Cơ quan quản lý điểm danh chiêu trò của các đơn vị tư vấn du học

Trong xu thế hội nhập, các đơn vị tư vấn du học (TVDH) góp phần đáp ứng nguyện vọng, nhu cầu học tập đa dạng người dân. Để giảm thiểu rủi ro cho người dân khi làm việc với các đơn vị TVDH, cơ quan quản lý đã 'điểm mặt' một số chiêu trò thường gặp…

Những “bẫy” phổ biến

Theo số liệu của Bộ GD&ĐT, hiện có khoảng 200.000 du học sinh Việt Nam đang học nước ngoài ở các bậc học (THPT, đại học, sau đại học); tương đương khoảng 40.000 người đi du học mỗi năm (tăng khoảng 2,5 lần so với giai đoạn trước năm 2013) theo nguồn học bổng ngoài ngân sách nhà nước và du học tự túc.

Nhu cầu học sinh, sinh viên đi học tập ở nước ngoài ngày càng phổ biến ở nước ta (Ảnh minh họa)

Nhu cầu học sinh, sinh viên đi học tập ở nước ngoài ngày càng phổ biến ở nước ta (Ảnh minh họa)

Riêng với Hà Nội, ước tính, số lượng đi du học chiếm ¼ số lượng này, tức là có khoảng 10.000 học sinh du học mỗi năm. Đây là xu hướng toàn cầu và nhiều du học sinh sau khi học xong trở về đã góp phần không nhỏ trong việc nâng cao chất lượng lao động trình độ cao của nước ta.

Sở GD&ĐT Hà Nội cho hay, trên địa bàn TP có khoảng 1.100 doanh nghiệp TVDH. Qua công tác thanh, kiểm tra cho thấy, hầu hết các đơn vị chấp hành đúng các quy định của pháp luật liên quan đến hoạt động kinh doanh dịch vụ TVDH. Tuy nhiên, vẫn có một số đơn vị TVDH tổ chức hoạt động, truyền thông, quảng cáo tuyển sinh du học khi chưa đăng ký hoặc quảng cáo không chính xác về điều kiện học tập ở nước ngoài, tư vấn đến những trường không phải là đại diện tuyển sinh, chưa ký kết hợp tác, chưa có đầy đủ thông tin về pháp lý và tình trạng kiểm định chất lượng của các cơ sở giáo dục ở nước ngoài.

Nhiều tổ chức kinh doanh dịch vụ TVDH chưa công khai đầy đủ các nội dung theo quy định hoặc công khai chưa đúng với thực tế; chưa đảm bảo nguyên tắc quy định, thậm chí cá biệt có tổ chức không ký kết.

Nội dung giao kết hợp đồng với học sinh/cha mẹ học sinh chưa chặt chẽ, chưa rõ trách nhiệm và cam kết của các bên, một số đơn vị bất chấp các quy định của pháp luật làm giả năng lực tài chính nhân thân, không trả hồ sơ cho học sinh bị trượt tư cách lưu trú, phần khác do hạn chế về năng lực, kỹ năng truyền thông, xử lý tình huống của cán bộ tư vấn, cán bộ tuyển sinh; có hiện tượng ký hợp đồng và thực hiện thu phí sai quy định.

Việc thực hiện báo cáo định kỳ ở một số đơn vị chưa nghiêm túc, không đúng thời hạn quy định, nội dung thống kê chưa đầy đủ, không đúng biểu mẫu quy định, phải nhắc nhở đôn đốc nhiều lần, gây khó khăn cho công tác tổng hợp, thống kê của cơ quan quản lý.

Một số tổ chức đã hoạt động một thời gian dài mới tiến hành đăng ký hoạt động, chuyển địa điểm hoặc thay đổi các thông tin được cấp trong Giấy chứng nhận hoạt động nhưng không tiến hành đăng ký điều chỉnh, bổ sung.

Việc lưu trữ hồ sơ liên quan đến hoạt động kinh doanh dịch vụ TVDH chưa đầy đủ tại một số tổ chức như thất lạc, thiếu hồ sơ đăng ký hoạt động, hồ sơ nhân viên TVDH, hồ sơ thực hiện dịch vụ (hợp đồng, hóa đơn thu tiền dịch vụ, thông tin lưu học sinh…); có biên bản ghi nhớ nhưng không có hợp đồng với trường tiếp nhận lưu học sinh, hoặc hết hạn; không cung cấp được minh chứng về tình trạng kiểm định chất lượng của trường tiếp nhận du học sinh và không có phụ lục đính kèm hợp đồng thỏa thuận về thông tin trường nước ngoài nơi tiếp nhận du học sinh.

