Tết ấm tình thân nhân lên hạnh phúc

Những ngày này, cùng chung tay với các cấp, các ngành, các địa phương, Hội Chữ thập đỏ tỉnh cũng tăng cường kết nối các tổ chức, cá nhân có tấm lòng hảo tâm hướng về người nghèo, người có hoàn cảnh khó khăn bằng những việc làm thiết thực, giúp họ có thêm điều kiện vui xuân, đón tết. Phóng viên Báo Ninh Bình đã có cuộc trao đổi với ông Bùi Trọng Kỳ, Chủ tịch Hội Chữ thập đỏ tỉnh về vấn đề này.

Lãnh đạo Hội Chữ thập đỏ tỉnh và các nhà hảo tâm trao quà Tết cho các hộ gia đình có hoàn cảnh khó khăn trên địa bàn tỉnh. Ảnh: Ngọc Linh

Lãnh đạo Hội Chữ thập đỏ tỉnh và các nhà hảo tâm trao quà Tết cho các hộ gia đình có hoàn cảnh khó khăn trên địa bàn tỉnh. Ảnh: Ngọc Linh

Phóng viên (PV): Chỉ còn vài ngày nữa là đến Tết Nguyên đán Ất Tỵ 2025, nhiệm vụ kết nối tấm lòng hảo tâm cùng chung tay chăm lo Tết cho người yếu thế đã được các cấp Hội Chữ thập đỏ thực hiện như thế nào thưa ông?

Ông Bùi Trọng Kỳ: Năm nào cũng vậy, mỗi độ Tết đến Xuân về là dịp để nhiều tổ chức, cá nhân có lòng hảo tâm thể hiện tình cảm, sự yêu thương và chia sẻ đối với người nghèo. Với vai trò là “cầu nối” giữa những tấm lòng hảo tâm đến với người khó khăn, Hội Chữ thập đỏ các cấp trên địa bàn tỉnh đã tăng cường công tác tuyên truyền, vận động cán bộ, hội viên, người tình nguyện, các nhà hảo tâm, công ty, doanh nghiệp và các tổ chức xã hội cùng tham gia các hoạt động chăm lo Tết cho người nghèo. Đặc biệt, phong trào “Tết Nhân ái” tiếp tục được lan tỏa, thu hút sự quan tâm của các lực lượng xã hội, từ đó, tạo nguồn lực lớn để thực hiện các chương trình Tết hướng về người có hoàn cảnh khó khăn.

Tết Nguyên đán năm nay, thực hiện phong trào Tết Nhân ái, Hội Chữ thập đỏ các cấp phấn đấu vận động các nguồn lực để trao tặng 7.000 suất quà cho các đối tượng có hoàn cảnh khó khăn, trong đó giá trị suất quà tối thiểu là 300.000 đồng. Ngay trong lễ phát động phong trào Tết Nhân ái, Hội Chữ thập đỏ các cấp, doanh nghiệp, các nhà hảo tâm đã đăng ký tặng hàng ngàn suất quà Tết Nhân ái.

Đến thời điểm này, các cấp Hội đã vận động trao tặng được hơn 5.000 suất quà Tết đến với những hoàn cảnh khó khăn. Cùng với các hoạt động vận động, trao tặng quà Tết, các cấp Hội Chữ thập đỏ trong tỉnh tiếp tục vận động các mạnh thường quân ủng hộ các hoạt động: Xây dựng nhà Chữ thập đỏ; tặng học bổng; duy trì các địa chỉ nhân đạo; hỗ trợ đột xuất các gia đình có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn…

Tin rằng, với sự quan tâm của Đảng, Nhà nước, các cấp, các ngành, các doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân, người nghèo, gia đình chính sách trên địa bàn tỉnh sẽ được vui Xuân, đón Tết cổ truyền của dân tộc trong niềm hạnh phúc, đủ đầy và ấm áp. Hơn thế, những tình cảm của cộng đồng còn thể hiện niềm tin, nguồn động viên to lớn để người nghèo bắt đầu năm mới với một khởi đầu mới nhiều lạc quan và kiên cường.

PV: Ông có thể điểm lại một số kết quả nổi bật của Hội Chữ thập đỏ tỉnh trong hoạt động nhân đạo, từ thiện, từ đó góp phần đảm bảo an sinh xã hội trên địa bàn trong năm vừa qua?

