Cổ phiếu mía đường 'ngọt' hơn
Năm 2025, ngành mía đường kỳ vọng có một năm 'ngọt ngào' hơn nhờ giá đường tăng trong bối cảnh nguồn cung toàn cầu thâm hụt lớn.
Thị trường thuận lợi
Báo cáo phân tích của Công ty Chứng khoán Tiên Phong (TPS) cho biết, niên vụ 2024 - 2025, thị trường đường thế giới thâm hụt đáng kể về nguồn cung. Cụ thể, sản lượng đường toàn cầu dự kiến đạt 179,287 triệu tấn, giảm 1,976 triệu tấn so với niên vụ trước, tương ứng mức giảm 1,09% so với cùng kỳ năm trước. Trong khi đó, tiêu thụ đường toàn cầu dự kiến tăng lên 182,867 triệu tấn, tăng hơn 1,4 triệu tấn so với niên vụ trước, tương ứng tăng 0,77%.
Nguồn cung đường toàn cầu giảm chủ yếu do sản lượng đường của Brazil và Ấn Độ - hai quốc gia sản xuất đường lớn nhất thế giới - dự báo giảm mạnh. Cụ thể, sản lượng đường của Brazil dự báo giảm khoảng 14 triệu tấn so với niên vụ trước, chủ yếu do thời tiết bất lợi ở miền Trung và Nam nước này. Còn tại Ấn Độ, sản lượng đường dự báo giảm 2,7 triệu tấn trong niên độ 2024 - 2025 do mục tiêu đạt được tỷ lệ ethanol 20% trong hỗn hợp xăng vào năm 2025. Bên cạnh đó, thời tiết ở miền Nam nước Nga khô hơn và nóng hơn bình thường, dẫn đến sự sụt giảm cung đường củ cải, giảm khoảng 0,5 triệu tấn so với niên vụ trước.
Ở chiều ngược lại, Thái Lan có sản lượng đường dự kiến tăng 2,2 triệu tấn so với niên vụ trước. Một số quốc gia xuất khẩu đường khác kỳ vọng sản lượng tăng như Mexico, Columbia, Pakistan.
Nhu cầu tiêu thụ đường toàn cầu được dự báo tăng trong giai đoạn 2023 - 2030, bất chấp xu hướng giảm lượng đường trong các sản phẩm F&B. Động lực chủ yếu đến từ gia tăng dân số toàn cầu, đặc biệt là ở các quốc gia đang phát triển, cùng sự phục hồi của ngành F&B do kinh tế và du lịch hồi phục.
Trước bối cảnh nguồn cung thiếu hụt, giá đường thế giới được kỳ vọng phục hồi trong năm 2025.
Ngành mía đường Việt Nam đang đứng trước nhiều điều kiện thuận lợi. Cùng với việc giá đường trong nước tăng theo giá đường thế giới thì niên vụ 2023 - 2024, ngành mía đường đánh dấu năm thứ ba liên tiếp diện tích và sản lượng mía tăng trưởng. Theo Hiệp hội Mía đường Việt Nam (VSSA), diện tích mía thu hoạch đạt 159.000 ha, tăng 12% so với cùng kỳ; sản lượng ép mía đạt 10,9 triệu tấn, tăng 13%; tổng sản lượng đường đạt hơn 1,1 triệu tấn, tăng 10% so với năm trước. Sự tăng trưởng này một phần do giá mua mía nguyên liệu tăng lên, dao động từ 1,1 - 1,3 triệu đồng/tấn, ngang với các quốc gia sản xuất mía đường khác trong khu vực.
Mặc dù sản xuất đường trong nước chỉ đáp ứng khoảng 46% nhu cầu tiêu thụ, Việt Nam vẫn nhập khẩu hơn 50% lượng đường để đáp ứng nhu cầu trong nước, ước tính khoảng 2,2 triệu tấn mỗi năm. Tuy nhiên, với sự hỗ trợ từ Chính phủ thông qua các biện pháp kiểm soát nhập khẩu và phòng vệ thương mại, ngành đường đang có cơ hội phát triển mạnh mẽ.
Báo cáo của Bộ Công Thương cho thấy, mức tiêu thụ nước giải khát tại Việt Nam đạt khoảng 23 lít/người/năm, thấp hơn nhiều so với mức trung bình toàn cầu là 40 lít/người/năm. Điều này cho thấy tiềm năng phát triển của thị trường nước giải khát không cồn cũng như ngành mía đường trong những năm tới.
