ĐBQH lo ngại thông qua Luật Điện lực (sửa đổi) tại một kỳ họp là quá gấp rút

Nhiều ĐBQH lo ngại, với nội dung và khối lượng sửa đổi, bổ sung của Luật Điện lực (sửa đổi) quá lớn, nếu thông qua dự thảo Luật tại một kỳ họp là quá gấp rút, việc xem xét, cho ý kiến hoàn thiện quy định không được kỹ lưỡng.

ĐB Nguyễn Thị Việt Nga (Hải Dương) lo ngại Luật Điện lực (sửa đổi) thông qua tại một kỳ họp là "quá gấp rút", không kỹ lưỡng.

ĐB Nguyễn Thị Việt Nga (Hải Dương) lo ngại Luật Điện lực (sửa đổi) thông qua tại một kỳ họp là "quá gấp rút", không kỹ lưỡng.

Tiếp tục chương trình Kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XV, chiều 7/11, tại Nhà Quốc hội, dưới sự điều hành của Phó chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải, Quốc hội thảo luận về dự án Luật Điện lực (sửa đổi).

Luật Điện lực năm 2004 đã qua 4 lần sửa đổi, bổ sung vào các năm 2012; 2018; 2022 và năm 2023 (mới có hiệu lực thi hành từ ngày 1/7/2024).

Tuy nhiên, sau gần 20 năm triển khai thi hành, đến giai đoạn hiện nay còn tồn tại một số vấn đề mà các quy định tại Luật Điện lực hiện hành chưa đáp ứng được, cần thiết phải sửa đổi, bổ sung nhằm thể chế hóa đầy đủ các chủ trương, đường lối của Đảng và các luật, nghị quyết khác.

Trên cơ sở nhận diện các cơ sở chính trị và tổng kết các tồn tại, vướng mắc, khó khăn trong thi hành Luật Điện lực thời gian, vừa qua, Chính phủ đã trình Quốc hội đề nghị xây dựng Luật Điện lực (sửa đổi).

Giải trình, làm rõ một số nội dung của các đại biểu Quốc hội nêu, Bộ trưởng Bộ Công thương Nguyễn Hồng Diên cho biết: "Với sự hội nhập quốc tế và thực hiện các cam kết quốc tế cũng như khắc phục những bất cập, chưa phù hợp với thực tiễn thì việc sửa đổi toàn diện Luật Điện lực là cần thiết".

Việc bổ sung các loại năng lượng mới như điện gió gần bờ và điện gió ngoài khơi hay những loại năng lượng khác là cũng cần được đề cập trong dự án Luật Điện lực (sửa đổi), đảm bảo phù hợp với nhu cầu thực tế.

Còn nhiều băn khoăn

ĐB Nguyễn Thị Việt Nga (Hải Dương) nêu quan điểm: "Hồ sơ trình Quốc hội của Chính phủ đề nghị Quốc hội xem xét thông qua Luật Điện lực (sửa đổi) theo quy trình 1 kỳ họp, tuy nhiên, nội dung sửa đổi của Luật lần này rất lớn, sửa đổi toàn bộ nội dung luật, trong đó có những nội dung quan trọng như đầu tư phát triển dự án điện lực, mua bán điện và hệ thống điện quốc gia".

"Với nội dung và khối lượng sửa đổi, bổ sung lớn như vậy, nếu thông qua tại 1 kỳ họp là quá gấp rút", ĐB Việt Nga cho biết và bày tỏ băn khoăn: "Việc xem xét, cho ý kiến hoàn thiện các quy định sẽ không được kỹ lưỡng, đồng thời các chính sách sửa đổi đều là những nội dung mang tính dài hạn, đó là sự phát triển lâu dài, ổn định của điện lực quốc gia".

Để có thêm thời gian nghiên cứu, chỉnh sửa nhằm đảm bảo chất lượng của luật, bà Nga đề nghị không thực hiện quy trình rút gọn trong lần sửa đổi này.

