Có kẻ lạ mặt đang ở trong nhà tôi!

Theo một thống kê chưa đầy đủ của cảnh sát Mỹ, trong năm 2023 cơ quan này ghi nhận khoảng 6.000 vụ xâm nhập gia cư bất hợp pháp xảy ra trên toàn quốc nhưng những kẻ xâm nhập phần lớn là người không nơi cư trú, không nghề nghiệp. Họ không vào nhà để cướp của giết người mà đơn giản chỉ là tìm chỗ ăn, chỗ ngủ. Thiệt hại do họ gây ra không đáng kể nhưng nhiều nạn nhân vẫn phải tìm đến bác sĩ tâm lý để điều trị chứng rối loạn lo âu vì 'có kẻ lạ mặt đã ở trong nhà tôi'…

Những vị khách không mời

Theo lời kể của bà Lydia, mẹ của 2 đứa con một trai 15 tuổi và một gái 12 tuổi thì chồng bà mất vì bệnh ung thư 5 năm trước: “Mẹ con tôi sống ở ngoại ô thành phố Kansas, bang Missouri. Cả hai đứa đều đi học còn tôi làm việc cho bưu điện quận Wyandotte. Nhà tôi rộng gần 200m2 gồm 1 phòng khách, 1 phòng ăn, 1 nhà bếp, 4 phòng ngủ và các công trình phụ. Ngoài ra còn có 1 phòng áp mái, nơi tôi để những đồ vật không dùng đến…”.

Bogo (phía sau) lúc bị phát hiện trong gara nhà ông Teddy.

Bogo (phía sau) lúc bị phát hiện trong gara nhà ông Teddy.

Vẫn theo bà Lydia, ngoại trừ thứ Bảy, Chủ nhật, còn thì mỗi sáng cứ 7h30 là mẹ con bà ra khỏi nhà và chỉ trở về lúc chiều muộn. Bà nói: “Cuộc sống bình thường cho đến một ngày, tôi mở tủ lạnh lấy hộp sữa nước làm món ngũ cốc cho hai đứa con thì tôi rất ngạc nhiên bởi hôm qua, tôi đã rót vào ly của chúng mỗi ly 200ml. Lẽ ra trong hộp phải còn 600ml thì nó chỉ còn khoảng 300ml”. Xem xét lại đồ đạc trong nhà, bà Lydia không thấy gì lạ nên bà nghĩ có thể bà đã nhầm lẫn về dung lượng hộp sữa.

Hơn 3 tháng sau, lúc ấy khoảng 23 giờ, bà Lydia đang ngủ thì đột ngột con gái bà vào phòng rồi đánh thức bà: “Mẹ à, con mở cửa định xuống bếp lấy ly nước táo thì thấy một bóng người đi nhanh lên lầu. Con sợ quá! Có ai đó đang ở trong nhà mình…”. Kể lại với hàng xóm, bà Lydia nói: “Lúc ấy tôi cũng sợ không kém. Thu hết can đảm, tôi cùng con gái sang phòng con trai, đánh thức nó dậy rồi gọi số điện thoại khẩn cấp 911”.

Khoảng 20 phút, xe tuần tra của cảnh sát quận Wyandotte đến. Nghe bà Lydia nói lại sự việc, 2 cảnh sát cùng bà tiến hành kiểm tra từng phòng nhưng không có gì bất thường. Trung sĩ Campbell cho biết khi lên căn phòng áp mái, ông thấy có một cửa hướng xuống sân nhưng nó đã đóng kín còn trong phòng chỉ là những thứ đồ lặt vặt gồm một tấm thảm trải sàn đã cũ, cuộn tròn để ở một góc cùng mấy món đồ gỗ, hai chiếc xe đạp trẻ con, một cái nôi, một cái thang, vài thùng các-tông chứa quần áo cũ… Ông nói: “Tôi soi đèn pin khắp phòng rồi hỏi bà Lydia có thấy đồ đạc bị xô lệch không thì bà ấy lắc đầu. Vì vậy tôi đoán con gái bà ấy có thể bị ảo giác”.

