Có một ngày tháng Tư
Một ngày đầu tháng Tư năm nay, tôi có chuyến đi cùng anh Phạm Quyến, 68 tuổi, người Quảng Trị là Việt kiều ở Mỹ. Đợt về nước lần này, anh Quyến nhờ tôi đưa anh thăm lại quê anh ở Gio Linh, nhất là thăm lại những di tích lịch sử - cách mạng mà anh từng lưu giữ trong ký ức như cầu Hiền Lương, địa đạo Vịnh Mốc, hàng rào điện tử Mc.Namara, Thành Cổ Quảng Trị...

Anh Phạm Quyến (áo đen) đưa bác Vũ Đình Lân đến vị trí căn cứ C 2 -Ảnh: X.H
Trên đường đi anh kể, thời còn chiến tranh, giữa cuối thập niên 60 kéo dài sang thập kỷ 70 của thế kỷ trước anh còn là đứa trẻ. Nhờ vốn tiếng Anh tự học mà anh trở thành “thông dịch viên nhí” cho binh lính Mỹ. Trong trí nhớ của anh vẫn như còn mùi bom đạn và dày đặc những đồn bốt quân sự trên mảnh đất quê nhà.
Sau này định cư ở Mỹ, anh quen biết nhiều cựu binh Mỹ từng tham chiến ở Việt Nam và cả những quân nhân một thời phục vụ trong bộ máy quân sự của chính quyền Sài Gòn. Chẳng thế mà lần này trở về nhiều người nhờ anh ghé thăm và định vị những nơi chốn năm xưa từng xảy ra các trận đánh. Dĩ nhiên, chiến tranh thì phải có hy sinh, mất mát và chắc chắn dưới đất đai hiền hòa hôm nay vẫn còn ít nhiều xương cốt của những người lính từ cả hai phía.
Anh Quyến nói: “Bây giờ công nghệ phát triển lắm, những cựu quân nhân Mỹ nói rằng đã có các loại máy dò tìm xương cốt hiện đại. Họ muốn xác định lại vị trí để có dịp quay lại tìm kiếm. Dù dưới đất nâu kia là xương cốt của ai, phe nào thì cũng đáng để làm, để các linh hồn có nơi chốn tìm về...”
Từ Ngã Tư Sòng, chúng tôi tìm về Lâm Lang, nơi khoảng thời gian từ năm 1967 đến 1971 từng xảy ra nhiều trận đánh ác liệt. Thật vui khi gặp bác Vũ Đình Lân, 84 tuổi, từng là người quen thân của gia đình tôi.
Chuyện về bác Lân nhiều người đã biết. Quảng Trị có câu “Nhất Kỳ, nhì Lân, Kỳ tức ông Nguyễn Minh Kỳ, thời chiến” tranh ở vùng Cam Lộ nổi tiếng với biệt danh “Hùm xám đường 9”, sau này có thời gian là Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Trị. Còn Lân tức bác Vũ Đình Lân, thương binh hạng 4/4, nguyên đội trưởng Đội công tác xã Cam Thủy thời chiến tranh, có nhiệm vụ phối hợp tác chiến với bộ đội chính quy, du kích xã nằm vùng, dân vận..., theo kiểu nắm thắt lưng giặc mà đánh.
Trong giai đoạn khốc liệt của cuộc chiến, bác Vũ Đình Lân đã vào sinh ra tử nhiều lần, lập nhiều chiến công vang dội một thời với 5 danh hiệu dũng sĩ diệt Mỹ, một Huân chương Quyết thắng của Mặt trận Dân tộc giải phóng miền Nam Việt Nam và Huân chương Kháng chiến hạng Ba. Bên ly nước chè xanh vừa hãm thơm ngát, anh Quyến và bác Lân cùng nhớ lại những trận đánh đã từng xảy ra ở khu vực quanh đây, giờ thuộc huyện Cam Lộ.

