Cơ quan lập đề xuất chính sách phải tham vấn các chủ thể chịu tác động
Đây là một điểm mới tại dự thảo Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật (sửa đổi) vừa được Quốc hội thông qua sáng nay (19/2).
Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật và Tư pháp Hoàng Thanh Tùng trình bày Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật (sửa đổi) sáng 19/2.

Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật và Tư pháp Hoàng Thanh Tùng trình bày Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật (sửa đổi) sáng 19/2.
Sáng 19/2, trong ngày làm việc cuối cùng của Kỳ họp bất thường lần thứ 9, Quốc hội biểu quyết thông qua dự thảo Luật Ban hành Văn bản quy phạm pháp luật (VBQPPL) (sửa đổi).
Kết quả, có 459/461 số đại biểu tham gia biểu quyết tán thành (chiếm 96,03%) đối với dự thảo Luật.
Trước khi thông qua, Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật và Tư pháp Hoàng Thanh Tùng trình bày Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật (sửa đổi).
Phải tham vấn các đối tượng chịu tác động của chính sách (các điều 3, 6, 30 và 68)
Ông Hoàng Thanh Tùng cho biết, một số ý kiến đề nghị rà soát quy định về hoạt động tham vấn chính sách bảo đảm phù hợp với chức năng, nhiệm vụ của các cơ quan của Quốc hội; quy định rõ cơ quan lập đề xuất chính sách có trách nhiệm chủ trì tổ chức tham vấn; nghiên cứu xác định rõ đối tượng tham vấn để bảo đảm tính khả thi.
Theo Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH), tham vấn chính sách là quy định mới, việc tổ chức thực hiện cần được quy định hợp lý để bảo đảm tính khả thi, phù hợp với chức năng, nhiệm vụ của các cơ quan có liên quan và không làm ảnh hưởng đến tính khách quan, độc lập của cơ quan thẩm tra.
Tiếp thu ý kiến của các vị ĐBQH, UBTVQH đã chỉ đạo rà soát, chỉnh lý dự thảo Luật theo hướng cơ quan lập đề xuất chính sách có trách nhiệm tổ chức tham vấn chính sách; chủ thể được tham vấn là Thường trực Hội đồng Dân tộc, Thường trực Ủy ban của Quốc hội và Bộ, cơ quan ngang Bộ;
Cơ quan lập đề xuất chính sách có trách nhiệm mời các chủ thể, như đối tượng chịu sự tác động trực tiếp của chính sách, đại diện tổ chức xã hội nghề nghiệp, các chuyên gia, nhà khoa học… tham dự hội nghị tham vấn theo yêu cầu của cơ quan được tham vấn (điểm b khoản 1 Điều 30).
Dự án không phải thực hiện quy trình xây dựng chính sách thì phải thuyết minh về tác động của chính sách
Một số ý kiến đề nghị việc xây dựng dự án luật trong mọi trường hợp đều phải thực hiện quy trình xây dựng và đánh giá tác động chính sách, kể cả dự án không phải thực hiện quy trình xây dựng chính sách và những chính sách được bổ sung trong quá trình tiếp thu, chỉnh lý.
UBTVQH cho rằng, nếu quy định “cứng” trường hợp dự án không phải thực hiện quy trình xây dựng chính sách mà vẫn phải có “Báo cáo đánh giá tác động chính sách” thì cũng không thực sự hợp lý, vì việc xây dựng Báo cáo này đòi hỏi tuân theo quy trình chặt chẽ, thiết kế nhiều phương án chính sách, đánh giá ưu điểm, hạn chế của từng phương án để lựa chọn sẽ làm chậm tiến độ xây dựng, ban hành văn bản.
