Có nên nhân rộng rẽ phải khi đèn đỏ?

Cho phép phương tiện được rẽ phải khi đèn đỏ giúp giảm tải áp lực giao thông, giảm ùn tắc. Tuy nhiên, theo các chuyên gia, không phải nút giao nào cũng nên áp dụng.

Nơi giảm ùn ứ, nơi vẫn tắc

Những ngày cuối năm, lưu lượng phương tiện tăng cao trên nhiều tuyến đường ở Hà Nội, tình trạng ùn tắc diễn ra phổ biến hơn, ngay cả khi chưa vào giờ cao điểm.

Cho phép xe rẽ phải khi đèn đỏ giúp giải tỏa lưu lượng phương tiện, giảm ùn tắc giao thông và ô nhiễm môi trường (Chụp tại nút giao Nguyễn Hoàng - Mỹ Đình).

Cho phép xe rẽ phải khi đèn đỏ giúp giải tỏa lưu lượng phương tiện, giảm ùn tắc giao thông và ô nhiễm môi trường (Chụp tại nút giao Nguyễn Hoàng - Mỹ Đình).

Ghi nhận của PV Báo Giao thông tại một số nút giao như Nguyễn Hoàng - Phạm Hùng, Nguyễn Hoàng - Mỹ Đình, Nguyễn Phong Sắc - Xuân Thủy… dòng phương tiện rất đông đúc.

Tuy nhiên, việc bố trí đèn mũi tên màu xanh hoặc biển báo phụ cho phép rẽ phải khi đèn đỏ nên giúp giải tỏa đáng kể lượng phương tiện trên đường Nguyễn Hoàng, Phạm Hùng, Nguyễn Phong Sắc...

Tại nút giao đường Phạm Hùng và đường Tôn Thất Thuyết cũng có tín hiệu đèn mũi tên màu xanh cho phép rẽ phải.

Khoảng 11h trưa 12/1, dù phương tiện xếp hàng dài ở hai làn đường đi thẳng, ở làn phải dành cho các phương tiện rẽ phải khá thông thoáng.

Các phương tiện từ đường Phạm Hùng rẽ phải vào đường Tôn Thất Thuyết di chuyển nhanh, không bị ùn ứ.

Đặc biệt với các xe buýt, việc di chuyển thuận lợi giúp đảm bảo thời gian, tăng tính hấp dẫn cho giao thông công cộng.

Tại TP Thanh Hóa, trên các tuyến đường có mật độ người tham gia giao thông cao như đại lộ Lê Lợi, Trần Phú, Nguyễn Trãi… cũng đã lắp đặt đèn tín hiệu hoặc biển báo phụ cho phép phương tiện được rẽ phải khi đèn đỏ. Nhờ vậy, giao thông tại các tuyến hạn chế được ùn ứ.

Tại TP.HCM, tính đến trưa 13/1, Sở GTVT TP.HCM lắp đặt bảng tín hiệu cho phép xe máy rẽ phải khi đèn đỏ tại hơn 130 giao lộ, phần lớn ở khu vực trung tâm.

Sau khi lắp hàng loạt đèn tín hiệu, giao thông tại trung tâm TP đã cải thiện, song vẫn xảy ra kẹt xe kéo dài vào giờ tan tầm.

Nâng năng lực thông hành

TS Khương Kim Tạo, nguyên Phó chánh văn phòng Ủy ban ATGT Quốc gia nhìn nhận: "Việc cho phép các phương tiện được rẽ phải khi đèn đỏ giúp nâng cao năng lực thông hành của phương tiện, hạn chế cản trở dòng xe lưu thông phía sau, từ đó giảm tải áp lực giao thông trên các tuyến đường chính".

Cho phép xe rẽ phải khi đèn đỏ mang lại nhiều lợi ích tuy nhiên vẫn còn trường hợp xe đi thẳng chiếm làn rẽ phải khiến hiệu quả không cao, cần xử lý nghiêm.

Cho phép xe rẽ phải khi đèn đỏ mang lại nhiều lợi ích tuy nhiên vẫn còn trường hợp xe đi thẳng chiếm làn rẽ phải khiến hiệu quả không cao, cần xử lý nghiêm.

Tuy nhiên, ghi nhận thực tế tại một số nút giao cho thấy, vẫn còn tình trạng nhiều phương tiện đi thẳng khi dừng chờ đèn đỏ lại chiếm làn đường dành cho xe được rẽ phải, khiến các phương tiện muốn rẽ phải vẫn phải xếp hàng chờ.