Ông Bùi Trọng Kỳ: Với thông điệp “Vì mọi người ở mọi nơi”, những năm qua Hội Chữ thập đỏ các cấp luôn thực hiện tốt vai trò vận động-cầu nối-điều phối các hoạt động nhân đạo. Những hoạt động nhân đạo, từ thiện đã lan tỏa rộng khắp, từ đó, góp phần nâng cao nhận thức, khơi dậy lòng nhân ái trong các tầng lớp nhân dân, trách nhiệm của các cấp ủy đảng, chính quyền, các lực lượng xã hội trong công tác nhân đạo, thúc đẩy giảm nghèo, xây dựng cộng đồng đoàn kết, giàu lòng nhân ái.

Các cuộc vận động, các phong trào do Hội Chữ thập đỏ Việt Nam phát động như “Tết Nhân ái”, “mỗi tổ chức cá nhân gắn với một địa chỉ nhân đạo”… đã thu hút sự ủng hộ của nhiều tổ chức, cá nhân, doanh nghiệp, các nhà hảo tâm, tạo nguồn lực để giúp đỡ hàng vạn lượt người có hoàn cảnh khó khăn, yếu thế trong xã hội vươn lên trong cuộc sống.

Trong năm 2024, toàn Hội đã vận động được hơn 31 tỷ đồng, hỗ trợ cho 41.157 lượt đối tượng là người nghèo, người có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn trên địa bàn tỉnh, góp phần đảm bảo an sinh xã hội. Nổi bật là Phong trào “Tết Nhân ái” Giáp Thìn 2024 đã trao tặng hơn 14.000 suất quà với tổng trị giá hơn 6,4 tỷ đồng, vượt 76% chỉ tiêu kế hoạch giao; các hoạt động tiêu biểu như: Trao tặng quà, chương trình “Vui Tết cùng người bệnh” trao tặng suất cơm, cháo nghĩa tình, hộp sữa nhân ái, mừng tuổi Tết…

Đối tượng thụ hưởng của phong trào “Tết Nhân ái” đa dạng và mở rộng hơn như người khuyết tật, cán bộ, hội viên, tình nguyện viên Chữ thập đỏ, cán bộ, giáo viên, học sinh, sinh viên có hoàn cảnh khó khăn trong các trường học được quan tâm…

Đối với cuộc vận động “Mỗi tổ chức, mỗi cá nhân gắn với một địa chỉ nhân đạo”, các cấp Hội đã rà soát, lập hồ sơ địa chỉ nhân đạo, đề xuất với các nhà hảo tâm hỗ trợ cho các đối tượng. Đến nay, toàn tỉnh có 379 địa chỉ nhân đạo được hỗ trợ thường xuyên với mức t 300.000 đồng-1 triệu đồng/địa chỉ/tháng với tổng số tiền 1,5 tỷ đồng; Chương trình “Dinh dưỡng cho trẻ em nghèo, khuyết tật”, Hội đã hỗ trợ cho hơn 10.400 học sinh và những hoàn cảnh khó khăn, bệnh nhân tại các bệnh viện trên địa bàn tỉnh trị giá trên 600 triệu đồng; phát động chiến dịch “Triệu bước chân nhân ái”, thành lập 2 đội của tỉnh tham gia thi đấu với hơn 1.500 tình nguyện viên tham gia hưởng ứng chạy bộ/đi bộ được 16.545km, đạt 82,73 triệu đồng, góp phần tạo nguồn kinh phí trao tặng yêu thương cho người khó khăn của các tỉnh Điện Biên, Sơn La, Thái Nguyên…

Cứu trợ khẩn cấp bà con vùng lũ trong và ngoài tỉnh kịp thời, an toàn và đạt hiệu quả rất cao. Cùng với đó, các cấp Hội đã tăng cường truyền thông trên mạng xã hội để trực tiếp vận động nguồn lực, kết nối các doanh nghiệp, các nhà hảo tâm, tổ chức tốt các Chương trình “Trường tới Trường-trao tặng yêu thương”, “Thương nhau Ninh Bình”... để trao tặng quà cho các hoàn cảnh đặc biệt khó khăn, bị ốm đau, rủi ro đột xuất...