Lúc này ở dưới sân, trung sĩ Rock đang đứng dựa vào chiếc xe tuần tra thì tình cờ nhìn lên mặt trước của căn phòng áp mái. Ông cho biết “có một vật khá lớn, dài, nằm trên mái hiên”. Khi chiếu đèn pin, ông nhận ra rằng vật lạ có thể là thân hình của một ai đó nên ông thổi còi báo động. Chẳng khó khăn gì đề trung sĩ Campbell và trung sĩ Rock bắt được người này.

Theo Campbell, anh ta khai tên là John, 27 tuổi, thất nghiệp, không còn tiền thuê nhà nên anh ta đã lẻn vào nhà bà Lydia và sống ở đó hơn 3 tháng trong căn phòng áp mái: “Hàng ngày khi mẹ con bà ấy đã đi khỏi, tôi xuống tìm thức ăn. Tôi chỉ lấy một phần nhỏ những loại đang ăn dở chứ không lấy những loại còn nguyên vì sợ bị phát hiện. Cũng những lúc gia đình bà ấy đi khỏi, tôi tắm rửa, giặt quần áo ở phòng con trai bà. Sau đó tôi lau khô sạch sẽ rồi quay lại phòng áp mái…”.

Khi được hỏi vì sao đêm hôm ấy, biết mẹ con bà Lydia có nhà mà John vẫn xuống bếp thì anh ta trả lời “tôi đói quá, đã 2 hôm tôi chẳng lấy được thứ gì, chỉ uống nước lã cầm hơi nên tôi đánh liều vì nghĩ rằng họ đã ngủ. Lúc nghe tiếng còi xe cảnh sát, tôi chui ra ngoài mái hiên vì sợ…”.

Căn phòng áp mái, nơi John đã sống hơn 3 tháng.

Căn phòng áp mái, nơi John đã sống hơn 3 tháng.

1 tuần sau, John ra tòa với tội danh xâm nhập chỗ ở, sử dụng tài sản của người khác bất hợp pháp. Và bởi vì ngoài việc trộm cắp thức ăn, anh ta không gây tổn hại đến gia đình bà Lydia về mặt thể chất nên John chỉ bị phạt 6 tháng quản chế không giam giữ cộng với 30 ngày lao động công ích. Trong thời gian bị quản chế, John nhận được sự trợ giúp của United States Interagency Counsin on Homelessness (USICH) là cơ quan duy nhất của Chính phủ liên bang Mỹ về vấn đề người vô gia cư để trong tương lai, anh ta sẽ chẳng còn phải “ăn ở không mất tiền!”.

Theo số liệu của cảnh sát quận Wyandotte, trong năm 2023, chỉ riêng ở địa bàn quận, cơ quan này đã ghi nhận 27 trường hợp tương tự như John, nghĩa là lén lút vào nhà người khác chỉ để có chỗ ăn, chỗ ngủ. Tất cả đều vô gia cư, không nghề nghiệp, người lớn tuổi nhất là 57, trẻ nhất là 18 còn nếu tính trên toàn nước Mỹ, con số này là hơn 6.000. Vợ chồng ông Teddy Cromer ở hạt Springfield, bang Utah kể: “Chúng tôi chưa có con, cả hai đều đi làm. Có lẽ biết được điều này nên anh ta lẻn vào rồi dùng chiếc xe hơi cũ làm nơi trú thân”. Chiếc xe ấy là của cha Teddy.

Sau khi cha mất, ông Teddy giữ lại làm kỷ niệm: “Tôi để trong gara. Ngày nào tôi và vợ tôi cũng lấy xe đi làm nhưng hầu như chẳng bao giờ tôi nhìn vào bên trong chiếc xe cũ nên tôi không biết có người trốn ở đó”. Chỉ đến khi ông Teddy thấy một quả táo nằm lăn lóc gần bánh xe thì ông mới nghi ngờ: “Cây táo mọc ngoài vườn. Nếu nó rụng, nó sẽ rụng xuống gốc chứ chẳng lẽ nó có chân để chạy vào đây?”.