Do đó, dự thảo Luật đã được chỉnh lý theo hướng đối với dự án không thuộc trường hợp phải thực hiện quy trình xây dựng chính sách thì cơ quan trình vẫn phải đánh giá và nêu rõ tác động của chính sách trong bản thuyết minh dự kiến quy phạm hóa chính sách (khoản 2 Điều 27) và đây là tài liệu bắt buộc phải có trong hồ sơ dự án gửi phản biện xã hội, lấy ý kiến, thẩm định, thẩm tra, trình UBTVQH, Quốc hội (các điều 33, 34, 37, 39);
Đồng thời, bổ sung quy định trước khi biểu quyết thông qua, nếu bổ sung chính sách mới thì cơ quan trình có trách nhiệm đánh giá tác động của chính sách đó (khoản 3 Điều 29).

96,03% ĐBQH biểu quyết thông qua dự thảo Luật Ban hành (sửa đổi)
Dự án Luật đủ điều kiện mới được thông qua tại một kỳ họp
Có ý kiến đề nghị quy định dự án luật cần được xem xét, thông qua tại 02 kỳ họp như quy định của Luật hiện hành, không nên bó hẹp việc xem xét, thông qua tại một kỳ họp mà giao UBTVQH quyết định căn cứ vào tính chất của từng dự án; bổ sung tiêu chí áp dụng đối với dự án thông qua theo quy trình một kỳ họp hay nhiều kỳ họp.
UBTVQH nhận thấy, quy trình lập pháp theo dự thảo Luật đã được thay đổi theo hướng cơ quan trình chủ động xây dựng, trình dự án ở bất kỳ thời điểm nào trong năm; trường hợp sau khi xem xét, cho ý kiến, UBTVQH thấy rằng dự án luật đã được chuẩn bị kỹ, có chất lượng tốt, có thể trình Quốc hội xem xét, thông qua tại một kỳ họp Quốc hội thì mới sắp xếp đưa vào Chương trình kỳ họp; trường hợp dự án còn nhiều vấn đề, chưa đạt yêu cầu để trình Quốc hội thông qua thì chưa đưa vào Chương trình kỳ họp để các cơ quan tiếp tục chỉnh lý, hoàn thiện.
Đối với dự thảo luật, nghị quyết dự kiến được thông qua tại một kỳ họp nhưng chưa được thông qua thì theo đề nghị của UBTVQH, Quốc hội sẽ xem xét, quyết định lùi thời điểm thông qua để tiếp tục hoàn thiện, trình Quốc hội thông qua tại kỳ họp tiếp theo hoặc trình lại.
"Dự thảo Luật đã thiết kế cụ thể trình tự xem xét, thông qua dự thảo luật, nghị quyết tại các điều 39, 40, 41 theo quy trình tại một kỳ họp và kỳ họp tiếp theo, bảo đảm chặt chẽ. Việc đổi mới theo hướng này nhằm bảo đảm chất lượng của việc soạn thảo các dự án trình Quốc hội, góp phần nâng cao hiệu quả hoạt động lập pháp, đẩy nhanh tiến độ ban hành luật, kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, đáp ứng yêu cầu của thực tiễn", ông Tùng nói.
Ngoài ra, dự thảo Luật đã tiếp thu ý kiến các ĐBQH để chỉnh lý bổ sung theo hướng: quy định về sự tham gia sớm hơn của ĐBQH trước khi cơ quan chuyên trách trình dự án luật, quy định chung trách nhiệm xin ý kiến và dẫn chiếu đến văn bản của Đảng trong quá trình xây dựng chính sách.
Dự thảo Luật Ban hành VBQPPL (sửa đổi) có 9 chương và 72 điều, có hiệu lực từ ngày được thông qua.
Những dự án luật, nghị quyết đã có trong Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2025 trước ngày Luật này được thông qua thì việc soạn thảo, trình, xem xét, cho ý kiến và thông qua được thực hiện theo quy định của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật số 80/2015/QH13 đã được sửa đổi, bổ sung một số điều theo Luật số 63/2020/QH14.
Đối với dự án luật, nghị quyết của Quốc hội, pháp lệnh, nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội được bổ sung vào Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh (Chương trình lập pháp) năm 2025 kể từ ngày Luật này được thông qua thì việc xây dựng, ban hành được thực hiện theo quy định của Luật này.