Tờ The New York Time số ra ngày 22/5/1971. Phần tô sáng là tin về cuộc pháo kích vào căn cứ C 2 -Ảnh: X.H
Và đây mới thực sự là câu chuyện tôi muốn kể. Anh Quyến nhớ lại và bác Lân cũng xác quyết rằng giữa năm 1971 là thời điểm ác liệt nhất, khi các cánh quân giải phóng cùng lực lượng địa phương tấn công mạnh mẽ hàng loạt cứ điểm quân sự dọc theo Đường 9 nối về hàng rào Mc.Namara. Nhưng có chi tiết mà bác Lân không biết, đó là căn cứ C2 do binh lính Mỹ đồn trú, ngay trên phần đất cạnh đường Hồ Chí Minh, thuộc địa phận xã Cam Tuyền ngày nay.
Và trong chiến dịch tấn công, giải phóng Quảng Trị, ngày 21/5/1971, căn cứ C2 đã bị pháo kích, hàng chục binh sĩ Mỹ chết tại chỗ, hàng chục binh sĩ khác thương vong. Trận tấn công bằng pháo kích này đã gây tổn thất nặng nề cho binh lính Mỹ đến nỗi báo chí đã gọi đó là Ngày tang tóc nhất, đen tối nhất của Mỹ trên chiến trường Việt Nam, tại Khu phi quân sự (DMZ) ở Quảng Trị.
Tôi đã từng tìm kiếm và có ít nhiều những thông tin về trận pháo kích này. Theo đó, chính xác trận pháo kích này đã làm 30 lính Mỹ thiệt mạng tại chỗ và 33 lính Mỹ khác thương vong. Nỗi kinh hoàng không chỉ với lính Mỹ mà còn cả chính phủ Mỹ, đến nỗi tờ báo The New York Time số ra sáng ngày 22/5/1971 đã đưa tin.
Nguyên văn: Saigon, Nam Việt Nam, Thứ bảy, ngày 22 tháng 5-Ba mươi lính Mỹ đã thiệt mạng và 50 người bị thương trong ba cuộc tấn công bằng rocket và súng cối tàn khốc ở vùng chiến sự phía bắc Nam Việt Nam, Bộ Tư lệnh Hoa Kỳ thông báo hôm nay. Số người chết vượt qua tất cả các trường hợp tử vong trên chiến trường Hoa Kỳ được báo cáo vào tuần trước, khi Bộ Tư lệnh cho biết 24 người thiệt mạng và 240 người bị thương.
Người phát ngôn của Bộ Tư lệnh, Thiếu tá Charlie Johnson cho biết phần lớn thương vong đã xảy ra tại một căn cứ có tên là Charlie 2, nơi bảo vệ khu phi quân sự. Ông cho biết 15 quả rocket nặng 100 pound đã rơi xuống khu nhà vào lúc chạng vạng ngày hôm qua, ngay khi quân lính chuẩn bị ăn... Theo bản tin của The New York Time thì căn cứ C2 chính là viết tắt của Charlie 2.
Tính đến bây giờ thì đã 54 năm trôi qua. Hơn nửa thế kỷ trôi qua nhưng cơn chấn động của cuộc pháo kích ngày hôm đó vẫn còn ám ảnh những cựu binh Mỹ. Mới đây, nhóm cựu binh Mỹ sống sót sau trận pháo kích này đã kể lại câu chuyện trong cuốn A Day in Hell on the DMZ (Một ngày ở địa ngục tại DMZ).
Cuốn sách có lời giới thiệu ngay ở bìa 1: The Rocket Attack on Firebase Charlie 2 Vietnam, May 21, 1971 (Cuộc tấn công bằng pháo kích vào căn cứ hỏa lực Charlie 2 ở Việt Nam, ngày 21/5/1971). Nội dung cuốn sách cũng được giới thiệu tóm tắt, dịch từ nguyên bản tiếng Anh: Vào lúc “0h tối 30” ngày 30/1/1971, các đơn vị của Sư đoàn cơ giới số 5 của Hoa Kỳ rời căn cứ hỏa lực của họ dọc theo DMZ hướng về phía Tây dọc theo Đường 9.
