Có nên chạy từ tầng cao xuống đường khi xảy ra động đất?

Sau vụ rung lắc ở TPHCM, Hà Nội chiều 28/3, nhiều người dùng Internet tranh cãi về biện pháp xử lý khi xảy ra động đất ở các tòa cao ốc. Có nên chạy ngay khỏi tòa nhà như số đông vẫn đang thực hiện?

Có nên chạy từ tầng cao xuống khi có động đất?

Sau vụ rung lắc ở TPHCM, Hà Nội chiều 28/3, nhiều người dùng Internet tranh cãi về biện pháp xử lý khi xảy ra động đất ở các tòa cao ốc.

Động đất mạnh không phải thiên tai thường xuyên xảy ra tại Việt Nam. Do vậy, hiện tượng rung lắc các tòa nhà cao tầng do ảnh hưởng từ tâm chấn ở Myanmar chiều 28/3 gây bối rối với nhiều người. Trên Internet, một số chủ tài khoản bày tỏ băn khoăn, không biết phương án xử lý đúng khi gặp tình huống tương tự.

Nhiều người dùng đưa ra lời khuyên, cho rằng không nên hoảng loạn chạy khỏi cao ốc, tụ tập dưới chân tòa nhà, tán cây khi xảy ra động đất. Trên mạng xã hội nổ ra tranh cãi rằng ở yên hay bỏ chạy mới là biện pháp chính xác. Tuy nhiên, các chuyên gia quốc tế cho rằng việc tìm nơi trú ẩn tại chỗ vẫn là phương án tốn nhất.

Vị trí xảy ra trận động đất ở Myanmar trưa nay khiến nhiều khu vực ở Việt Nam rung lắc.

Vị trí xảy ra trận động đất ở Myanmar trưa nay khiến nhiều khu vực ở Việt Nam rung lắc.

Theo PGS.TS Cao Đình Triều, nguyên Phó Viện trưởng viện vật lý địa cầu cho biết, khi xảy ra động đất, trường hợp người đang ở ngoài trời thì nên chọn nơi càng rộng càng tốt. Không đứng dưới đường dây điện, cây cao, gần nhà cao tầng, tường cao... dễ đổ.

Không nên thắp nến, bật lửa hoặc diêm khi xảy ra động đất, cần chiếu sáng thì chỉ được dùng đèn pin. Nếu đang đi bộ trên đường hoặc bằng phương tiện giao thông như: xe đạp, xe máy, ôtô... thì không được dừng dưới cầu vượt, cầu, cống cho đến khi rung động kết thúc.

Khi động đất xảy ra, tại trường học hoặc công sở, cán bộ, học sinh cần chui xuống bàn và tránh xa cửa sổ, cửa ra vào. Nếu đang ở ngoài sân phải lùi xa khỏi các ngôi nhà. Trường hợp động đất mạnh, người còn kẹt trong các nhà cao tầng thì trước mắt phải nhanh chóng tìm kiếm chỗ trú tạm thời như các gầm bàn, khung chịu lực cửa ra vào, chân gầm cầu thang… Tuyệt đối không chạy ngay xuống mặt đất.

Người dân náo loạn chạy xuống đường khi cảm nhận rung lắc do động đất.

Người dân náo loạn chạy xuống đường khi cảm nhận rung lắc do động đất.

"Trường hợp ở nhà cao tầng hoặc chung cư, thì khi xảy ra động đất không vội vàng chạy ngay ra ngoài vì cầu thang, ban công hoặc lối thoát hiểm có thể sập hoặc bị rơi vỡ. Tuyệt đối không được sử dụng thang máy, vì có thể bị kẹt bên trong nếu lỡ xảy ra tình huống mất điện", chuyên gia nói.

Đặc biệt, tại các vùng thường xuyên có động đất, chính quyền cần thường xuyên vận động tuyên truyền để cán bộ, nhân dân trong khu vực hiểu biết về hiện tượng này và có nhận biết đúng đắn, xử lý đúng một khi động đất xảy ra. Chính quyền cần có các phương án dự phòng cho công tác tìm kiếm cứu nạn như dự định các điểm tập trung dân thuận tiện về mọi mặt cho công tác tìm kiếm cứu hộ (sân vận động, bãi đất trống rộng gần đường giao thông...) trong tình trạng khẩn cấp. Huy động nhân lực, vật lực, các phương tiện giao thông phục vụ công tác tìm kiếm cứu hộ khi cần thiết.

