Cơ hội vàng cho ngành lưu trú
Mùa du lịch hè đang đến gần, không khí sôi động đã sớm lan tỏa khắp các điểm đến nổi tiếng của Việt Nam. Cùng với sự phục hồi mạnh mẽ của ngành du lịch trong và ngoài nước, phân khúc khách sạn và homestay cũng đang chứng kiến sự thăng hoa rõ rệt, trở thành tâm điểm thu hút đầu tư để đổi mới trải nghiệm của du khách.
Theo số liệu từ cơ quan quản lý ngành du lịch, quý I/2025, Việt Nam đã đón hơn 4,6 triệu lượt khách quốc tế, tăng hơn 45% so với cùng kỳ năm trước. Đà phục hồi của ngành du lịch đang kéo theo nhu cầu lưu trú tăng cao tại các thành phố du lịch trọng điểm như Đà Nẵng, Hội An, Đà Lạt, Phú Quốc hay Hà Nội.

Một số khách sạn tại Thủ đô đạt công suất 90%.
Tại Thủ đô, theo thống kê của Savills Việt Nam, tỷ lệ lấp đầy trung bình của khách sạn hạng A trong quý I/2025 đã đạt hơn 82%, một số khách sạn thậm chí đạt công suất 90%. Giá phòng bình quân tăng 5% so với năm 2024, phản ánh nhu cầu lưu trú cao từ cả khách quốc tế lẫn nội địa.
Ông Nguyễn Văn Dũng, chuyên gia phân tích thị trường tại Savills nhận định, sự gia tăng mạnh mẽ lượng khách quốc tế là động lực chính thúc đẩy tăng trưởng phân khúc khách sạn. Củng với đó, các cơ sở lưu trú này cũng đang tích cực cải tiến chất lượng dịch vụ, áp dụng công nghệ và tăng cường cá nhân hóa trải nghiệm.
Bên cạnh các khách sạn truyền thống, homestay đang nổi lên như một xu hướng lưu trú mới, đặc biệt hấp dẫn giới trẻ và khách quốc tế ưa chuộng sự trải nghiệm bản địa. Những căn homestay tại Hội An, Đà Lạt hay Sa Pa thường được thiết kế độc đáo, gần gũi với thiên nhiên, mang lại cảm giác thân thuộc như ở nhà.

Homestay đang nổi lên như một xu hướng lưu trú mới
Bà Trần Thị Hồng Hạnh, người sáng lập hệ thống homestay Làng Tôi tại Đà Lạt cho biết, du khách giờ đây không những tham quan, nghỉ ngơi, mà còn muốn trải nghiệm cuộc sống như một người địa phương: "Thế nên chúng tôi thường tổ chức các hoạt động như nấu ăn cùng chủ nhà, học làm nông hay dạo chợ quê. Đây là những điểm nhấn khiến du khách nhớ mãi".
Còn ông Đoàn Mạnh của AnNam Art Homestay chia sẻ, homestay không chỉ tạo ra trải nghiệm khác biệt mà còn giúp phân tán lượng khách ra khỏi khu vực trung tâm, giảm tải cho các điểm nóng du lịch truyền thống.

Tuy nhiên, Homestay cũng là thị trường tiềm ẩn rủi ro.
Tuy nhiên, đây cũng là thị trường tiềm ẩn nhiều rủi ro. Trước sức hút lợi nhuận từ homestay, nhiều nhà đầu tư nhỏ lẻ đã ồ ạt vào cuộc, đặc biệt ở các vùng ven đô hay khu vực ven biển. Tuy nhiên, không ít người trong số đó thiếu kinh nghiệm vận hành, không xây dựng được bản sắc thương hiệu, dẫn đến tình trạng thua lỗ, phải rao bán cắt lỗ trên các diễn đàn bất động sản.
Theo ông Phạm Quang Dũng, chuyên gia tư vấn đầu tư bất động sản nghỉ dưỡng, homestay không còn là cuộc chơi đơn giản như vài năm trước. Để tồn tại và phát triển, nhà đầu tư cần có chiến lược dài hạn, đầu tư vào thiết kế, dịch vụ và quan trọng nhất là hiểu rõ nhóm khách mục tiêu.
Bất kể là khách sạn cao cấp hay homestay, xu hướng lớn nhất của ngành lưu trú hiện nay là cá nhân hóa trải nghiệm. Du khách ngày càng yêu cầu nhiều hơn, từ dịch vụ đón tiễn sân bay, ăn uống theo chế độ riêng, cho đến các hoạt động văn hóa bản địa.
Những mô hình mới như glamping (cắm trại sang trọng), boutique hotel, farmstay đang ngày càng được ưa chuộng vì mang đến trải nghiệm độc đáo. Nhiều chủ cơ sở lưu trú cũng tích cực ứng dụng công nghệ như tự động hóa nhận phòng, đặt dịch vụ qua app hay sử dụng AI trong tư vấn lộ trình du lịch nhằm nâng cao tiện ích và sự hài lòng của du khách.
Với lượng khách quốc tế dự kiến đạt mốc 18 triệu lượt trong năm 2025 và lượng khách nội địa vượt 130 triệu lượt, thị trường lưu trú Việt Nam đang đứng trước giai đoạn phát triển bùng nổ. Tuy nhiên, đi cùng với cơ hội là thách thức về quản lý chất lượng, cạnh tranh về giá và yêu cầu ngày càng cao từ du khách.

Để tồn tại và phát triển, nngười làm homestay cần có chiến lược dài hạn, đầu tư vào thiết kế, dịch vụ và quan trọng nhất là hiểu rõ nhóm khách mục tiêu.