Thông qua hình thức tặng quà, tặng học bổng, hỗ trợ viện phí, trợ giúp thường xuyên, cứu trợ khẩn cấp, tặng sữa, tặng xe đạp, xe lăn, xây dựng và sửa chữa nhà ở “Chữ thập đỏ”... Từ sự trợ giúp này, nhiều hoàn cảnh khó khăn đã vươn lên để xây dựng một cuộc sống hạnh phúc. Chúng tôi vẫn xúc động nói rằng đó là những “cây xương rồng đã nở hoa”.

PV: Trong câu chuyện những ngày cuối năm, ông có thể chia sẻ một vài kỷ niệm ấn tượng về những “cây xương rồng nở hoa”?

Ông Bùi Trọng Kỳ: Đồng hành với công tác nhân đạo trong thời gian qua, tôi may mắn được tiếp cận, chia sẻ và lắng nghe sự trải lòng của biết bao hoàn cảnh khó khăn. Ốm đau, bệnh tật, rủi ro bất ngờ... những khó khăn đó như nhấn chìm khát vọng vươn lên của họ. Nhưng chính lúc ấy, bên cạnh những chính sách hỗ trợ của Đảng, Nhà nước, của tỉnh thì sự đồng cảm, sẻ chia và giúp đỡ của cộng đồng đã tạo đà, giúp họ vững tin vào cuộc sống. Họ đã bỏ lại những giông tố ở phía sau, để viết lên những trang mới cho cuộc đời mình.

Tôi xin kể một câu chuyện như thế này. Ở thành phố Tam Điệp có hai anh em mồ côi cả cha lẫn mẹ chỉ trong vòng 1 tháng, có thời điểm các cháu đứng trước nguy cơ phải bỏ học. Khi nhận được thông tin này, Hội đã kết nối với Chương trình Khát vọng sống để hỗ trợ cho các cháu (xây dựng nhà, hỗ trợ học phí, học bổng...); với sự đùm bọc của gia đình và cộng đồng, nỗ lực vượt khó của bản thân, hai cháu đã vượt qua nghịch cảnh để vững bước tới trường.

Hiện nay, các cháu đã có việc làm ổn định, anh trai là công nhân, em gái là giáo viên tiểu học và các cháu đều đã yên bề gia thất. Hay như câu chuyện về cậu bé Gia Long ở thôn Đồng Yên, xã Yên Lâm (huyện Yên Mô). T khi mới chào đời, cháu bị mắc bệnh suy giảm miễn dịch. Căn bệnh khiến Long không còn khả năng đề kháng với các tác nhân vi trùng t bên ngoài vì vậy cơ thể dễ nhiễm trùng với mức độ nặng nề hơn người bình thường, thậm chí ảnh hưởng đến tính mạng. Để điều trị được căn bệnh ấy, Gia Long phải được ghép tủy với số tiền dự kiến 1,5 tỷ đồng. Số tiền ấy quá lớn đối với một hộ nghèo như gia đình Long.

Và phép màu đã đến. Trước hoàn cảnh của cháu Gia Long, Hội Chữ thập đỏ các cấp đã kêu gọi, tích cực kết nối, vận động mọi nguồn lực có thể để chung tay, góp sức, tạo nguồn kinh phí để hỗ trợ Gia Long thực hiện phẫu thuật. Với sự chung tay, góp sức của những tấm lòng thơm thảo, Gia Long đã được thực hiện ca ghép tủy vào tháng 8/2023. Thật may mắn khi Gia Long đáp ứng tốt với các phác đồ điều trị, vì vậy mà tổng chi phí cho ca ghép tủy chỉ còn 1 tỷ đồng. Trong đó, nguồn lực hỗ trợ của anh em, xóm làng, cộng đồng là 500 triệu. Còn lại, gia đình vay mượn thêm. Đến nay, sức khỏe bé Long ổn định. Bé đang cùng gia đình chuẩn bị đón một năm mới thật bình an...

Còn nhiều nhiều lắm những câu chuyện đẹp được viết lên từ những tấm lòng đẹp đẽ của cộng đồng. Ở chiều ngược lại, theo tôi, đây chính là động lực, là niềm tin và là nguồn cảm hứng lớn để bất cứ ai cũng mong muốn có cơ hội được gieo mầm thiện giữa chốn nhân sinh.

PV: Xin cảm ơn ông về cuộc trò chuyện!

Đào Hằng (thực hiện)

Nguồn Ninh Bình: https://baoninhbinh.org.vn/tet-am-tinh-than-nhan-len-hanh-phuc-795946.htm
Zalo