Có nam giới phải nhẫn nhịn 'tính nóng' của vợ để êm ấm cửa nhà

Thời gian gần đây, nổi lên nhiều tranh luận quanh việc số nạn nhân bị bạo lực gia đình là nam giới có dấu hiệu tăng. PGS.TS. Đặng Thị Hoa, Viện trưởng Viện Tâm lý học (Viện Hàn lâm Khoa học Xã hội Việt Nam), đã chia sẻ thông tin đa chiều về vấn đề này.

 Các ông bố và con trai tham dự một sự kiện truyền thông “Cha và con trai trong phòng ngừa bạo lực với phụ nữ và trẻ em gái”

Các ông bố và con trai tham dự một sự kiện truyền thông “Cha và con trai trong phòng ngừa bạo lực với phụ nữ và trẻ em gái”

PV: Là người nghiên cứu về gia đình nhiều năm, bà đánh giá về vấn đề bạo lực gia đình hiện nay như thế nào?

PGS.TS. Đặng Thị Hoa: Vấn đề bạo lực gia đình trong những năm gần đây đã được quan tâm nhiều hơn. Sự tham gia của các bên liên quan, đặc biệt là sự tích cực của ngành Văn hóa, Hội LHPN và chính quyền cơ sở đã có tác động đáng kể đến vấn đề này. Tuy nhiên, gần đây lại nổi lên vấn đề về bạo lực với nam giới và bạo lực tình dục.

Thực ra, những vấn đề này không mới, nhưng vì sao lại được dư luận xã hội quan tâm là điều mà chúng ta cần có lời giải thích phù hợp. Bạo lực với nam giới được hiểu như thế nào và thực sự có tăng lên hay không thì cần phải suy xét cẩn trọng hơn.

PV: Theo bà, đâu là nguyên nhân dẫn đến tình trạng gia tăng bạo lực gia đình đối với nam giới? Và dạng bạo lực nào là phổ biến?

PGS.TS. Đặng Thị Hoa: Theo số liệu thống kê của Vụ Gia đình (Bộ Văn hóa- Thể thao và Du lịch) về tình hình bạo lực gia đình trong 5 năm, từ 2012 đến 2016, tỷ lệ nạn nhân bị bạo lực gia đình là nam giới chiếm khoảng 14%-16% trong mỗi năm. Còn theo báo cáo của Bộ Lao động-Thương binh và xã hội thì thực sự có tăng lên.

PGS.TS. Đặng Thị Hoa

PGS.TS. Đặng Thị Hoa

Cụ thể, năm 2022, có 481 người bị bạo hành là nam giới trong tổng số 3.440 người (13,9%) và năm 2023 là 565 người trong tổng số 3.193 người (17,6%).

Nguyên nhân chung dẫn tới bạo lực, theo nghiên cứu của chúng tôi, đó là quan hệ quyền lực, vị thế giới trong gia đình. Mâu thuẫn giữa vợ và chồng là nguyên nhân phổ biến, trong đó chủ yếu xuất phát từ thu nhập, việc làm và thái độ với tình trạng bạo lực trong gia đình.

Trong nghiên cứu của chúng tôi thực hiện từ năm 2016-2018 ở 5 tỉnh cho thấy, tỷ lệ người chồng từng bị bạo lực lên đến 39,2% và vợ là 44,2%; tỷ lệ chồng đã bị bạo lực trong 12 tháng qua tại thời điểm khảo sát là 26,9% và vợ và 29,5%. Như vậy, trong quan hệ vợ chồng, cả vợ và chồng đều có thể là nạn nhân của bạo lực gia đình.

Tuy nhiên, so sánh về tính chất của bạo lực thì mức độ bị bạo lực của người vợ thường nghiêm trọng hơn với các hành vi về thể chất, còn người chồng chủ yếu phải chịu những hành vi bạo lực về tinh thần. Trong mẫu nghiên cứu, các hành vi gây ra bạo lực đối với người chồng chủ yếu là gây sự, cãi nhau (8,9%); im lặng, phớt lờ (3,9%), ghen và đánh ghen (1,8%), tức giận (1,4%), kiểm soát tài chính (1,6%)…

Trong khi đó, các hành vi bạo lực đối với vợ như dọa nạt, quát, mắng, chửi (5,8%), ghen và đánh ghen (4,6%), gây sự, cãi nhau (17,4%), đặc biệt là đập phá tài sản (2,1%)...

PV: Có ý kiến cho rằng, "đàn ông bước vào tuổi 60 dễ bị bạo lực gia đình bởi lúc này, khả năng kiếm tiền của họ kém nên thường bị vợ con xem thường". Điều này có đúng không, thưa bà?

PGS.TS. Đặng Thị Hoa: Theo tôi, thật khó đánh giá về tình trạng bị bạo hành đối với nam giới. Thực tế, có một số vụ bạo hành được coi là "ngược" khi người phụ nữ có những hành vi phản kháng do bị bạo hành trong một thời gian dài, dẫn tới những hậu quả đáng tiếc. Trong quan niệm về vị thế giới trong gia đình theo văn hóa Việt Nam, đàn ông là trụ cột của gia đình, là người phải lo kế sinh nhai cho cả gia đình.

Thực tế, trong hầu hết các gia đình Việt Nam, phụ nữ và nam giới đều phải lao động kiếm tiền và có đóng góp vào thu nhập chung của gia đình. Nhiều trường hợp về già không được đối xử tử tế, bị bạo hành. Nhưng đó là tình trạng chung đối với người cao tuổi, không phân biệt là nam hay nữ.

Song, có một số trường hợp nam giới phải chịu đựng "tính nóng" của người vợ. Họ phải nhẫn nhịn để "êm ấm cửa nhà". Các trường hợp này có nhưng không phải là phổ biến, chỉ là một vài trường hợp trong xã hội.

PV: Trong quá trình nghiên cứu về gia đình, theo quan sát của bà, những trường hợp nào là phổ biến và điển hình về hành vi bạo lực với nam giới?

PGS.TS. Đặng Thị Hoa: Thông qua các cuộc phỏng vấn sâu với một số nam giới trong mẫu khảo sát mà chúng tôi đã thực hiện, những người từng trải qua bạo lực gia đình đều cho rằng, việc chịu đựng người phụ nữ quá quyết đoán, không quan tâm đến cảm nhận của chồng là những hành vi bạo lực gia đình.

Người đàn ông trong gia đình cũng muốn đóng góp, được vợ con tôn trọng nhưng có nhiều trường hợp, người phụ nữ có thể có thu nhập cao, có nhiều mối quan hệ xã hội nên đã "phớt lờ" vai trò của người chồng trong gia đình. Sự im lặng, đôi khi là coi thường người chồng, đã dẫn tới những mâu thuẫn và bạo lực trong gia đình. Có điều đáng chú ý là bạo lực đối với trẻ em trai.

Qua số liệu các cuộc điều tra quốc gia và khảo sát thực tế cho thấy, trẻ em trai bị bạo lực về thể chất nhiều hơn so với trẻ em gái. Nguyên nhân chủ yếu là cả cha và mẹ thường kỳ vọng ở trẻ em trai nhiều hơn, đặc biệt là trong kết quả học tập. Đây cũng là vấn đề cần quan tâm về hành vi bạo lực đối với nam giới.

PV: Trân trọng cảm ơn bà về cuộc trò chuyện này!

Hoàng Kim Dịu (Thực hiện)

Nguồn Phụ Nữ VN: https://phunuvietnam.vn/co-nam-gioi-phai-nhan-nhin-tinh-nong-cua-vo-de-em-am-cua-nha-20240628090024853.htm
Zalo