Vẫn có đơn vị nhập nhèm về yêu cầu hồ sơ với học viên nhằm mục đích buộc chân người học. PGS.TS Nguyễn Thị Phương Hoa, Giám đốc Trung tâm Nhịp cầu Đức CTC nêu ví dụ thực tế với thị trường Đức. Theo đó, hiện các văn bản từ Đại sứ quán Đức yêu cầu với du học sinh chỉ là dịch từ bản phô tô công chứng thay vì thu hồ sơ gốc nhưng thực tế vẫn có đơn vị cố tình yêu cầu học viên phải nộp toàn bộ giấy tờ gốc (Học bạ, Bằng tốt nghiệp THPT…).

Sẽ thu hồi giấy phép nếu phát hiện sai phạm

Phó Cục trưởng Cục Hợp tác quốc tế, Bộ GD&ĐT Nguyễn Tiến Dũng cho biết, lĩnh vực tư vấn du học cần đảm bảo thực hiện đúng quy định pháp luật, cần có hợp đồng với cơ sở đào tạo nước ngoài để đảm bảo quyền lợi người học. Các tổ chức TVDH cần đưa ra minh chứng đối với đơn vị đối tác đào tạo ở nước ngoài bởi thực tế vẫn có những trường hợp thành lập để bán bằng, đào tạo không chất lượng. Việc cơ quan chức năng yêu cầu phải có minh chứng của cơ quan có thẩm quyền, thẩm định về chất lượng đào tạo có mục đích là để đảm bảo người học được học ở những cơ sở có chất lượng.

Học sinh, sinh viên, phụ huynh cần tìm hiểu đa chiều thông tin về du học (Ảnh minh họa)

Học sinh, sinh viên, phụ huynh cần tìm hiểu đa chiều thông tin về du học (Ảnh minh họa)

“Là cơ quan quản lý Nhà nước, Cục sẽ tập hợp các kiến nghị phù hợp với thực tế để gửi các cơ quan thẩm quyền, sửa đổi đáp ứng nhu cầu của doanh nghiệp đồng thời đảm bảo quyền lợi người học”, ông Nguyễn Tiến Dũng thông tin.

Để đảm bảo quyền lợi cho học viên, Sở GD&ĐT Hà Nội yêu cầu các trung tâm thực hiện đúng quy định tại Nghị định số 86/2018/NĐ-CP về hợp tác, đầu tư của nước ngoài trong lĩnh vực giáo dục. Trong đó, chấp hành đúng quy định khi ký với đối tượng liên kết phải bảo đảm các yêu cầu: Cơ sở giáo dục đại học được thành lập, hoạt động hợp pháp ở nước ngoài; được cơ quan, tổ chức kiểm định chất lượng giáo dục hoặc cơ quan có thẩm quyền về giáo dục của nước ngoài công nhận về chất lượng giáo dục và được cơ quan, tổ chức có thẩm quyền của Việt Nam công nhận.

Năm 2024, Sở sẽ tăng cường biện pháp quản lý, đánh giá chất lượng dịch vụ của các tổ chức kinh doanh dịch vụ TVDH, phối hợp với các cơ quan liên ngành trong việc xác định rõ trách nhiệm các đơn vị, phát hiện, ngăn chặn, kiểm tra và kiên quyết xử lý các vi phạm theo quy định pháp luật. Sở đồng thời rà soát, thực hiện thủ tục đình chỉ hoạt động, thu hồi giấy chứng nhận hoạt động đối với những tổ chức không đủ điều kiện, không thực hiện đúng trách nhiệm của tổ chức theo quy định.

Cùng với đó, Sở GD&ĐT Hà Nội sẽ tiếp tục kết nối với các đại sứ quán để trao đổi, đối thoại với các doanh nghiệp xung quanh những quy định về du học, công khai thông tin chuẩn hóa về thị trường các nước để tránh các hành vi trục lợi, lừa đảo. Tăng cường phối hợp với các cơ quan, đơn vị, các cơ sở giáo dục triển khai các chương trình hợp tác, học tập, chia sẻ kinh nghiệm về giáo dục, đào tạo quốc tế, các chương trình học bổng, giao lưu góp phần thực hiện mục tiêu hợp tác quốc tế về giáo dục và đào tạo của Thủ đô.

Ngoài ra, để đảm bảo cao nhất quyền lợi của bản thân và học viên, khi có nhu cầu du học, các phụ huynh, học sinh, sinh viên nên tìm hiểu đa chiều thông tin, chọn các đơn vị TVDH uy tín để hợp tác và nếu phát hiện dấu hiệu bất thường cần báo ngay đến các cơ quan chức năng để phối hợp, giải quyết.

Nam Du

Nguồn KTĐT: https://kinhtedothi.vn/co-quan-quan-ly-diem-danh-chieu-tro-cua-cac-don-vi-tu-van-du-hoc.html
Zalo