Cổ phiếu chứng khoán, đầu tư công tỏa sáng
Thị trường tiếp tục tăng thận trọng trong phiên giao dịch sáng nay khi thanh khoản sụt giảm xuống mức thấp nhất 8 phiên. Dù vậy kết quả tốt là VN-Index vượt nhẹ lên trên mốc 1270 điểm và khá nhiều cổ phiếu tăng nổi bật, dù không phải là nhóm dẫn dắt điểm số...
![Thanh khoản tổng thể dù nhỏ nhưng vẫn có sự tập trung đẩy giá hiệu quả ở nhiều nhóm cổ phiếu.](https://photo-baomoi.bmcdn.me/w500_r1/2025_02_12_3_51456315/cbbd3e42090ce052b91d.jpg)
Thanh khoản tổng thể dù nhỏ nhưng vẫn có sự tập trung đẩy giá hiệu quả ở nhiều nhóm cổ phiếu.
Thị trường tiếp tục tăng thận trọng trong phiên giao dịch sáng nay khi thanh khoản sụt giảm xuống mức thấp nhất 8 phiên. Dù vậy kết quả tốt là VN-Index vượt nhẹ lên trên mốc 1270 điểm và khá nhiều cổ phiếu tăng nổi bật, dù không phải là nhóm dẫn dắt điểm số.
VN30-Index tăng rất nhẹ 0,11% dù có 17 mã tăng/11 mã giảm. Ngay điều này cũng cho thấy biên độ tăng giá ở nhóm blue-chips là không đủ sức mạnh. Trụ duy nhất nổi bật trong Top 10 vốn hóa là VHM khi tăng 1,06%.
Hiện tượng chững lại và suy yếu ở nhiều cổ phiếu lớn là nguyên nhân khiến tốc độ đi lên của chỉ số chậm, dù độ rộng thể hiện trạng thái tăng giá tích cực ở diện rộng. VCB, BID, CTG, FPT, TCB, HPG đều là những mã lớn nhất thị trường và đang giảm. Cổ phiếu ngân hàng có LPB tăng 1,89% nhưng là đại diện duy nhất của nhóm này trong rổ VN30. Các mã khác như VPB, STB, HDB tăng quá yếu, số còn lại tham chiếu hoặc giảm.
Mặc dù các blue-chips không giúp thị trường mạnh mẽ từ điểm số, nhưng cũng góp phần ổn định và dòng tiền nhỏ hoạt động tích cực ở các nhóm khác. Midcap chốt phiên sáng tăng 0,5%, Smallcap tăng 0,41%, tốt hơn nhiều mức tăng 0,16% của VN-Index hay 0,11% của VN30-Index. Độ rộng toàn sàn HoSE cũng khá với 227 mã tăng/173 mã giảm.
Nhóm cổ phiếu bất động sản khu công nghiệp, đầu tư công và chứng khoán đang có nhiều đại diện tăng giá vượt trội. Trong 227 cổ phiếu xanh ở HoSE, có 61 mã tăng trên 1% thì Top 10 thanh khoản ở nhóm này toàn các cổ phiếu nói trên: VCG tăng 3,12% khớp 224,2 tỷ đồng; HHV tăng 2,36% khớp 145 tỷ; SZC tăng 1,36% với 112,7 tỷ; VIX tăng 1,61% với 85,7 tỷ; ORS tăng 1,7% với 78,1 tỷ; KBC tăng 1,21% với 75,4 tỷ; CII tăng 1,04% với 67,7 tỷ; VND tăng 1,19% với 65,8 tỷ…
Hạn chế duy nhất của các nhóm cổ phiếu nói trên là vốn hóa. Không có mã nào lọt được vào top 10 cổ phiếu kéo điểm cho chỉ số. Bù lại biên độ và thanh khoản khá tốt cho thấy nhà đầu tư vẫn đang hoạt động tích cực. Thực tế đối với đa số nhà đầu tư, giá tăng và danh mục lãi nhiều hơn là điều quan trọng hơn chỉ số.
Với độ rộng thể hiện sự áp đảo của bên tăng theo tỷ lệ 1,31:1, cơ hội để danh mục đạt hiệu quả tích cực là cao. Ngay trong số giảm, hầu hết cũng giao dịch rất nhỏ. DXG, TCM, SBT, HAG, TTA là các mã hiếm hoi giảm quá 1% mà có thanh khoản trên 10 tỷ đồng. Các mã đỏ có thanh khoản cao như TCB, HPG, FPT, CTG, ACB thì biên độ giảm rất nhẹ.
![](https://photo-baomoi.bmcdn.me/w500_r1/2025_02_12_3_51456315/70c0823fb5715c2f0560.jpg)
Dòng tiền tổng thể trên thị trường sáng nay cũng khá thụ động khiến thanh khoản rất thấp. Tổng giá trị khớp lệnh hai sàn sụt giảm 24% so với sáng hôm qua, chỉ đạt 5.309 tỷ đồng, thấp nhất 8 phiên. HoSE cũng giảm khoảng 24%, đạt 4.984 tỷ đồng. Đặc biệt giao dịch rổ VN30 giảm tới 51% với 1.689 tỷ đồng. Không có gì bất ngờ khi giá nhóm cổ phiếu VN30 lại kém như vậy vì dòng tiền vận động rất chậm.
Với việc sụt giảm giao dịch đáng kể ở nhóm cổ phiếu ngân hàng cũng như các trụ như FPT, HPG, thị trường đang cho thấy tâm lý “né” các mã blue-chips khi VN-Index vẫn đang luẩn quẩn ở vùng đỉnh cũ tháng 12 năm ngoái. Cơ hội lợi nhuận được tận dụng và tốt hơn trong nhóm cổ phiếu vừa và nhỏ. Thậm chí ngay trong các nhóm này cũng có sự phân hóa lựa chọn rất rõ ràng.
Nhà đầu tư nước ngoài sáng nay bán ròng nhẹ 192 tỷ đồng trên sàn HoSE và bán rải ở nhiều cổ phiếu. MWG đang bị xả lớn nhất với 41,5 tỷ đồng ròng. Ngoài ra chỉ vài mã như HCM -28 tỷ, SSI -25,3 tỷ, DGC -22,8 tỷ, CTG -21,2 tỷ là đáng kể. Phía mua cũng chỉ có VCG +24,6 tỷ, KBC +16,2 tỷ, TCB +14,8 tỷ, VNM +12,9 tỷ.