Giá đường trong nước phục hồi mạnh kể từ năm 2021 đến nay, từ mức bình quân 15.000 đồng/kg trong năm 2021 lên gần 23.000 đồng/kg vào cuối năm 2023, sau đó giảm về 21.000 đồng/kg vào cuối tháng 8/2024. Giá đường giảm trong năm 2024 là do lo ngại về tình trạng dư cung trong bối cảnh các doanh nghiệp chịu sức ép về đường lậu và đường lỏng siro ngô. Giá đường nhập lậu vào Việt Nam có mối tương quan khá cao với giá đường Thái Lan, trong khi đó, sản lượng đường niên vụ 2024 - 2025 của Thái Lan dự báo tăng mạnh có thể ảnh hưởng không tích cực tới giá đường Việt Nam. Tuy nhiên, do sản lượng đường thế giới toàn cầu được dự báo thâm hụt, giá đường toàn cầu kỳ vọng được cải thiện cũng sẽ tác động tích cực tới giá đường Việt Nam trong năm tới.
Thêm một yếu tố hỗ trợ với doanh nghiệp mía đường nội địa là Bộ Công Thương đang xây dựng Dự thảo Thông tư quy định về hạn ngạch thuế quan nhập khẩu một số mặt hàng có xuất xứ từ Lào. Thông tư này quy định hạn ngạch thuế quan nhập khẩu đối với mặt hàng là thuốc lá, gạo và đường có xuất xứ từ Lào được hưởng thuế suất thuế nhập khẩu ưu đãi đặc biệt khi nhập khẩu vào Việt Nam giai đoạn 2024 - 2029.
Kỳ vọng lợi nhuận tăng trưởng mạnh
Niên độ tài chính 2024 - 2025 (từ ngày 1/7/2024 – 30/6/2025), Công ty cổ phần Thành Thành Công - Biên Hòa (mã chứng khoán SBT) có triển vọng mở rộng vùng nguyên liệu sản xuất lên 90.000 ha. Theo dự phóng của Công ty Chứng khoán Mirae Asset Việt Nam, doanh thu năm 2025 của SBT đạt 31.343 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế đạt 2.097 tỷ đồng, lần lượt tăng 8% và tăng 165% so với cùng kỳ năm trước.
Công ty cổ phần Mía đường Sơn La (SLS) được kỳ vọng duy trì đà tăng trưởng trong niên độ 2024 - 2025 khi được hưởng lợi giá đường cao. Niên độ tài chính trước, Mía đường Sơn La ghi nhận lợi nhuận sau thuế 526,3 tỷ đồng, tăng 0,6% so với cùng kỳ. Đây là mức lãi ròng cao nhất trong lịch sử hoạt động của doanh nghiệp, phá kỷ lục thiết lập trong niên độ trước. Với kết quả trên, SLS đã hoàn thành vượt 284% kế hoạch lợi nhuận cả niên độ.
Công ty cổ phần Mía đường Lam Sơn (Lasuco, mã chứng khoán LSS) đặt mục tiêu doanh thu niên độ 2024 - 2025 đạt 2.700 tỷ đồng, tăng trưởng 10 - 15%. Mía đường vẫn là mảng kinh doanh cốt lõi của Lasuco. Công ty có lợi thế về vùng nguyên liệu tốt. Ngoài ra, Công ty cũng xác định hoạt động xuất nhập khẩu sẽ chiếm 30 - 40% doanh thu.
Với xu hướng đi lên của giá đường và triển vọng kinh doanh tích cực của các doanh nghiệp ngành đường, nhóm cổ phiếu này kỳ vọng sẽ tiếp tục đem lại dư vị ngọt ngào cho các cổ đông, nhà đầu tư.
Năm 2024, trong bối cảnh thị trường chung đi ngang, nhiều cổ phiếu ngành đường ghi nhận hiệu suất đầu tư vượt trội. Tính từ đầu năm đến ngày 25/12/2024, thị giá cổ phiếu QNS (của Công ty cổ phần Đường Quảng Ngãi) tăng 23,32%; thị giá SLS tăng 42,47%; thị giá LSS tăng hơn 17%...