Cơ quan nào giải quyết khiếu nại về Bảo hiểm xã hội?
Xin hỏi, cơ quan nào giải quyết khiếu nại về bảo hiểm xã hội? Trình tự giải quyết khiếu nại về bảo hiểm xã hội thế nào? – Câu hỏi của bạn đọc Huy Đoàn gửi về Báo Đại biểu Nhân dân.
Liên quan đến nội dung câu hỏi này, Luật sư Hoàng Văn Chiển, Đoàn Luật sư TP. Hà Nội tư vấn như sau:
Về thẩm quyền và trình tự, thủ tục giải quyết khiếu nại về Bảo hiểm xã hội.
“Điều 118. Khiếu nại về bảo hiểm xã hội
1. Người lao động, người đang hưởng lương hưu, trợ cấp bảo hiểm xã hội hằng tháng, người đang bảo lưu thời gian đóng bảo hiểm xã hội và những người khác có quyền đề nghị cơ quan, tổ chức, cá nhân có thẩm quyền xem xét lại quyết định, hành vi của cơ quan, tổ chức, cá nhân khi có căn cứ cho rằng quyết định, hành vi đó vi phạm pháp luật về bảo hiểm xã hội, xâm phạm đến quyền và lợi ích hợp pháp của mình.
2. Người sử dụng lao động có quyền đề nghị cơ quan, tổ chức, cá nhân có thẩm quyền xem xét lại quyết định, hành vi của cơ quan, tổ chức, cá nhân khi có căn cứ cho rằng quyết định, hành vi đó vi phạm pháp luật về bảo hiểm xã hội, xâm phạm đến quyền và lợi ích hợp pháp của mình.”
Căn cứ theo quy định tại Điều 118, Điều 119 Luật bảo hiểm xã hội năm 2014, Quyết định số Điều 14, Điều 15 QĐ số 378/QĐ-BHXH ngày 11/03/2020 và Khoản 10 Điều 1 Quyết định số 3668/QĐ-BHXH ngày 22 tháng 12 năm 2022 của Bảo hiểm xã hội Việt Nam sửa đổi Quyết định số 378/QĐ-BHXH thì thẩm quyền giải quyết khiếu nại sẽ tùy thuộc vào trường hợp, giai đoạn cụ thể thì Người lao động hoặc/và người đóng BHXH. Theo đó:
- Thẩm quyền giải quyết ban đầu do hành vi của người sử dụng lao động hoặc/và người có trách nhiệm/nghĩa vụ đăng ký và tiếp nhận tiền bảo hiểm xã hội: Người sử dụng lao động...
- Trường hợp hành vi vi phạm/Quyết định do Cơ quan bảo hiểm ban hành: Người đứng đầu cơ quan bảo hiểm ban hành QĐ hoặc/và có hành vi bị khiếu nại giải quyết lần đầu…: giám đốc BHXH cấp huyện, Thủ trưởng đơn vị sự nghiệp cấp huyện, giám đốc BHXH cấp tỉnh giải quyết khiếu nại lần hai hoặc trường hợp khác theo quy định.
Điều 14 Quyết định số 378/QĐ-BHXH ngày 11/03/2020 của Bảo hiểm xã hội Việt Nam quy định:
“Điều 14. Thẩm quyền giải quyết khiếu nại đối với quyết định hành chính, hành vi hành chính về BHXH, BHTN, BHYT; quyết định, hành vi về BHTN, BHYT; quyết định kỷ luật công chức, viên chức
1. Thủ trưởng đơn vị sự nghiệp, Giám đốc BHXH huyện
Giải quyết khiếu nại lần đầu theo phân cấp quản lý đối với quyết định, hành vi về BHTN, BHYT của mình, của viên chức do mình quản lý trực tiếp.
2. Giám đốc BHXH tỉnh
a) Giải quyết khiếu nại lần đầu đối với quyết định hành chính, hành vi hành chính về BHXH, BHTN, BHYT; quyết định, hành vi về BHTN, BHYT của mình, của công chức, viên chức do mình quản lý trực tiếp;
b) Giải quyết khiếu nại lần đầu đối với quyết định kỷ luật viên chức do mình ban hành;
c) Giải quyết khiếu nại lần hai đối với quyết định, hành vi về BHTN, BHYT mà Giám đốc BHXH huyện đã giải quyết lần đầu nhưng còn khiếu nại hoặc khiếu nại lần đầu đã hết thời hạn nhưng chưa được giải quyết.