Nhiệm vụ có tên là Dewey Canyon II, là mở lại con đường từ Căn cứ không quân Khe Sanh đến biên giới Lào, để hỗ trợ cho cuộc xâm lược Lào của Nam Việt Nam (đã thất bại ngay từ đầu) nhằm cắt đứt đường mòn Hồ Chí Minh. Đại đội Alpha của Trung đoàn Bộ binh số 61 của Hoa Kỳ đã thực hiện việc giữ cho tuyến Đường 9 thông suốt, với chỉ 1 thương vong do hỏa lực của chính họ gây ra.
Họ trở lại căn cứ Charlie 2 vào tháng 4, kiệt sức nhưng vẫn tràn đầy hy vọng rằng Sư đoàn số 5 sẽ rời Việt Nam vào tháng 7. Họ tuần tra “những ngọn đồi phía Tây” trong suốt tháng 5 khi các cuộc tấn công bằng tên lửa diễn ra vào mỗi buổi tối. Vào ngày 21, một đòn tấn công trực tiếp vào boongke đã giết chết 30 trong số 63 người bên trong, 18 người trong số đó thuộc Đại đội Alpha.
Đây là câu chuyện của họ được các thành viên trong đơn vị của ông kể lại với chuyên gia Lou Pepi. Chỉ cần chừng đó thông tin thôi cũng đủ chúng ta hình dung về một ngày mà chính phủ Mỹ gọi đó là Ngày tang tóc/ Ngày đen tối của binh lính Mỹ trên chiến trường Việt Nam, chính xác là ở Quảng Trị.
Buổi trưa, tôi cùng bác Lân, anh Quyến ghé quán tạp hóa ven đường. Anh Quyến mua vài nén nhang, gói bánh, cây thuốc lá, rồi theo đường Hồ Chí Minh ngược ra phía Bắc tìm đến C2. Ngọn đồi xưa giờ đã san bằng chỉ còn vài mô đất cao. Xung quanh là rừng keo, tràm xanh tốt. Anh Quyến thắp hộ những cựu binh Mỹ đã gởi gắm vài nén nhang.
Bác Lân cũng thắp vài nén nhang xung quanh. Tôi nghe bác Lân nói: “Chiến tranh đã qua lâu rồi, thực ra những binh lính Mỹ này chỉ là người thừa hành. Lỗi là do chính phủ Mỹ, không phải nhân dân Mỹ. Là con người với nhau, dù họ từng là kẻ thù, đối đầu nhưng mình cũng thắp một nén nhang để linh hồn họ được an ủi, đó là nghĩa tử...”

Bìa sách A Day in Hell on the DMZ (Một ngày trong Địa ngục ở DMZ) kể lại câu chuyện căn cứ C 2 bị tấn công trong ngày 21/5/1971 -Ảnh: X.H
Tôi ngẩng lên nhìn. Trời Quảng Trị vẫn một màu xanh hòa bình yên ả, dịu thắm. Mây trắng vẫn treo trên vòm trời xanh ngăn ngắt, giữa một ngày tháng Tư. Chợt nghĩ, 50 năm hòa bình là khoảng thời gian quá đủ cho đời người hiểu thấm về nỗi đau chiến tranh và cái giá phải trả cho hòa bình.
Kể lại chuyện ở đồi C2 không phải để cày xới lại nỗi đau của những binh lính Mỹ thiệt mạng và người thân của họ, cũng không phải để khoét sâu thêm hận thù giữa hai quốc gia. Chỉ để nhắc nhớ rằng chiến tranh đồng nghĩa với đau thương, mất mát, chiến tranh phi nghĩa còn phải chịu thêm gánh nặng dằn vặt lương tri, nặng hơn gấp nhiều lần so với mất mát.
Nén nhang từ tay bác Vũ Đình Lân thắp ở đồi C2, với tôi, là cả câu chuyện dài của thời hậu chiến. Nó mang hàm nghĩa về sự nhắc nhớ, là dấu gạch ngang giữa chiến tranh và hòa bình, là thông điệp nhân văn không chỉ cá nhân mà còn là của một dân tộc yêu chuộng lẽ phải, chính nghĩa, không lãng quên điều gì nhưng cũng sẵn lòng khép lại...