Cơ quan trình dự án luật phải chịu trách nhiệm đến cùng
Góp ý kiến trong phiên thảo luận tổ về dự án Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật (sửa đổi) sáng 12/2, Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn lưu ý phải tăng cường vai trò của cơ quan trình trong việc chịu trách nhiệm đến cùng đối với dự thảo văn bản quy phạm pháp luật.
![Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn phát biểu ý kiến trong phiên thảo luận tổ sáng 12/2. (Ảnh: THỦY NGUYÊN)](https://photo-baomoi.bmcdn.me/w500_r1/2025_02_12_14_51457693/8c6547eb70a599fbc0b4.jpg)
Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn phát biểu ý kiến trong phiên thảo luận tổ sáng 12/2. (Ảnh: THỦY NGUYÊN)
Chủ tịch Quốc hội cho biết, theo Tờ trình của Chính phủ, dự thảo Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật (sửa đổi) được bố cục gồm 8 chương, 72 điều (giảm 9 chương, 101 điều so với Luật năm 2015).
Số điều giảm đi, rút khỏi luật là những quy định về nghị định, thông tư, thực hiện theo đúng quan điểm mới về xây dựng pháp luật là vấn đề thuộc thẩm quyền của Quốc hội thì Quốc hội quy định, còn Chính phủ sẽ ban hành các nghị định, thông tư để chủ động điều hành.
“Kinh tế-xã hội diễn biến thường xuyên. Việc điều hành vừa qua có những vướng mắc do Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật. Do đó, chúng ta sửa Luật này là trụ cột cho việc xây dựng các luật mới cũng như sửa đổi, bổ sung các luật bảo đảm đúng thẩm quyền”, Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh.
Nêu thực tế, trước đây có những dự luật cơ quan trình mới chỉ đáp ứng được 50-60% yêu cầu rồi chuyển sang cơ quan của Quốc hội rất vất vả; có những dự luật, Chủ tịch Quốc hội, các Phó Chủ tịch Quốc hội ngồi họp 7-8 cuộc, Chủ tịch Quốc hội cũng cho biết đã nhiều lần yêu cầu, nhắc nhở các bộ trưởng, trưởng ngành phải chịu trách nhiệm đến cùng trong xây dựng luật của cơ quan mình, không thể giao cho Thứ trưởng, rồi Thứ trưởng giao cho Vụ trưởng…, thiếu sâu sát.
“Do đó, hướng đến là phải tăng cường vai trò của cơ quan trình trong việc chịu trách nhiệm đến cùng về dự thảo văn bản quy phạm pháp luật. Đây là vấn đề cần lưu ý trong sửa đổi Luật lần này. Cùng với đó là tách quy trình chính sách ra khỏi quy trình lập dự kiến Chương trình lập pháp; phân định rõ quy trình chính sách và quy trình soạn thảo; hoàn thiện cơ chế một luật sửa nhiều luật…”, Chủ tịch Quốc hội lưu ý.
![Quang cảnh phiên thảo luận tại Tổ 13. (Ảnh: THỦY NGUYÊN)](https://photo-baomoi.bmcdn.me/w500_r1/2025_02_12_14_51457693/1c1fc891ffdf16814fce.jpg)
Quang cảnh phiên thảo luận tại Tổ 13. (Ảnh: THỦY NGUYÊN)
Chủ tịch Quốc hội nhất trí bổ sung nghị quyết của Chính phủ là văn bản quy phạm pháp luật để thực hiện đúng theo sự chỉ đạo của cấp có thẩm quyền; đề nghị rà soát kỹ lưỡng quy định nội dung ban hành nghị quyết của Chính phủ tại khoản 2 Điều 4, tránh trùng lặp nội dung khi ban hành nghị định.
Chủ tịch Quốc hội cũng đồng tình định hướng đổi mới quy trình lập pháp theo hướng các dự án luật, nghị quyết về nguyên tắc sẽ được xem xét, thông qua trong 1 kỳ họp Quốc hội nhằm đẩy nhanh tiến độ ban hành nhưng vẫn bảo đảm chất lượng của văn bản.