Vốn tính thận trọng, ông Teddy gọi cảnh sát. Chẳng khó khăn gì để cảnh sát lôi ra khỏi xe một thanh niên da đen là James Bogo, 21 tuổi. Lời khai của Bogo cho thấy anh ta không việc làm, không tiền thuê nhà, ngủ ở công viên gần nửa năm, kiếm sống bằng cách… ăn mày! Khi mùa đông đến, vừa lạnh vừa đói, anh ta đi lang thang thì nhìn thấy căn nhà của vợ chồng Teddy. Bogo khai: “Táo rụng đầy vườn, tôi leo hàng rào vào nhặt. Ăn xong, tôi thấy gara không có cửa nên tôi đến xem. Lúc phát hiện chiếc Ford Wagon ở một góc, bụi bặm bám đầy chứng tỏ đã lâu không ai đụng đến, tôi dùng nó làm chỗ ngủ”.

Khi được hỏi ngoài táo ra, anh ta còn lấy thứ gì nữa thì Bogo đáp: “Ngày nào tôi cũng lục thùng rác, trong đó có khá nhiều đồ ăn thừa, khi thì vài mẩu bánh mì, có khi là miếng xương gà vẫn còn sót lại chút thịt. Nước tôi uống ở vòi tưới cây, tôi tắm luôn ở đó…”.

Đại úy Roman, chỉ huy cảnh sát hạt Springfield cho biết do vô ý làm rơi quả táo lúc chui vào xe nên Bogo mới bị phát hiện nhưng dù muốn dù không, ông vẫn phải đưa Bogo ra tòa. Kết quả anh ta nhận mức án 3 tháng cải tạo không giam giữ vì chưa có tiền án tiền sự. May mắn cho Bogo là sau khi hiểu rõ mọi chuyện, ông Teddy đã ký đơn bảo lãnh anh ta rồi gửi anh ta đi học nghề thợ mộc. Không những thế, ông bà Teddy còn đồng ý cho Bogo ở lại gara, dĩ nhiên là giường chiếu đàng hoàng. Một cái kết có hậu với một kẻ xâm nhập gia cư bất hợp pháp!

Giải bài toán khó

Theo các nhà tâm lý xã hội học, khuynh hướng tìm một nơi nào đó để có chỗ ăn chỗ ngủ nhưng không làm hại đến gia chủ có vẻ như đang gia tăng, nhất là với những người thất nghiệp, không chốn nương thân. Một phần vì họ biết rằng nếu bị phát hiện, họ cũng khó bị kết án tù giam ngoại trừ hình thức quản chế nếu họ không sử dụng bạo lực hoặc đe dọa tinh thần chủ nhà và chưa từng can án. Mặt khác, nhiều người nghĩ rằng họ chỉ “ở nhờ” một thời gian đến khi tìm được việc làm, có tiền thuê nhà thì mọi chuyện sẽ kết thúc. Vì thế có trường hợp như ông Mathew, 63 tuổi, lập thành tích “ăn nhờ ở nhờ” 18 căn nhà suốt 3 năm trong bang Michigan cho đến ngày bị phát hiện.

Luật sư Goldmann, trợ giúp pháp lý cho người vô gia cư nói: “Ở Mỹ có nhiều cơ quan, kể cả của chính phủ lẫn các tổ chức thiện nguyện chuyên về vấn đề này, chẳng hạn như ngoài USICH, còn có US GAO, HUD, SAMHSA…”. Theo kháo sát của tổ chức Liên minh quốc gia về chấm dứt người vô gia cư (NAEH), chỉ trong một đêm tháng 1/2023, họ đã ghi nhận 653.104 người ngủ trong công viên, ngoài lề đường, bến xe, bến tàu… trên toàn nước Mỹ, chưa kể những người “ăn nhờ ngủ nhờ bất hợp pháp” trong nhà người khác mà NAEH không kiểm chứng được.

Huala trong nhà kho của gia đình Perkins với bánh mì khô và nước lã.

Huala trong nhà kho của gia đình Perkins với bánh mì khô và nước lã.

