Chuyển biến về nhận thức nhưng bà chủ Vạn Thịnh Phát vẫn bị y án tử hình

Tòa cấp phúc thẩm ghi nhận bị cáo Trương Mỹ Lan có sự chuyển biến về nhận thức, thừa nhận sai phạm và tự nguyện dùng nhiều tài sản để khắc phục hậu quả. Tuy nhiên, do hành vi phạm tội của bị cáo Lan là đặc biệt nghiêm nên cấp phúc thẩm quyết định vẫn giữ nguyên mức án tử hình đối với bà chủ Vạn Thịnh Phát.

Bà chủ Vạn Thịnh Phát không bị oan, sai

Sau gần một tháng xét xử phúc thẩm và nghị án kéo dài vụ án Trương Mỹ Lan (Chủ tịch Tập đoàn Vạn Thịnh Phát) – giai đoạn 1, Hội đồng xét xử (HĐX) Tòa án nhân dân Cấp cao tại TP.HCM đưa ra các quyết định đối với 48 bị cáo có kháng cáo.

Tại phiên tòa phúc thẩm, bà chủ Vạn Thịnh Phát kháng cáo xin giảm nhẹ hình phạt đối với tội “Tham ô tài sản”. Trước đó, cấp tòa sơ thẩm đã quyết đinh tuyên phạt bị cáo Trương Mỹ Lan mức án tử hình về tội “Tham ô tài sản”, 20 năm về tội “Vi phạm quy định về cho vay trong hoạt động của các tổ chức tín dụng” và 20 năm tù về tội “Đưa hối lộ”. Tổng hợp hình phạt cả 3 tôi danh là tử hình.

Bà chủ Vạn Thịnh Phát Trương Mỹ Lan.

Bà chủ Vạn Thịnh Phát Trương Mỹ Lan.

Đưa ra phán quyết tại phiên tòa phúc thẩm, HĐXX nhận định, bị cáo Trương Mỹ Lan là người sở hữu 91,5% cổ phần tại Ngân hàng SCB và là người điều hành, chỉ đạo, chi phối hoạt động tại tổ chức tín dụng này.

Trên cơ sở đó, bà chủ Tập đoàn Vạn Thịnh Phát đã chỉ đạo các bị cáo là lãnh đạo chủ chốt tại Ngân hàng SCB và Vạn Thịnh Phát lập hàng trăm hồ sơ vay vốn khống để rút tiền ngân hàng, rồi chuyển lòng vòng vào các công ty "ma" nhằm rút cắt đứt dòng tiền với số tiền đặc biệt lớn.

Theo HĐXX, hành vi phạm tội của bị cáo Trương Mỹ Lan và các đồng phạm xảy ra trong thời gian dài, có tổ chức. Vì thế quá trình giải quyết vụ án, cơ quan tố tụng đã vạn dụng nguyên tắc có lợi cho các bị cáo.

Cụ thể, từ ngày 1-1-2012 đến ngày 31-12-2017, Chủ tịch Tập đoàn Vạn Thịnh Phát đã chỉ đạo lập khống 368 hồ sơ vay vốn để rút tiền của Ngân hàng SCB sử dụng vào các mục đích khác nhau. Đến ngày 17-10-2022, dư nợ của các hồ sơ vay vốn này là 132.247 tỷ đồng, không có khả năng thu hồi.

Sau khi cấn trừ vào số tài sản đảm bảo các khoản vay này thì hành vi của Trương Mỹ Lan và đồng phạm đã gây thiệt hại 64.600 tỷ đồng cho SCB. Hành vi trong giai đoạn này của bị cáo Lan và đồng phạm phạm vào tội “Vi phạm quy định về cho vay trong hoạt động của các tổ chức tín dụng”.

Từ ngày 9-2-2018 đến ngày 7-10-2022, bị cáo Trương Mỹ Lan đã chỉ đạo lập khống 916 hồ sơ vay vốn chiếm đoạt của Ngân hàng SCB hơn 304.096 tỷ đồng và gây thiệt hại số tiền gần 130.000 tỷ đồng. Hành vi này của bị cáo Lan phạm tội “Tham ô tài sản”.

Bị cáo Chu Lập Cơ - chồng bị cáo Trương Mỹ Lan.

Bị cáo Chu Lập Cơ - chồng bị cáo Trương Mỹ Lan.