Lo ngại này cũng được ĐB Trần Hữu Hậu (Tây Ninh) đề cập: "Nếu thông qua trong 1 kỳ họp, việc sửa đổi Luật Điện Lực chỉ nên tập trung vào những vấn đề thật sự cấp thiết, đã được đánh giá tác động kỹ lưỡng, làm cơ sở thực hiện mục tiêu trước mắt là bảo đảm an ninh năng lượng quốc gia. Nếu sửa đổi toàn diện thì cần trong 2 kỳ họp".

Bởi lẽ, với thực trạng hiện tại của ngành điện, rất nhiều nội dung đưa ra chưa tạo được hành lang thông thoáng và căn cứ pháp lý mạnh mẽ để phát triển ngành điện đáp ứng những yêu cầu to lớn của sự phát triển đất nước và nâng cao mọi mặt đời sống nhân dân.

Dẫn chứng, theo ông Hậu là hàng loạt vấn đề đang gây bức xúc, tranh cãi liên quan đến ngành điện như: Giá điện, mua bán điện, phát điện và hòa điện lên lưới của các nhà máy ngoài EVN; bù chéo… rồi ranh giới giữa kinh doanh với thực hiện những nhiệm vụ an sinh xã hội, nhưng tựu trung là do thiếu một thị trường điện cạnh tranh thực sự.

Liên quan đến độc quyền ngành điện, ĐB Nguyễn Duy Thanh (Cà Mau) quan tâm tới Điểm c Khoản 2 Điều 5 dự thảo luật quy định "nhà nước độc quyền vận hành lưới điện truyền tải, trừ lưới điện truyền tải điện do các thành phần kinh tế ngoài nhà nước đầu tư xây dựng".

Quy định như vậy, theo ĐB Thanh sẽ mâu thuẫn với khoản 5 Điều 5 dự thảo luật, xóa bỏ mọi độc quyền, rào cản bất hợp lý, thực hiện xã hội hóa tối đa trong đầu tư khai thác dịch vụ, thu hút mọi thành phần kinh tế tham gia đầu tư xây dựng công trình nguồn điện, lưới điện theo quy hoạch phát triển điện lực.

"Hiện nay có khoảng 95% lưới điện quốc gia do nhà nước đầu tư thì khó có thể thực hiện xã hội hóa như khoản 5 Điều 5 dự thảo luật mong muốn", ĐB Nguyễn Duy Thanh nói,

Cho rằng, Luật Điện lực là một luật khó, phức tạp, dự kiến bổ sung, sửa đổi nhiều nội dung mới, nhiều quy định mang tính chuyên môn sâu và có phạm vi rộng, tác động ảnh hưởng lớn đến sự phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh và hợp tác quốc tế trước mắt cũng như lâu dài, ĐB Trần Thị Thanh Hương (An Giang) bày tỏ thống nhất với sự cần thiết sửa đổi, bổ sung Luật Điện lực để khắc phục những vướng mắc, bất cập nhưng rất cần phải xem xét một cách kỹ lưỡng, thận trọng và đánh giá một cách khách quan, toàn diện.

ĐB Trần Thị Thanh Hương đề nghị cơ quan chủ trì soạn thảo nghiên cứu, cần có những quy định cụ thể, chi tiết tại Điều 24, bên cạnh nguồn lực nhà nước, cần có giải pháp thu hút các nguồn lực đầu tư, góp phần đảm bảo nguồn cung cấp điện.

Ngoài ra, nên bổ sung quy định tại điểm b khoản 2 Điều 73 về việc xác định nguyên nhân, thẩm quyền và trách nhiệm của ngành điện trong việc bồi thường thiệt hại khi xảy ra gián đoạn cung cấp điện do lỗi của nhà cung cấp.

"Điều này không chỉ bảo vệ quyền lợi của khách hàng mà còn tạo động lực cho nhà cung cấp tăng cường trách nhiệm, tính minh bạch và nâng cao chất lượng dịch vụ, giảm thiểu sự cố, đảm bảo cung cấp điện ổn định, góp phần xây dựng môi trường điện kinh doanh công bằng và chuyên nghiệp hơn trong ngành điện", ĐB Hương nêu quan điểm.

Hải Yến

Nguồn Đầu Tư: https://baodautu.vn/dbqh-lo-ngai-thong-qua-luat-dien-luc-sua-doi-tai-mot-ky-hop-la-qua-gap-rut-d229495.html
Zalo