Xử lý đúng cách khi có động đất

Theo ông Nguyễn Xuân Anh, Giám đốc Trung tâm Báo tin động đất và Cảnh báo sóng thần, động đất là một dạng thiên tai tuy không thường xuyên xảy ra như bão, lũ, nhưng những tác hại vô cùng lớn, cướp đi sinh mạng của nhiều người và gây thiệt hại lớn về tài sản. Một số thảm họa trận động đất đã trở thành nỗi kinh hoàng của nhân loại.

Tại Việt Nam, tuy động đất không quá lớn và thường xuyên như một số quốc gia khác tuy nhiên, theo các tài liệu lịch sử cũng như các nghiên cứu cho thấy, mối hiểm họa không phải là hiếm.

Trong đó, khu vực Tây Bắc có độ nguy hiểm động đất cao nhất, thứ hai là khu vực Bắc Trung Bộ, thứ ba là khu vực Đông Bắc, thứ tư là khu vực Tây Nguyên và Duyên hải Nam Trung Bộ và Khu vực Đông Nam Bộ, thứ năm là khu vực đồng bằng sông Hồng. Khu vực miền Tây Nam Bộ có độ nguy hiểm thấp nhất cả nước

heo Viện Vật lý Địa cầu, có một số kỹ năng phòng, tránh rủi ro động đất cơ bản mà người dân cần nắm được. Trước động đất, người dân cần lập kế hoạch phòng tránh an toàn, lập kế hoạch cho cả gia đình, quy định nơi gặp nhau sau động đất, danh sách số điện thoại quan trọng… học cách bật, tắt ga, điện, nước.

Nếu động đất xảy ra khi đang ngủ, nên bảo vệ đầu bằng gối và nằm úp mặt xuống. Nếu kệ trên giường hoặc đèn treo trên trần nhà có thể rơi xuống đầu, cần chui xuống gầm giường hoặc là di chuyển tới địa điểm an toàn khác như góc phòng và khi đã an toàn thì ra ngoài.

Đặc biệt, người dân không sử dụng thang máy, nên sử dụng cầu thang bộ nếu cần thiết. Nếu không may động đất xảy ra khi đang ở trong thang máy, bạn cần nằm xuống sàn, bảo vệ đầu bằng tay, đợi cho đến khi thang máy bắt đầu làm việc trở lại, ra khỏi thang máy ở tầng tiếp theo và sử dụng cầu thang bộ.

Nếu đang ở ngoài đường, chúng ta cần tránh xa các tòa nhà cao tầng, đường dây điện, đường hầm, các cây cầu. Nếu đang lái xe, cần dừng xe bên lề đường, không ra khỏi xe cho đến khi động đất dừng lại. Với những người dân ở vùng đồi núi, cần tránh xa chỗ dốc đứng, quả đồi nghiêng vì chỗ đó có thể bị lở đất .

Sau động đất, người dân cần tránh xa các bức tường bằng gạch vì chúng có thể bị suy yếu và có thể lật đổ trong các đợt dư chấn. Không bao giờ chạm vào đường dây điện bị rơi hoặc bất kỳ vật thể nào tiếp xúc với chúng. Nếu bị kẹt trong đống đổ nát, cần gõ vào vật cứng để báo vị trí của mình cho cứu hộ…

Theo phân loại của các trận động đất, những trận động đất có độ lớn M=4-5 là những trận động đất nhẹ. Những trận động đất từ M=5-6 là những trận động đất trung bình. Những trận động đất từ M=6-7 độ là những trận động đất mạnh, những trận động đất từ M=7-8 là những trận động đất lớn, những trận động đất từ M=8-9 là những trận động đất hủy diệt.

Tô Hội

Nguồn SK&ĐS: https://suckhoedoisong.vn/co-nen-chay-tu-tang-cao-xuong-duong-khi-xay-ra-dong-dat-16925032817530395.htm
Zalo