3. Tổng Giám đốc
a) Giải quyết khiếu nại lần đầu đối với quyết định hành chính, hành vi hành chính về BHXH, BHTN, BHYT của mình, của công chức, viên chức do mình quản lý trực tiếp;
b) Giải quyết khiếu nại lần đầu đối với quyết định kỷ luật công chức, viên chức do mình ban hành;
c) Giải quyết khiếu nại lần hai đối với quyết định hành chính, hành vi hành chính về BHXH, BHTN, BHYT; quyết định, hành vi về BHTN, BHYT mà Thủ trưởng các đơn vị sự nghiệp, Giám đốc BHXH tỉnh đã giải quyết lần đầu nhưng còn khiếu nại hoặc khiếu nại lần đầu đã hết thời hạn nhưng chưa được giải quyết;
d) Giải quyết khiếu nại lần hai đối với quyết định kỷ luật viên chức mà Giám đốc BHXH tỉnh đã giải quyết lần đầu nhưng còn khiếu nại.
“Điều 15. Thẩm quyền giải quyết khiếu nại đối với quyết định, hành vi về BHXH
1. Giám đốc BHXH huyện giải quyết khiếu nại lần đầu theo phân cấp quản lý đối với quyết định, hành vi về BHXH của mình, của viên chức thuộc BHXH huyện.
2. Giám đốc BHXH tỉnh giải quyết khiếu nại lần đầu đối với quyết định, hành vi về BHXH của mình, của công chức, viên chức do mình quản lý trực tiếp.
3. Khiếu nại lần hai đối với quyết định, hành vi về BHXH mà Giám đốc BHXH tỉnh, Giám đốc BHXH huyện đã giải quyết lần đầu nhưng vẫn còn khiếu nại thì thẩm quyền, trình tự giải quyết được thực hiện theo Khoản 3 Điều 119 Luật BHXH.”
Quyết định số 3668/QĐ-BHXH ngày 22. 12.2022 của Bảo hiểm xã hội Việt Nam sửa đổi Quyết định số 378/QĐ-BHXH
“11. Sửa đổi, bổ sung khoản 1 Điều 14 như sau:
“1. Thủ trưởng đơn vị sự nghiệp, Giám đốc BHXH huyện
Giải quyết khiếu nại lần đầu theo phân cấp quản lý đối với quyết định hành chính, hành vi hành chính về BHXH, BHTN, BHYT; quyết định, hành vi về BHTN, BHYT của mình, của viên chức do mình quản lý trực tiếp.”
12. Sửa đổi, bổ sung điểm c khoản 2 Điều 14 như sau:
“c) Giải quyết khiếu nại lần hai đối với quyết định hành chính, hành vi hành chính về
BHXH, BHTN, BHYT; quyết định, hành vi về BHTN, BHYT mà Giám đốc BHXH huyện đã giải quyết lần đầu nhưng còn khiếu nại hoặc khiếu nại lần đầu đã hết thời hạn nhưng chưa được giải quyết”.”

Ảnh minh họa/ITN
Khiếu nại về bảo hiểm xã hội thuộc phạm vi nêu trên sẽ được giải quyết theo trình tự, thủ tục như sau:
“Điều 119. Trình tự giải quyết khiếu nại về bảo hiểm xã hội
1. Việc giải quyết khiếu nại đối với quyết định, hành vi hành chính về bảo hiểm xã hội được thực hiện theo quy định của pháp luật về khiếu nại.
2. Việc giải quyết khiếu nại đối với quyết định, hành vi về bảo hiểm xã hội không thuộc trường hợp quy định tại khoản 1 Điều này thì người khiếu nại có quyền lựa chọn một trong hai hình thức sau đây:
a) Khiếu nại lần đầu đến cơ quan, người đã ra quyết định hoặc người có hành vi vi phạm. Trường hợp cơ quan, người có quyết định, hành vi về bảo hiểm xã hội bị khiếu nại không còn tồn tại thì cơ quan quản lý nhà nước về lao động cấp huyện có trách nhiệm giải quyết;
b) Khởi kiện tại Tòa án theo quy định của pháp luật.
3. Trường hợp người khiếu nại được quy định tại điểm a khoản 2 Điều này không đồng ý với quyết định giải quyết khiếu nại lần đầu hoặc quá thời hạn quy định mà khiếu nại không được giải quyết thì có quyền khởi kiện tại Tòa án hoặc khiếu nại đến cơ quan quản lý nhà nước về lao động cấp tỉnh.
Trường hợp người khiếu nại không đồng ý với quyết định giải quyết khiếu nại của cơ quan quản lý nhà nước về lao động cấp tỉnh hoặc quá thời hạn quy định mà khiếu nại không được giải quyết thì có quyền khởi kiện tại Tòa án.
4. Thời hiệu khiếu nại, thời hạn giải quyết khiếu nại được áp dụng theo quy định của pháp luật về khiếu nại.”