Lương Văn Phong, ông chủ của DeepSeek, trở thành tỷ phú công nghệ mới của thế giới?
DeepSeek, một công ty khởi nghiệp của Trung Quốc có trụ sở tại Hàng Châu, đã trở thành hiện tượng chỉ sau một đêm sau khi phát hành mô hình trí tuệ nhân tạo (AI) nguồn mở mới vào tháng trước và giá trị của công ty đã thu hút sự chú ý.
Gần 100 tổ chức muốn đầu tư vào DeepSeek
Trong dịp Tết Ất Tỵ vừa qua, gần 100 tổ chức đầu tư được cho là đã cho người tìm hiểu cách thức và tìm kiếm cơ hội đầu tư vào DeepSeek, nhưng ban lãnh đạo cấp cao của công ty này dứt khoát bày tỏ không quan tâm đến việc thương mại hóa và chỉ muốn thực hiện nghiên cứu công nghệ.
Trang tin The Paper hôm 11/2 đã trích dẫn lời một “angel investor” (nhà đầu tư thiên thần - cá nhân cung cấp vốn cho một hoặc nhiều doanh nghiệp, bao gồm cả các công ty khởi nghiệp, thường để đổi lấy nợ chuyển đổi hoặc vốn sở hữu) giấu tên người Trung Quốc nói rằng: “Chỉ riêng trong dịp Tết Nguyên đán, gần 100 tổ chức đầu tư đã nhờ người giới thiệu để xem có cơ hội đầu tư vào DeepSeek hay không”.
Nhà đầu tư này cũng thắng thắn: "Chúng ta cần phải suy nghĩ tại sao trước đây chúng ta đã bỏ lỡ các dự án như DeepSeek".
Đào Như, một kỹ sư thuật toán tại một công ty AI ở Thượng Hải, cho biết, với tư cách là một sinh viên tốt nghiệp thuật toán tại một trường đại học hàng đầu của Trung Quốc, anh đã nhận được một lời mời từ DeepSeek vào năm ngoái, nhưng cuối cùng đã bỏ lỡ vì lo ngại công ty này không đủ nổi tiếng và sẽ không tập trung vào AI. Anh than thở: "Năm ngoái, tôi đã bỏ qua DeepSeek, nhưng bây giờ nó quá cao xa, tôi không đủ khả năng tiếp cận".
Một nhà đầu tư khác cho biết, trên thực tế, một số tổ chức đầu tư đã để mắt đến DeepSeek từ lâu trước khi nó trở nên nổi tiếng, nhưng kết cục không có tổ chức nào đầu tư thành công. "Ban quản lý cấp cao của DeepSeek đã tuyên bố rõ ràng rằng họ không hứng thú đến việc thương mại hóa và chỉ muốn thực hiện nghiên cứu công nghệ. Tuy nhiên, các tổ chức đầu tư muốn kiếm tiền từ công ty thông qua thương mại hóa và tìm kiếm doanh thu, lợi nhuận và vốn hóa đối với công ty. Họ cũng muốn người sáng lập phải từ bỏ một số quyền sở hữu vốn và quyền tự do nhất định".
Người đứng đầu một mô hình kỳ lân lớn khác cho biết Lương Văn Phong "nổi tiếng trong ngành là người kiên trì theo đuổi chủ nghĩa lãng mạn công nghệ".
Ông Tiêu Ngưỡng Hoa, giáo sư Khoa Khoa học Máy tính và Công nghệ thuộc Đại học Phúc Đán, Thượng Hải, cho rằng: "Đừng bỏ lỡ các DeepSeek khác chỉ vì đang theo đuổi DeepSeek. Điều chúng ta cần là không vội vàng đổ xô theo đuổi và bắt chước".
Tiêu Ngưỡng Hoa cho rằng, sự trỗi dậy của DeepSeek là một hình ảnh thu nhỏ về sức mạnh AI của Trung Quốc và một nhóm các công ty khởi nghiệp khác của Trung Quốc tương tự như DeepSeek đang nổi lên trên trường thế giới.
Lương Văn Phong đã trở thành ông trùm công nghệ mới?
Mặt khác, với sự nổi lên và bùng nổ của DeepSeek, sự giàu có của ông chủ trẻ Lương Văn Phong (Liang Wenfeng), người thuộc thế hệ 8X sinh năm 1985, đã trở thành chủ đề nóng trong giới tài chính.
Theo bài viết của Bloomberg hôm 11/2, 7 nhà sáng lập các công ty khởi nghiệp và chuyên gia AI đã có những bất đồng lớn trong việc định giá của DeepSeek, với phạm vi định giá dao động từ 1 tỷ USD đến 155 tỷ USD.
Với việc Lương Văn Phong hiện nắm giữ 84% cổ phần DeepSeek, giá trị tài sản ròng của ông có thể tới 126 tỷ USD, vượt qua cả Jensen Huang (Hoàng Nhân Huân), CEO của gã khổng lồ chip Nvidia (khoảng 113,4 tỷ USD) lẫn Trương Nhất Minh (Zhang Yiming), nhà sáng lập của Beijing ByteDance, công ty mẹ của TikTok và Douyin (khoảng 45,6 tỷ USD), để trở thành một tỷ phú trùm công nghệ mới.