Cổ phiếu chạm đáy, khối ngoại sẽ ngừng bán
Sau chuỗi phiên lao dốc, thị trường chứng khoán đã bắt đầu ghi nhận những tín hiệu tích cực: VN Index bật mạnh từ mốc 1.200 điểm, nhà đầu tư ngoại mua ròng.
Để có cái nhìn rõ nét hơn về xu hướng thị trường trong thời gian tới, ĐTTC đã có cuộc phỏng vấn ông ĐÀO HỒNG DƯƠNG, Giám đốc phân tích ngành và cổ phiếu của VPBankS.
PHÓNG VIÊN: - Ông đánh giá thế nào về diễn biến thị trường trong những phiên giao dịch gần đây?
Ông ĐÀO HỒNG DƯƠNG: - Cá nhân tôi nhìn nhận thị trường trong 2 tuần qua chịu tác động rất lớn, bởi giao dịch của NĐT nước ngoài khi họ quay trở lại bán ròng mạnh, như đã từng bán ở thời điểm từ tháng 4 đến tháng 7. Tuy nhiên, áp lực bán ròng đã giảm mạnh trong những phiên gần đây.
Một điểm sáng nữa là dòng tiền NĐT trong nước khá độc lập, khi không chạy theo làn sóng bán ròng của khối ngoại. Chính vì vậy, thị trường sẽ có mức độ cung cầu cân bằng hơn. Ở thời điểm hiện tại, khi mà định giá các ngành và cổ phiếu (CP) bắt đầu hấp dẫn, tôi tin rằng dòng tiền trong nước sẽ là động lực cho thị trường sớm tạo vùng ổn định.
- Ngưỡng 1.200 điểm theo ông đây có phải là đáy thị trường chưa?
- Dựa trên phân tích kỹ thuật, những “đáy nhọn” của VN Index thường rơi vào thời điểm thanh khoản thấp. Do vậy người ta thường nói giai đoạn này là “lên trong nghi ngờ”, vì thanh khoản tăng trở lại và xác nhận thị trường phục hồi và thường VN Index đã tăng được.
Về mặt cơ bản, theo tôi hiện hầu hết ngành nghề và CP đều đang đi vào vùng giá hấp dẫn. Dữ liệu lịch sử mà chúng tôi đo lường 16 ngành trong 8 năm, cho thấy có 9/16 ngành đang giao dịch ở mức P/E dưới mức bình quân 8 năm, trong đó có 5 ngành về gần mức thấp nhất của chu kỳ 8 năm.
Đối với chỉ tiêu P/B thì có 14/16 ngành giao dịch dưới mức bình quân 8 năm, trong đó có 6 ngành gần mức thấp nhất 8 năm. Đồng thời, P/B của VN Index đang ở 1,6 lần, trong khi mức thấp nhất trong 8 năm là 1,5 lần và bình quân là 2,2 lần. Như vậy định giá của VN Index cũng đã về mức thấp hơn rất nhiều so với bình quân.
- Theo như phân tích 16 nhóm ngành mà ông vừa nói thì nhóm ngành hấp dẫn nhất hiện nay là gì?
- Những ngành đang có định giá hấp dẫn, P/E thấp hơn mức bình quân 8 năm, gồm thực phẩm và đồ uống, tài nguyên cơ bản, bất động sản, hàng và dịch vụ công nghiệp, điện nước và xăng dầu khí đốt, bảo hiểm, ngân hàng. Nếu xét về P/B thì con số ngành về mức hấp dẫn nhiều hơn nữa như bất động sản, dầu khí, bán lẻ, thực phẩm đồ uống, ngân hàng, bảo hiểm, điện, nước, xây dựng…
Số liệu thống kê cho thấy bức tranh về mặt bằng định giá của các ngành trên thị trường đang ở mức hấp dẫn, thấp nhất trong chu kỳ 8 năm. Việc đầu tư vào ở vùng định giá thấp giúp hạn chế rủi ro. Tuy nhiên, mức độ lợi nhuận là bao nhiêu thì phải đi sâu vào triển vọng của ngành trong tương lai.
- Vậy những yếu tố tác động chính đến TTCK hiện nay là gì?
- Trong năm 2024 và 2025, tôi cho rằng TTCK đang có những động lực và rủi ro đan xen. Về mặt động lực, vấn đề nội tại như tăng trưởng kinh tế đã khả quan trong 9 tháng và khả năng cả năm GDP đạt 7%. Nhiều nhận định cho rằng mục tiêu của 2025 sẽ không thấp hơn 2024.