Và không chỉ người vô gia cư là nam giới mới chọn cách “ăn nhờ ngủ nhờ”, ngay cả nữ giới cũng có người sử dụng hình thức này để tồn tại. Huala, 38 tuổi, được gia đình ông Perkins Jr. ở bang Texas thuê về chăm sóc cho mẹ ông ốm liệt giường. Sau gần 2 năm, mẹ ông mất nên công việc của Huala coi như chấm dứt. Cô nói: “Mỗi tuần ông Perkins trả tôi 300 USD. Hàng tháng gom lại, tôi gửi về nhà ở Honduras 1.000 USD, chỉ giữ lại 200. Khi nghỉ việc, sau 3 tháng tôi tiêu hết số tiền dành dụm, chủ yếu là tiền thuê nhà vì nếu muốn tìm được việc làm, tôi phải chứng minh rằng mình có chỗ ở nhất định…”.

Rơi vào cảnh không nơi cư trú, không nghề nghiệp, đến bước đường cùng Huala nghĩ ra cách sống: Do đã làm cho ông Perkins nên cô thông thuộc đường đi lối lại và hơn thế nữa, cô còn biết rõ mọi quy luật sinh hoạt của 5 người trong gia đình. Cô nói: “Một buổi sáng khi họ đã đi làm, tôi lẻn vào rồi chọn cái nhà kho ở cuối vườn làm nơi trú thân. Cứ mỗi lúc thuận tiện, tôi lại vào nhà bếp vì bà Perkins chỉ khóa cửa thông lên phòng ăn, còn cánh cửa nhà bếp nhìn ra sân chẳng bao giờ khóa. Tôi lấy những thức ăn có thể để dành được như bánh mì khô, bơ đậu phộng, hạt hạnh nhân… đem về tích trữ”. Cho đến ngày bị phát hiện mà nguyên nhân là một người hàng xóm tình cờ nhìn thấy Huala từ căn bếp bước ra, và vì biết cô đã nghỉ việc từ lâu nên người này điện thoại cho ông Perkins.

Kết quả kiểm tra của cảnh sát cho thấy trong nhà kho, Huala đã dành dụm được 9 túi bánh mì khô, bánh lúa mạch, bánh gạo, 4 hộp bơ đậu phộng, 2 hộp pho mai, 3 hộp mứt dâu, 1 hộp đường và hàng chục chai nước khoáng, đủ để cô sống 2 tuần. Trung sĩ cảnh sát Stimson nói: “Khi biết được sự tình, ông bà Perkins đề nghị chúng tôi không lập biên bản nên chúng tôi chỉ buộc Huala viết cam kết không tái phạm…”. Hơn thế nữa, bà Perkins còn cho cô 500 USD làm lộ phí về quê với lời khuyên “hãy ở với gia đình, đất này là đất dữ, không nhà cửa, không việc làm thì khó mà tồn tại…”.

Theo Liên minh quốc gia về chấm dứt người vô gia cư (NAEH), tổ chức này đã từng ghi nhận có phụ nữ bị buộc phải cho chủ nhà thỏa mãn tình dục khi họ bị bắt vì “ăn ở miễn phí” nhưng khi tiếp xúc, hầu như không nạn nhân nào dám làm đơn tố cáo. Ông Jack Daniel, thành viên NAEH nói: “Có 2 lý do: 1 là nạn nhân sợ trả thù, sợ bị bắt giam và trục xuất và 2 là nếu tố cáo chăng nữa, nạn nhân không bao giờ đến gặp cảnh sát ngay lập tức mà thường là vài ba ngày sau, khi đã qua cơn hoảng loạn. Khi đó mọi chứng cứ vật lý như tinh dịch, tinh trùng, DNA trên cơ thể hầu như không còn. Thủ phạm hoàn toàn có thể phủ nhận mọi cáo buộc trong lúc dù muốn dù không, nạn nhân vẫn phải thừa nhận rằng mình đã xâm nhập chỗ ở, sử dụng thức ăn, nước uống của người khác trái phép”.

Còn với Hiệp hội các bác sĩ tâm thần Mỹ, năm 2023 họ đã điều trị chứng rối loạn lo âu, trầm cảm cho 2.463 trường hợp mà nguyên nhân là “có kẻ lạ mặt đã ở trong nhà tôi…”.

Vũ Cao (Theo U.S.A Now)

Nguồn ANTG: https://antg.cand.com.vn/ho-so-interpol/co-ke-la-mat-dang-o-trong-nha-toi--i752006/
Zalo