Theo ông Tạo, tại các nút giao cho phép xe rẽ phải khi đèn đỏ, cần bố trí riêng một làn cho phương tiện này và kẻ vạch mắt võng để báo hiệu cho người tham gia giao thông biết vị trí này không được dừng xe.

Trường hợp xe đi thẳng lỡ đi vào khu vực vạch mắt võng, bắt buộc phải rẽ phải, không được dừng chờ đèn đỏ. Nếu vi phạm cần bị xử lý nghiêm để nâng cao ý thức.

Trong khi đó, thiếu tá Nguyễn Văn Tấn, Phó đội trưởng Đội CSGT – trật tự, Công an TP Thanh Hóa cho biết, vào giờ cao điểm, hầu hết các nút giao thông đều có lực lượng CSGT trực phân luồng, điều tiết.

Các trường hợp đi vào vạch mắt võng nhưng dừng lại sẽ được nhắc nhở di chuyển ngay, cố tình vi phạm sẽ bị xử phạt.

Về lo ngại cho phép xe rẽ phải khi đèn đỏ có thể gây rủi ro cho người đi bộ, ông Tạo cho rằng, theo quy định, mọi phương tiện có trách nhiệm nhường đường cho người đi bộ, người khuyết tật.

Do đó, với các phương tiện muốn rẽ phải tại các nút giao cho phép cần quan sát cẩn thận, chủ động nhường đường.

Không nên áp dụng tràn lan

Mặc dù vậy, cũng có không ít ý kiến cho rằng, không nên lắp đặt tràn lan biển phụ cho rẽ phải khi đèn đỏ.

Điều quan trọng là cần tiếp tục khắc phục một số bất cập liên quan đến tổ chức giao thông, thời lượng đèn tín hiệu.

Cùng đó, cần có những tiêu chí cụ thể cho phép rẽ phải khi đèn đỏ làm cơ sở trước khi nhân rộng.

Theo ông Khương Kim Tạo, cho phép phương tiện rẽ phải khi đèn đỏ cần cân nhắc vào điều kiện tổ chức giao thông của mỗi nút giao, sao cho hiệu quả và đảm bảo an toàn.

Đồng quan điểm, TS Nguyễn Xuân Thủy, nguyên Giám đốc NXB Đại học GTVT cho biết, cần khảo sát thực tế ở mỗi tuyến đường, mỗi nút giao về lưu lượng phương tiện, hạ tầng xem có đủ điều kiện hay không.

Trường hợp lưu lượng giao thông thấp, việc cho phép rẽ phải tiềm ẩn nhiều rủi ro mất ATGT thì không nên thực hiện.

Thiếu tá Nguyễn Văn Tấn cũng cho biết, quá trình thực hiện nhiệm vụ và ghi nhận thực tế, Đội CSGT TP Thanh Hóa luôn chủ động đề xuất cho phép các phương tiện được rẽ phải khi đèn đỏ.

Đó là các nút giao ngã ba, ngã tư từ đường 2 chiều ra đường 2 chiều hoặc từ đường 1 chiều ra đường 2 chiều, mặt đường chia 3 - 4 làn xe, khi cho xe rẽ phải không gây xung đột giao thông, nguy cơ TNGT thấp.

"Nên nhân rộng quy định cho phép phương tiện được rẽ phải khi đèn đỏ ở các nút giao đủ điều kiện, từ đó giúp giảm ùn tắc", ông Tấn nói.

Một chuyên gia giao thông cho rằng, trong bối cảnh ùn tắc giao thông đang tăng cao tại các thành phố lớn, cơ quan quản lý cần thực hiện tổng rà sát các tuyến đường để xem xét mở rộng quy định cho phép đèn đỏ, phương tiện được rẽ phải ở những nút giao thông phù hợp.

Theo thiếu tá Nguyễn Văn Tấn, Phó đội trưởng Đội CSGT - trật tự, Công an TP Thanh Hóa, tại các nút giao cho phép xe rẽ phải khi đèn đỏ sẽ có đèn tín hiệu mũi tên rẽ phải màu xanh hoặc biển báo cho phép xe rẽ phải khi đèn đỏ.

Các nút giao không có một trong hai tín hiệu trên, người dân cần lưu ý không được rẽ phải, nếu vi phạm sẽ bị phạt tiền từ 4-6 triệu đồng với xe máy, từ 18-20 triệu đồng với ô tô, trừ 4 điểm GPLX.

Yến Chi

Nguồn ATGT: https://atgt.baogiaothong.vn/co-nen-nhan-rong-re-phai-khi-den-do-192250116230512118.htm
Zalo