Có những thứ thật xưa nhưng chẳng cũ bao giờ
Hầu như những đứa trẻ quê như tôi rất ít chụp ảnh hồi còn nhỏ, mà nếu có, thì đều chung một biểu cảm: tò mò, rụt rè và khép nép!
Tôi có hai tấm ảnh, một tấm do bạn của anh trai chụp ngay trước cái cổng gài bằng gai tre dẫn vào nhà và một tấm chụp lúc con trai của một người bác lấy vợ.
Tấm ảnh do người anh kia chụp năm tôi sáu tuổi, tôi đứng ngay trước ngõ có cây cốc rừng già với những chùm quả bạc mốc. Khi ấy, những buổi trưa không ngủ, tôi cùng lũ bạn quê thường dùng cây tre khoèo cốc, chấm với muối ớt xanh ăn ngon lành dẫu chúng có vị chát nhiều hơn chua.
Và khi ấy, cứ bước vào tháng tư, thời tiết miền Trung bắt đầu nắng chang chang khô hạn kéo dài, mẹ kêu mấy anh em ra giếng nước, cắt tóc ngắn từng đứa chỉ một kiểu duy nhất như cái nồi đất chụp lên đầu. Vậy nên đứa trẻ sáu tuổi trong tấm ảnh trên tay vẫn còn cầm những trái cốc xanh với mái tóc không thể ngộ nghĩnh hơn! Tấm ảnh đó đã thất lạc sau nhiều lần chuyển nhà vì làng dịch bệnh.
Tấm ảnh còn lại chụp với cả một đám trẻ con chú con bác trong họ. Và đến bây giờ, nhìn vào từng đứa trong hình, tôi phải xác tín nhiều lần mới biết đứa nào là đứa nào. Bé gái bên phải khung hình giờ đã chồng con đủ đầy. Hai đứa con trai nhỏ nhất đứng phía trước với mái tóc như chiếc nồi úp lập nghiệp tận miền Nam.
Và tôi thì sấp ngửa đời người với mái đầu đã không còn xanh nữa. Khi ấy đang mùa hè, nhưng lo xa cho mùa đông dài sẽ đến, lại được một món tiền nhỏ vụ mùa, má mua sẵn một chiếc áo len đan tay nền đen hoa trắng. Thế nhưng với sự háo hức trẻ thơ và sự thôi thúc của mùi len mới, tôi mặc ngay dù nắng hạ có chói chang đến thế nào.
Sau này, món tiền đầu tiên lúc đi làm thêm khi học xa nhà, tôi không do dự mà mua ngay một chiếc máy ảnh cũ. Mỗi dịp nghỉ hè về nhà, trên hành trình quay lại phương Nam, tôi cảm giác không hề cô đơn bởi mang theo đầy ắp những hình ảnh rất đỗi thân thương của quê nhà. Mỗi một tấm ảnh là một câu chuyện. Mỗi vết chân chim hằn sâu trên gương mặt sạm đen của ba và má là bao nhiêu lo toan mùa vụ. Mỗi góc nhà, mỗi đồ vật, mỗi cái cây lớn dần theo năm tháng cũng ghi dấu kỷ niệm…
Tôi lưu giữ sự chuyển động của thời gian để nhắc nhớ dẫu chọn cho mình hành trình nào, vẫn luôn thiện lương và hướng về nguồn cội. Sau này, mỗi tấm ảnh rửa ra tôi đều ghi vài dòng phía sau như dòng ghi nhớ, để những khi tề tựu gia đình, lật lại từng tấm ảnh cũ, những kỷ niệm ấu thơ dẫu nhuốm màu thời gian vẫn cứ sống động như mới hôm nào.
Đứa trẻ nào rồi cũng sẽ lớn lên, sẽ rời xa gia đình, sẽ phải tự trưởng thành trên con đường riêng của mình. Người lớn rồi cũng già đi, và đến một độ tuổi nào đó, những hình ảnh cũ, ký ức cũ sẽ là một phần không thể thiếu để vỗ về những trống trải, cô đơn trong mỗi người.
Những tấm ảnh cũ như một sợi dây gắn kết mọi người bởi đôi khi vì quá lo toan cuộc sống thường nhật, chúng ta đã vô tình quên đi nhiều thứ. Chúng ta quên đi góc sân thường loanh quanh chạy nhảy, quên những cây ổi sẻ trong vườn đã từng leo trèo, quên những người bạn chăn bò thuở còn đầu trần chân đất. Chúng ta vội vàng đến mức chưa thể bắt một chuyến xe về thăm ba má, về gội rửa đi đám rêu trơn nơi thềm giếng và dọn lại đám cỏ vườn đã xâm lấn qua mấy đợt mưa.
Để những dịp cuối năm trở về nhà, bắt gặp những gương mặt người quê sạm đen mưa nắng, bắt gặp bà lão bên nhà tóc như mây khói, bắt gặp ba má đang gom củi khô phơi trước hiên nhà lặng lẽ, chợt thấy thời gian khắc nghiệt đến vô cùng. Và khi nhìn vào những tấm ảnh cũ, mới nhận ra rằng có những thứ thật xưa nhưng chẳng cũ bao giờ!