: “Mình muốn làm gì đó khác đi với các định kiến thường thấy là phụ nữ thì nên làm các công việc: Nội trợ, nấu bếp, chăm con… nên thuyết phục ba mẹ phải cho học đại học”.
Vương Thị Ngọc Tuyết trong Phòng thí nghiệm tại trường ĐH Cần Thơ.
Tốt nghiệp THPT, Tuyết lại đăng ký xét tuyển vào ngành Công nghệ Kỹ thuật Hóa học, một ngành đa số là nam sinh viên. Những ngày đầu tiên vào giảng đường, Ngọc Tuyết trở nên rụt rè và ngại ngùng vì “lớp có 120 bạn mà chỉ có 4 bạn nữ. Mình chẳng dám phát biểu hay đưa ra ý kiến nào, nhiều khi thấy lo sợ, muốn làm gì đó cũng không biết bắt đầu từ đâu”.
Vượt qua những bỡ ngỡ, Ngọc Tuyết tham gia nhiều hơn các hoạt động tại trường, đặc biệt là tham gia vào chương trình kỹ thuật do Cơ quan Phát triển Quốc tế Hoa Kỳ (USAID) và ĐH Bang Arizona (Mỹ) tài trợ, nhằm ủng hộ Chương trình Quan hệ đối tác Mekong – Hoa Kỳ. Theo Tuyết, STEM là một chương trình giảng dạy dựa trên ý tưởng trang bị cho người học những kiến thức, kỹ năng liên quan đến (các lĩnh vực) khoa học, công nghệ, kỹ thuật và toán học – theo cách tiếp cận liên môn (interdisciplinary) và người học có thể áp dụng để giải quyết vấn đề trong cuộc sống hàng ngày.
Ngọc Tuyết (bìa phải) tham gia một cuộc thi nghiên cứu khoa học cùng các bạn.
Nhờ những cách tiếp cận mới mẻ, Tuyết nhận ra phụ nữ vẫn có thể nghiên cứu khoa học và làm được nhiều công việc “kỹ thuật” không kém gì nam giới. Cụ thể nhất là Dự án Kỹ thuật phục vụ Cộng đồng (EPICS), một cuộc thi khởi nghiệp xã hội dành cho sinh viên Việt Nam. Tuyết kể: “các nữ sinh viên được khuyến khích hợp tác làm việc để đổi mới các giải pháp thiết thực nhằm mang lại lợi ích trực tiếp cho cộng đồng. Những sáng tạo của mình thường bắt đầu từ những điều nhỏ nhặt xung quanh hoặc liên quan đến phụ nữ”.
Vốn có sở thích nấu ăn, lại thấy mẹ mình thường xuyên ăn kiêng do ảnh hưởng từ bệnh tiểu đường, Tuyết và hai cô bạn khác đã nghiên cứu và phát minh ra Kẹo cám, một loại kẹo được làm từ cám gạo với các thành phần được chọn lọc nhằm giúp bệnh nhân tiểu đường.
Tuyết cùng nhóm CTU-Team 1 giành giải tại Cuộc thi Dự án kỹ thuật phục vụ cộng đồng với sáng tạo Máy phun thuốc trừ sâu cho nông dân.
Cuối năm 2020, Ngọc Tuyết là nhóm trưởng của nhóm CTU-Team 1, gồm các sinh viên trường ĐH Cần Thơ tham gia nghiên cứu chế tạo ra máy phun thuốc trừ sâu với các con lăn để nông dân có thể phun xịt ngay tại vườn, thay vì phải mang vác các bình thuốc nặng trên lưng. Sáng tạo của Tuyết và các bạn đã được trao đồng giải Nhất tại Vòng chung kết cuộc thi Dự án kỹ thuật phục vụ cộng đồng (EPICS) với sự tham gia của 150 sinh viên từ 6 trường đại học trong cả nước, cùng trường ĐH Bách khoa (ĐHQG TP. HCM) và trường ĐH Bách khoa (ĐH Đà Nẵng).
Tuyết đã có thêm nhiều kinh nghiệm cho trong việc phát triển những ý tưởng đổi mới của mình, cô giải thích: “Theo đuổi lĩnh vực mà mọi người vốn nghĩ chỉ thích hợp với nam giới, mình lấy nó làm cảm hứng cho bản thân. Mình đặt suy nghĩ vào những vấn đề mà người phụ nữ phải đối mặt mỗi ngày. Năm trước, nhóm mình còn nghiên cứu ra máy sấy quần áo dành riêng cho mùa mưa. Chúng mình muốn tạo những thay đổi tích cực và đóng góp vào sự phát triển bền vững của môi trường cho người dân ở khu vực ĐBSCL”...
Tuyết muốn theo đuổi sự nghiệp trong lĩnh vực nhiên liệu tái tạo, cô chia sẻ: “Định hướng công việc tương lai mà mình mong muốn liên quan đến năng lượng tái tạo, tại một công ty dầu khí nào đó, nhưng thường họ chỉ tuyển dụng nữ cho các công việc văn phòng. Song mình vẫn muốn thử. Mình muốn cho mọi người thấy được mình có thể làm được những việc tương tự như những người nam giới khác”.
Tuy nhiên, thành quả lớn nhất với cô bạn này, là làm thay đổi cách nghĩ của những người phụ nữ trong gia đình mình về vai trò của học vấn. Vương Thị Ngọc Trang, em gái Tuyết, tâm sự: “nhiều lần em cũng nghĩ ở nhà phụ ba mẹ làm ăn sau khi học hết lớp 12. Nhưng chính chị Hai đã làm em thay đổi về học vấn”.
Chuẩn bị tốt nghiệp đại học, Ngọc Tuyết cho biết mong ước là “làm việc trong lĩnh vực nghiên cứu năng lượng tái tạo, có thể là một công ty dầu khí nào đó. Những nơi này đa số họ tuyển dụng nam nhưng mình vẫn muốn thử. Muốn biết mình ở vị trí nào thì phải có động lực, để người khác thấy rằng mình cũng có thể làm được tương tự như những người nam khác. Ở bất kỳ lĩnh vực nào, người phụ nữ vẫn luôn có vai trò quan trọng”.