Có nên dùng lá trầu không chữa đau mắt đỏ?
Đau mắt đỏ là tình trạng nhiễm trùng mắt do vi khuẩn, virus gây ra hoặc bị kích ứng. Triệu chứng đặc trưng là đỏ mắt, xốn mắt.
Con tôi bị đau mắt đỏ lây từ bạn cùng lớp, có người mách dùng lá trầu không hơ nóng đắp mắt, nấu nước rửa mắt cho bé ngày 2-3 lần, vài ngày là hết bệnh. Tôi có nên làm theo không? (Hậu, quận 5, TP.HCM).
Trả lời
Đau mắt đỏ thường khởi phát đột ngột, ban đầu ở một mắt rồi lan sang mắt kia. Bệnh này rất dễ lây lan thành dịch, hiện chưa có vaccine phòng bệnh, chưa có thuốc điều trị đặc hiệu nên người mắc bệnh dễ bị tái đi tái lại nhiều lần.
Đau mắt đỏ tuy là một bệnh cấp tính, triệu chứng rầm rộ, dễ lây nhưng lại lành tính, ít để lại di chứng. Tuy nhiên thường gây ảnh hưởng nhiều đến sinh hoạt.

Triệu chứng đau mắt đỏ diễn ra rầm rộ nhưng đây là bệnh lành tính. (Ảnh minh họa)
Đau mắt đỏ thường tự khỏi sau 7-10 ngày, 1 số trường hợp kéo dài 2-3 tuần mới hết nếu được phát hiện và điều trị kịp thời, đúng cách. Nên lưu ý không tự dùng thuốc kháng sinh hoặc những cách truyền miệng chưa được kiểm chứng để chữa bệnh, bởi có thể dẫn đến nhiều biến chứng nguy hiểm như loét giác mạc, giảm thị lực, thậm chí mù lòa.
Trong dân gian đúng là có truyền miệng về việc dùng lá trầu không trị đau mắt đỏ bằng cách hơ nóng lá đắp mắt, đun nước lá rửa mắt, vò nát lá xông mắt… Tuy vậy, tôi khuyến cáo không nên sử dụng tùy tiện những cách này do tinh dầu nóng trong lá trầu không có thể gây bỏng giác mạc, loét giác mạc và nhiễm khuẩn nặng hơn.
Lời khuyên là bạn nên đưa bé đến cơ sở y tế để được thăm khám sau khi phát hiện bé bị đau mắt đỏ. Bạn cũng nên tra và rửa mắt cho bé bằng nước muối sinh lý, đảm bảo vệ sinh cá nhân, cho bé nghỉ học và dùng riêng khăn gối, nhắc bé không dùng tay dụi mắt… bệnh sẽ sớm khỏi.