Ngoài ra, để che giấu thực trạng yếu kém của Ngân hàng SCB và để ngân hàng này không bị đưa vào diện kiểm soát đặc biệt, bị cáo Lan đã chỉ đạo cấp dưới nhiều lần đưa hối lộ cho bị cáo Đỗ Thị Nhàn (cựu Cục trưởng Cục Thanh tra, giám sát ngân hàng II - Ngân hàng Nhà nước) tổng số tiền 5,2 triệu USD. Bị cáo Lan cũng đưa hối lộ cho các cán bộ khác thuộc đoàn thanh tra Ngân hàng Nhà nước.

HĐXX phúc thẩm khẳng định, bản án của tòa sơ thẩm tuyên bị cáo Trương Mỹ Lan về các tội “Tham ô tài sản”, “Đưa hối lộ”, “Vi phạm quy định về cho vay trong hoạt động của các tổ chức tín dụng” là đúng người, đúng tội, không oan sai.

Chuyển biến nhận thức và khắc phục hậu quả

Tòa cấp phúc thẩm cũng ghi nhận sự chuyển biến về nhận thức, thừa nhận sai phạm và tự nguyện đưa tài sản nhiều vào khắc phục hậu quả vị án của bà chủ Vạn Thịnh Phát Trương Mỹ Lan. Quá trình xét xử phúc thẩm, HĐXX đã xem xét giảm nhẹ hình phạt cho bị cáo Lan đối với tội “Vi phạm quy định về cho vay trong hoạt động của các tổ chức tín dụng”.

Tuy nhiên, do thiệt hại của vụ án là đặc biệt lớn, bị cáo Lan cùng lúc phạm vào nhiều tội danh khác nhau và chưa đủ cơ sở xác định bị cáo đã khắc phục được 3/4 số tiền tham ô nên HĐXX cấp phúc thẩm quyết định giữ nguyên mức án tử hình về tội “Tham ô tài sản”, 20 năm tù về tội “Đưa hối lộ” và 16 năm tù về tội “Vi phạm quy định về hoạt động cho vay của các tổ chức tín dụng”.

Tổng hợp hình phạt chung cả 3 tội danh, Tòa phúc thẩm buộc bị cáo Trương Mỹ Lan phải chấp hành mức án chung là tử hình.

Bị cáo Trương Mỹ Lan và các bị cáo liên quan tại phiên tòa phúc thẩm.

Bị cáo Trương Mỹ Lan và các bị cáo liên quan tại phiên tòa phúc thẩm.

Đối với bị cáo Đỗ Thị Nhàn (cựu Cục trưởng Cục Thanh tra, giám sát ngân hàng II, Ngân hàng Nhà nước), HĐXX phúc thẩm nhận định, tính chất, mức độ hành vi của bị cáo Nhàn là đặc biệt nghiêm trọng, xâm phạm đến uy tín của Đảng, Nhà nước và ảnh hưởng xấu tới tình hình an inh trật tự xã hội.

Mặc dù Tòa phúc thẩm ghi nhận bị cáo Nhàn có nhiều tình tiết giảm nhẹ mới như gia đình có công với cách mạng, đã giao nộp toàn bộ số tiền nhận hối lộ 5,2 triệu USD và nộp bổ sung 1 tỷ đồng khắc phục chung hậu quả của vụ án nhưng kháng cáo xin giảm nhẹ hình phạt của bị cáo Nhàn không được HĐXX chấp nhận. Bị cáo Đỗ Thị Nhàn bị bác kháng cáo, y án sơ thẩm là tù chung thân.

Ngoài ra, HĐXX cấp phúc thẩm cũng xem xét chấp nhận kháng cáo xin giảm nhẹ hình phạt của các bị cáo Trương Huệ Vân, Chu Lập Cơ (lần lượt là cháu gái và chồng bà Trương Mỹ Lan). Trong đó, bị cáo Chu Lập Cơ được tòa phúc thẩm giảm án từ 9 năm tù xuống còn 7 năm tù; bị cáo Trương Huệ Vân được giảm án từ 17 năm tù xuống còn 13 năm tù về tội “Tham ô tài sản”.

Huỳnh Lâm

Nguồn ANTĐ: https://anninhthudo.vn/chuyen-bien-ve-nhan-thuc-nhung-ba-chu-van-thinh-phat-van-bi-y-an-tu-hinh-post597289.antd
Zalo