Cò phòng khám tư nhân: Cần sớm chung tay đẩy lùi!

Để hạn chế nạn cò phòng khám tư nhân, nhiều bệnh viện trên địa bàn TP.HCM đã áp dụng hình thức đăng ký khám bệnh trực tiếp qua tổng đài và app điện tử.

Mới đây, Pháp Luật TP.HCM có đưa tin về tình trạng Bát nháo “cò” xe ôm ở Bệnh viện (BV) Tai Mũi Họng TP.HCM.

Cụ thể, tại BV xuất hiện một số xe ôm tự quản vừa hành nghề xe ôm vừa làm “cò” chèo kéo, cung cấp thông tin sai lệch, dẫn dắt người dân vào phòng khám tư trước cổng BV Tai Mũi Họng TP.HCM. Nhóm “cò” này dẫn dụ bệnh nhân bằng chiêu trò “khám nhanh”, “chỉ đắt hơn 50-60.000 đồng so với bệnh viện”, “phòng khám do bác sĩ trong BV làm”. Trên thực tế, chi phí thăm khám rất cao.

Thông tin trên nhận về nhiều sự bức xúc của bạn đọc, cho rằng các bệnh viện cần phối hợp với chính quyền địa phương để ngăn chặn cò phòng khám tư nhân, tránh để bệnh nhân “tiền mất tật mang”.

 "Cò” tiếp cận người đi khám bệnh, hướng dẫn vào phòng khám đối diện BV. Ảnh: NGUYỄN YÊN

"Cò” tiếp cận người đi khám bệnh, hướng dẫn vào phòng khám đối diện BV. Ảnh: NGUYỄN YÊN

Bẫy “cò” giăng khắp nơi

Xém rơi vào “bẫy cò” phòng khám tư nhân, bạn đọc Quang Khải chia sẻ: “Mới đây mình đến BV D.L TP.HCM để khám, gần đến BV thì có một người đàn ông chạy xe máy theo tiếp cận mình. Người này hỏi mình có phải đến BV khám không và khẳng định thứ 7 BV không làm việc, hướng dẫn mình đến phòng khám gần đó và giới thiệu của Phó Giám đốc BV, rất uy tín.

Nửa tin, nửa ngờ nhưng vì dưới tỉnh lên, lạ nước lạ cái nên mình cũng đi theo địa chỉ người này cung cấp. Đến nơi thấy phòng khám cũ kĩ, bé tí xíu và tối tăm nên mình sợ quá phóng xe chạy đi luôn. Trên đường trở lại BV thì thấy “cò” tiếp tục chỉ dẫn cho vài người khác, sợ thật”.

Bày tỏ sự bức xúc trước tình trạng trên, bạn đọc Đỗ Đạt viết: “Thật tội nghiệp cho những bệnh nhân bị mắc bẫy, mất tiền nhưng chưa chắc đã khỏi bệnh. Các đối tượng thường hướng đến nạn nhân là người già, người ở tỉnh đến TP lớn khám bệnh để đánh vào tâm lý muốn “nhanh gọn”. Ngoài “cò” phòng khám tư còn xuất hiện thêm “cò” bắt tay với nhân viên BV để lấy số khám sớm rồi ăn hoa hồng, chặt chém phí thăm khám. Đây là những hành vi bất lương, kiếm sống dựa vào bệnh tật của người khác. Mong cơ quan quản lý sớm có biện pháp xử lý dứt điểm”.

Trong khi đó, bạn đọc Hà Lê góp ý cách hạn chế tình trạng “cò” phòng khám tư nhân: “Các BV cần quyết liệt áp dụng mô hình đăng ký khám bệnh online, tôi thấy BV Đại học Y dược đang thực hiện rất tốt, mô hình này giúp người dân không tốn nhiều thời gian chờ đợi, đồng thời hạn chế được nạn “cò”. Bên cạnh đó, người dân khi đi khám bệnh cần nâng cao cảnh giác, trừ bảo vệ BV, nhân viên hướng dẫn thì cẩn trọng trước khi cung cấp thông tin, tránh bị kẻ xấu lợi dụng”.

 "Cò" liên tục dẫn dụ bệnh nhân qua phòng khám tư đối diện BV Tai Mũi Họng TP.HCM. Ảnh: NGUYỄN YÊN.

"Cò" liên tục dẫn dụ bệnh nhân qua phòng khám tư đối diện BV Tai Mũi Họng TP.HCM. Ảnh: NGUYỄN YÊN.