Trường hợp qua thảo luận tại kỳ họp, Quốc hội nhận thấy dự án có nhiều nội dung phức tạp còn có ý kiến khác nhau, cần có thêm thời gian để nghiên cứu tiếp thu, chỉnh lý thì Quốc hội quyết định xem xét, thông qua tại kỳ họp kế tiếp.
Theo Chủ tịch Quốc hội, Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật (sửa đổi) được Quốc hội thông qua sẽ tạo điều kiện cho việc xây dựng, hoàn thiện hệ thống pháp luật của Quốc hội trong thời gian tới, trước mắt là năm 2025 còn 2 kỳ họp thường lệ thứ 9 và thứ 10.
Cần làm rõ, tách bạch giữa “tham vấn” và “lấy ý kiến”
Tham gia thảo luận, các đại biểu Quốc hội tán thành với đề xuất mới về tham vấn chính sách và nhận thấy quy định về tham vấn chính sách giúp các cơ quan phối hợp chặt chẽ, hiệu quả hơn, góp phần nâng cao chất lượng, đẩy nhanh tiến độ xây dựng, ban hành văn bản quy phạm pháp luật.
Tuy nhiên, đây là vấn đề mới nên đề nghị nghiên cứu, quy định rõ khái niệm của “tham vấn chính sách”, phân biệt rành mạch giữa tham vấn chính sách với lấy ý kiến trong quá trình xây dựng chính sách, soạn thảo dự án luật, pháp lệnh, nghị quyết.
Theo Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương, mục đích, bản chất của tham vấn là tạo sự đồng thuận. Quá trình tham vấn là quá trình liên tục, từ khi phát hiện vấn đề thực tiễn, hình thành ý định về chính sách, đến khi hoạch định chính sách, bàn và thông qua chính sách, sau đó đưa ra luật về chính sách. Việc này do các cơ quan hoạch định chính sách (như cơ quan của Quốc hội, Chính phủ, hoặc Tòa án nhân dân tối cao, Viện Kiểm sát nhân dân tối cao…).
“Đối tượng tham vấn là cá nhân, tổ chức, các chuyên gia, các nhà khoa học và người dân. Quá trình lấy ý kiến người dân trên các Cổng thông tin chính là quá trình tham vấn chính sách”, Phó Chủ tịch Quốc hội nêu rõ.
![Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương nêu ý kiến trong phiên thảo luận tại tổ.](https://photo-baomoi.bmcdn.me/w500_r1/2025_02_12_14_51457693/fca82c261b68f236ab79.jpg)
Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương nêu ý kiến trong phiên thảo luận tại tổ.
Nhấn mạnh xin ý kiến các cơ quan là một quy trình của lập pháp, Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương đề nghị giữa tham vấn và xin ý kiến cần phải rành mạch.
“Lúc nào xin ý kiến, lúc nào thẩm tra thì cần phải làm rõ. Cần phải tách bạch giữa tham vấn, xin ý kiến và quyền thẩm tra. Nếu không tách bạch rành mạch giữa tham vấn, xin ý kiến và quyền thẩm tra của các cơ quan của Quốc hội thì sẽ không đúng với bản chất của tham vấn”, Phó Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh.
Đại biểu Nguyễn Thị Kim Anh (đoàn Bắc Ninh) đề nghị nên có quy định cơ quan có trách nhiệm xây dựng văn bản cũng phải có trách nhiệm trả lời văn bản góp ý kiến hoặc tổ chức họp để tiếp thu, giải trình đối với các ý kiến đóng góp.
Về hình thức tham vấn, có ý kiến cho rằng, tham vấn chính sách bằng hình thức hội nghị là rất khó, đơn cử, không phải lúc nào các chuyên gia trong nước và quốc tế cũng có thể đến dự họp để tham vấn. Trong thời đại công nghệ thông tin, nên linh hoạt hơn về hình thức, phương pháp tham vấn chính sách.
Đại biểu Vũ Tuấn Anh (đoàn Phú Thọ) cho rằng, đã tham vấn chính sách thì phải tham vấn các chuyên gia sẽ phù hợp hơn, thay vì tham vấn các cơ quan.