Yếu tố kế tiếp là tăng trưởng lợi nhuận của doanh nghiệp niêm yết 3 quý gần nhất khoảng 21%, là con số thuận chiều và phản ánh tăng trưởng kinh tế. Đi sâu về ngành, nhiều ngành đã phục hồi ở quý thứ 3 liên tiếp như bán lẻ, hàng không, khẳng định đà phục hồi bền vững; một số ngành tạo đáy thành công như bất động sản nhà ở. Những tín hiệu này cho thấy có cơ sở để dự báo tăng trưởng lợi nhuận 2024 và 2025 của doanh nghiệp niêm yết lên mức khả quan hơn.
Về mặt rủi ro, một quan ngại chung khi ông Donald Trump lên làm Tổng thống là thiên về mặt thương mại, bảo vệ lợi ích của nền sản xuất Mỹ. Điều này có nguy cơ kích hoạt chiến tranh thương mại trở nên gắt gao hơn. Hầu hết NĐT cho rằng xu hướng tăng rào cản thuế quan có thể tác động đến lạm phát quay trở lại, làm ảnh hưởng đến lộ trình giảm lãi suất của Fed.
Mặt khác, trong bối cảnh lạm phát cao mà bức tranh kinh tế vẫn ảm đạm, sẽ khiến các tài sản phòng thủ như USD tăng giá, lợi tức trái phiếu Mỹ duy trì ở mức cao.
Đối với Việt Nam, những yếu tố trên sẽ gây áp lực lên tỷ giá, đặc biệt trong 2 tuần vừa qua. Tôi cho rằng đây là một trong nguyên nhân dẫn đến xu hướng bán ròng quay trở lại của khối ngoại. Tuy nhiên, điểm đáng mừng là mức chiết khấu của thị trường đã đủ để khối ngoại có xu hướng chậm lại đà bán ròng cho đến khi ngừng hẳn.
- Nói như vậy dư địa bán ròng của khối ngoại đã không còn nhiều?
- Tôi có thể lấy dẫn chứng từ TTCK Nhật Bản. Đó là khi mà chiết khấu thị trường đủ lớn, mặt bằng giá đủ thấp, thì NĐT sẽ không bán ròng nữa. Trong đợt sóng của thị trường Nhật Bản vừa qua, cơn hoảng loạn chỉ diễn ra trong 2 ngày và sau đó cân bằng lại rất nhanh.
Đây là điểm đáng lưu ý, bởi nếu chúng ta chạy theo mà không nhìn lại bao giờ họ dừng bán thì mất cơ hội. Thực tế, trong một thị trường định giá hấp dẫn, nếu khối ngoại dừng bán thì nhịp hồi đến rất nhanh.
- Ngoài câu chuyện định giá và triển vọng, ông có thể chia sẻ kinh nghiệm xây dựng danh mục đầu tư?
- Theo cá nhân tôi, phải đánh giá về khẩu vị chấp nhận rủi ro, từ đó mới đưa ra danh mục với tỷ trọng ngành nghề khác nhau. Tôi chắc chắn sẽ không bao giờ để trứng vào một rổ. Để phân tán rủi ro, tôi cho rằng nên chia ra nhiều ngành khác nhau. Cá nhân tôi có khẩu vị rủi ro thấp, tương đối thận trọng nên yếu tố đầu tiên tôi quan tâm là định giá của ngành nghề. Bởi với một ngành có định giá thấp và triển vọng ngành đã tạo đáy thì thường ổn định và ít rủi ro.
Yếu tố thứ 2 là quy mô và vị thế. Tôi thường chọn ngành nghề có vốn hóa chiếm tỷ trọng lớn trên thị trường, thanh khoản cao như ngân hàng, bất động sản, thép. Đồng thời, những ngành nghề này cũng phản ánh xu hướng nền kinh tế, thường lĩnh vực này không tăng được thì thị trường khó tăng.
Hay một số ngành nghề có triển vọng tăng trưởng bứt phá như bất động sản, chứng khoán, bán lẻ. Mặt khác, trong bối cảnh định giá hấp dẫn thì ngành công nghệ thông tin cũng đáng lưu ý bởi tăng trưởng ổn định. Khi xây dựng danh mục cá nhân, tôi thường đặt 50% tỷ trọng danh mục vào ngành nền tảng như ngân hàng, bất động sản, thép.