Áp dụng kỹ thuật số để hạn chế “cò”

Trao đổi với PV, ThS Võ Duy Thức, Trưởng phòng Hành chính Quản trị BV Ung Bướu TP.HCM, cho biết, để hạn chế bệnh nhân rơi vào bẫy cò, thời gian qua BV đã áp dụng hình thức đăng ký khám bệnh trực tiếp qua tổng đài CSKH (1900636223) cả hai cơ sở, đăng ký qua App "BV Ung Bướu - Đặt khám" tại CS1.

Đồng thời, BV này cũng lắp đặt các bảng thông tin ở vị trí cổng ra vào cảnh báo tình trạng “Cò bệnh viện”, phát loa với nội dung: “Đề nghị bệnh nhân khi đến khám tại bệnh viện lấy số tại quầy đăng ký hoặc liên hệ với bộ phận Chăm Sóc Khách Hàng để được hướng dẫn thủ tục, không nên nghe lời dụ dỗ của “cò khám bệnh” để tránh mất tiền và thiệt hại đến quyền lợi của người bệnh”.

BV bố trí hệ thống camera quan sát trước các cổng ra vào, thường xuyên phối hợp với lực lượng Công an địa phương, cung cấp hình ảnh các đối tượng có dấu hiệu “cò” để cơ quan chức năng giám sát, xử lý.

Để tránh bị lừa đảo, ThS Thức đề nghị bệnh nhân khi có nhu cầu khám bệnh vui lòng đi thẳng vào trong BV gặp bảo vệ hoặc nhân viên chăm sóc khách để được hướng dẫn cụ thể. Bên cạnh đó, người nhà bệnh nhân khi đi khám bệnh tuyệt đối tuân thủ theo hướng dẫn, chỉ dẫn của BV, không cả tin vào những lời dụ dỗ, lôi kéo của các đối tượng “cò” phía trước cổng để tránh xảy ra những thiệt hại đáng tiếc.

“Trước khi đi khám bệnh có thể vào các trang thông tin điện tử của bệnh viện (website, fanpage, tiktok, youtube) để tìm hiểu thông tin, hoặc điện thoại bộ phận CSKH 1900636223 để được hướng dẫn” – ThS Thức thông tin.

Hành vi của “cò” xe ôm bị xử lý ra sao?

Về phương diện pháp lý, chuỗi hành vi này bị xem là vi phạm pháp luật và sẽ có các chế tài xử lý tương ứng tùy theo mức độ vi phạm.

Cụ thể, trong lĩnh vực an toàn giao thông đường bộ, trường hợp các “cò” xe ôm này dừng xe, đỗ xe ở lòng đường đô thị gây cản trở giao thông; tụ tập từ 3 xe trở lên ở lòng đường, trong hầm đường bộ; đỗ, để xe ở lòng đường đô thị, hè phố trái quy định của pháp luật thì có thể bị phạt tiền từ 300.000 đến 400.000 đồng theo quy định tại điểm đ khoản 2 Điều 6 Nghị định 100/2019.

Trong lĩnh vực an ninh, trật tự, an toàn xã hội, hành vi chen chúc, xô đẩy, chèo kéo gây nên tình trạng hỗn loạn mất trật tự công cộng của các “cò” xe ôm này có thể bị xử phạt vi phạm hành chính với mức phạt từ 300.000 đồng đến 500.000 đồng theo điểm a khoản 1 Điều 7 Nghị định 144/2021.

Đặc biệt, trường hợp đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi này mà còn vi phạm, người thực hiện hành vi có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội gây rối trật tự công cộng theo quy định tại Điều 318 BLHS.

Trong quá trình xác minh, làm rõ, nếu các cơ quan có thẩm quyền làm rõ được hành vi của các “cò” xe ôm này có liên quan đến các phòng khám tư nhân khác thì các phòng khám này có thể sẽ bị xử lý theo quy định tại Luật cạnh tranh.

Cụ thể, trường hợp các phòng khám tư thuê hoặc đưa các lợi ích để những “cò” xe ôm này đưa thông tin gian dối hoặc gây nhầm lẫn cho khách hàng, bệnh nhân về phòng khám hoặc hàng hóa, dịch vụ, khuyến mại, điều kiện giao dịch liên quan đến hàng hóa, dịch vụ mà phòng khám của mình cung cấp nhằm thu hút khách hàng của các bệnh viện, phòng khám khác khác; so sánh hàng hóa, dịch vụ của mình với hàng hóa, dịch vụ các bệnh viện, phòng khám khác nhưng không chứng minh được nội dung.

Luật sư Trương Văn Tuấn, Đoàn Luật sư TP.HCM

SONG MAI ghi

TRẦN MINH

THẢO HIỀN

Nguồn PLO: https://plo.vn/co-phong-kham-tu-nhan-can-som-chung-tay-day-lui-post804503.html
Zalo